- Năm tháng qua đi, vận đổi người đi, luân chuyển và lo lắng dần tăng lên, dần mờ mịt như hình bóng người giúp đỡ mình khi họ nghỉ hưu hay chuyển công tác.

Ngày 9/4 vừa qua, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ về vụ việc tuyển dư hơn 500 giáo viên. Trước đó một số cán bộ tỉnh, huyện liên quan đã nhận các hình thức kỷ luật, kiểm điểm. Tuy nhiên số phận của những giáo viên này sẽ ra sao đến giờ vẫn chưa có giải pháp.

Không chỉ riêng Krông Păk của Đăk Lăk, cơn “địa chấn” bị hủy hợp đồng của thầy cô giáo sẽ còn bùng nổ nhiều nơi khác khi Chính phủ kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII. Và không dừng lại đó, điều khiến dư luận quan tâm nữa là những ồn ào về chuyện "chạy giáo viên" hàng trăm triệu mà những người trong cuộc đã lên tiếng.

Bỏ hàng trăm triệu đổi lấy bấp bênh, vì sao?

Vì sao những giáo sinh có bằng cấp thật lại sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu để đổi lấy chỗ dạy học với mức lương chỉ đủ sống kham khổ? Có phải họ không nhận thức được sự mong manh của bản hợp đồng, hay họ mạo hiểm để mong cầu vận may trong lời hứa của người nhận tiền chạy việc, hay trông chờ kì thi tuyển dụng có thể được tổ chức?

Thực tế, không phải cứ những người cố sức chạy việc dạy học là những người yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ. Đằng sau đó là vô vàn lý do, hoàn cảnh khác nhau, đó là:

Tiếc công sức, thời gian và tiền bạc mấy năm để học ngành sư phạm nên không đành lòng “xếp xó” bằng cấp của mình. Cũng có người không thể làm việc nào khác vì nhiều lí do đành cố mà lo tiền chạy.

Bị “hoa mắt” trước các thông tin kiểu như ngành sư phạm còn thiếu nhiều và cơ hội tìm việc luôn tiềm năng. Rằng việc xin biên chế rất dễ dàng, hợp đồng càng dễ; thi vào trường quá nhẹ nhàng và tuyển vào bao nhiêu ra bấy nhiêu với điểm hồ sơ ngon lành.

Ước muốn trở thành thầy cô giáo để có danh phận trong xã hội. Nhiều người chấp nhận bỏ miền xuôi để chạy suất biên chế miền núi, chấp nhận cắm bản, hi sinh tuổi trẻ rồi bỏ tiền chạy chuyển vùng; nhiều cô giáo bỏ lại tình yêu hạnh phúc để được dạy học. Không có cơ hội và đủ tiền, không thể trở về.

Một số coi đây là công việc ổn định, “cao giá” trong mắt mọi người. Lấy vợ giáo viên thời nay đang là mốt của nam giới có thu nhập và việc làm ổn định. Lấy chồng giáo viên cũng được nhiều phụ huynh chọn mặt gửi con gái.

Cũng có người lấy dạy học làm “nghề phụ” để họ làm việc khác hay dạy gia sư… Muốn dạy ngoài, nhất thiết họ phải là thầy cô giáo, thậm chí còn đi thi và được nhiều danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”.

Không mấy ai suy nghĩ được kỹ càng về đồng lương bèo bọt có như không so với khoản tiền khủng chạy hợp đồng. Ở nơi thị thành, có khi vài năm họ có thể lấy lại “khoản đầu tư”, nhưng nơi khó khăn, thôn quê thì không ai dám nghĩ đến kiếm lại số tiền đó. 

{keywords}
Bò hàng trăm triệu chạy việc, đổi lại là điều gì? Ảnh minh họa

Họ tin mình, tin vào cơ hội thi tuyển viên chức giáo dục. Vừa học vừa làm, vừa tích lũy tiền trả nợ; vừa học thêm bằng cấp, củng cố tri thức, kinh nghiệm giảng dạy vừa nuôi hi vọng sẽ được dự thi và thi sẽ đỗ, sẽ là biên chế chính thức.

Năm tháng qua đi, vận đổi người đi, luân chuyển và lo lắng dần tăng lên, dần mờ mịt như hình bóng người giúp đỡ mình khi họ nghỉ hưu hay chuyển công tác. Cái giá của bản hợp đồng chỉ còn là những bài soạn thâu đêm, việc chồng chất và mối lo nhức nhối: nhỡ ra, không khéo bị dừng, bị chuyển trường… Nỗi lo này đôi khi khiến các giáo viên trở nên quỵ lụy, sợ hãi. Khi câu chuyện đau lòng “cô giáo quỳ” xảy ra, đã có những góc nhìn từ người trong nghề chỉ ra khía cạnh này.

Bao giờ chấm dứt?

Phần lớn các thầy cô nhận thức được dùng tiền và quan hệ để chạy việc là sai. Biết bao cử nhân sư phạm đã từ bỏ để làm việc khác, trong khi nhiều người vẫn theo đuổi và không hiếm cái kết tiền mất, việc mất, bơ vơ không biết cầu cứu ai.

Mấy năm nay, nhu cầu giáo viên đã bão hòa, kể cả các tỉnh miền núi, việc tuyển dụng lại càng chặt chẽ và khó khăn hơn, có khi cả trăm người chọn 3 - 4, thậm chí có nhiều môn, nhiều cấp không có chỉ tiêu, khiến nhu cầu “chạy giáo viên” càng tăng cao.

Người ta rỉ tai nhau “bảng giá ngầm định”, đại loại: biên chế chục ngàn đô, hợp đồng dài hạn vài ngàn, chuyển trường vài ngàn… Có “cò” chuyên môi giới, có người đứng ra trực tiếp làm, nhưng tờ biên nhận vay nợ thỏa thuận xong việc thanh toán hết, còn không thì người chạy sẽ mất hết hoặc mất số đã chi dùng. Nghĩa là được việc hay hỏng việc đều mất tiền.

Thực tế ở đâu cũng vậy, dù miền núi hay thị thành, trường thiếu, hợp đồng giáo viên là đúng; nhưng trường đang thừa biên chế nhưng vẫn có giáo viên hợp đồng lại là chuyện lạ. Những người có thẩm quyền đã vung tay tuyển dụng và đẩy xuống cơ sở rồi bỏ mặc họ. Việc ký tuyển dụng hợp đồng biên chế chục năm qua quá dễ dàng. Những người ký quyết định chưa ai bị xử lý nghiêm nên ngành nào, địa phương nào cũng thừa.

Việc ở Krông Păk, khi công an điều tra mới lộ rằng giáo viên phải bỏ rất nhiều tiền để mua suất dạy hợp đồng, nhưng còn biết bao nơi khác lại không có ai dám đứng lên tố cáo. Làm sao để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra?

Chỉ khi pháp luật được tôn trọng, người lãnh đạo làm sai, coi thầy cô giáo như món hàng hóa, như trái bóng phải bị xử lý nghiêm, kể cả bằng hình sự. Họ nhẫn tâm bán tờ giấy A4 lấy hàng trăm triệu rồi vẫn thăng chức, vẫn “hạ cánh an toàn”, hoặc chỉ bị cảnh cáo, rút kinh nghiệm là không thể chấp nhận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt Cục Nhà giáo, cần tham vấn Nhà nước chủ trương, chính sách và chế tài nhằm tháo gỡ, giải quyết để cứu những thầy cô đang bị bỏ rơi trong tuyệt vọng trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Còn đối với các thầy cô, nếu đam mê làm nghề dạy học, bạn hãy nỗ lực học và trau dồi nghề để không phải hổ thẹn luồn cúi, và chạy xin ai. Hãy dũng cảm chờ thi tuyển hoặc can đảm tìm việc khác nếu thấy cái giá phải trả để theo nghề quá đắt, không chỉ là tiền bạc mà còn cả danh dự, lòng tự trọng, sự trung thực. Mặt khác, khi có những tiêu cực, bất công xảy ra, các nhà giáo hãy cùng lên tiếng để bào vệ quyền làm việc và lợi ích hợp pháp của chính mình.

Lư Nguyễn

Chạy việc 300 triệu và chuyện tiền đâu ra tăng lương

Chạy việc 300 triệu và chuyện tiền đâu ra tăng lương

Nếu diệt trừ, ngăn chặn tham nhũng và tinh gọn bộ máy hành chính, nhân sự trong ngành giáo dục, sẽ có ngân sách tăng lương giáo viên, miễn học phí THCS.

Hiệu trưởng nhận 300 triệu chạy việc, cắt xén lương giáo viên

Hiệu trưởng nhận 300 triệu chạy việc, cắt xén lương giáo viên

Một hiệu trưởng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã bị công an triệu tập do bị người dân, giáo viên làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo nhận tiền chạy việc, cắt xén lương giáo viên.

Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Là giảng viên, tôi thấy…

Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Là giảng viên, tôi thấy…

Xét cho cùng, trong môi trường giáo dục, mọi hành xử đều phải xuất phát từ sự tự tôn trọng và tôn trọng lẫn nhau, nếu không hệ quả sẽ chỉ là sự hỗn loạn.    

Cô giáo bị buộc quỳ gối và “nền giáo dục không quỳ gối”

Cô giáo bị buộc quỳ gối và “nền giáo dục không quỳ gối”

Trong chuỗi những hành vi bạo lực học đường, bạo lực bệnh viện, cái xấu cái ác ngang nhiên tấn công trực diện vào nền tảng đạo đức xã hội: Người thầy giáo và người thầy thuốc.

Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Phạt hay là buông tay?

Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Phạt hay là buông tay?

Nên hay không nên áp dụng hình phạt với học sinh khi các em phạm lỗi?

Tôi được cô giáo Nhật giúp ‘cần câu’

Tôi được cô giáo Nhật giúp ‘cần câu’

Càng về sau, tôi càng hiểu cách giúp đó hợp lý, giúp tôi học hỏi được hơn rất nhiều so với việc cô chỉ cần đơn giản cho tôi tiền (hoặc cho vay).