“Triển khai thần tốc khu lưu trú cho 500 cán bộ, công nhân viên tại nhà máy” - đó là tựa đề chia sẻ trên trang facebook cá nhân của Tổng Giám đốc CTCP XNK Nam Thái Sơn – Trần Việt Anh ít giờ trước khi quy định siết chặt hoạt động của doanh nghiệp trong mùa dịch có hiệu lực tại TP.HCM. 

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, trong hơn 12 giờ đồng hồ, công ty đã triển khai xây dựng khu lưu trú tại nhà máy theo tinh thần Chỉ thị 16 và thông báo của UBND TP.Thủ Đức về việc tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 

“Công tác vừa sản xuất vừa chống dịch tuân thủ “3 tại chỗ”, sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn”, ông Việt Anh viết. 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện về nhân lực, vật lực để đáp ứng “3 tại chỗ” theo yêu cầu để duy trì hoạt động. Số doanh nghiệp này chấp nhận đóng cửa. 

‘Doanh nghiệp chạy theo văn bản của thành phố quá mệt’ 

“Chúng tôi sẽ tạm đóng cửa doanh nghiệp vì không thể đáp ứng được yêu cầu của thành phố” – CEO của Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu – Nguyễn Ngọc Luận nói với đại diện chính quyền xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn vào chiều ngày 14/7. Ít phút sau, cầu dao điện trong nhà máy ngắt điện, không gian tối sầm lại và cổng chính bị khóa trái từ bên ngoài. 

{keywords}
Công ty PouYuen Việt Nam ở quận Bình Tân tạm dừng hoạt động do có số lượng công nhân quá lớn, công ty không thể bố trí ăn ở cho tất cả lao động tại nhà máy

Đại diện công ty này cho rằng, yêu cầu của thành phố quá gấp gáp khiến doanh nghiệp không thể chuẩn bị kịp chỗ ở cho khoảng 50 – 60 con người. Từ vật tư, trang thiết bị dựng lều bạt, rồi nguồn thực phẩm duy trì sinh hoạt trong khoảng nửa tháng. 

“Quy mô doanh nghiệp chúng tôi chỉ ở mức trung bình nhỏ thôi nhưng kể cả doanh nghiệp lớn cũng không trở tay kịp. Chúng tôi sao có đủ tiềm lực tìm kiếm, xây dựng được một ký túc xá riêng cho công nhân ở được”, ông Luận bức xúc.

Theo vị CEO này, chính sách của thành phố hiện chỉ mang tính trước mắt, chưa có tính chiến lược, thực tiễn lâu dài. Giống như việc thiết lập các chốt ngăn chặn kiểm soát, được 1 - 2 ngày thấy có vấn đề lại dừng lại.

Việc cần thiết là để doanh nghiệp tự chủ động trong khâu kiểm soát, yêu cầu nhân viên của họ đi thẳng từ chỗ làm về nhà chứ không đi loanh quanh. Những người đi làm thì vẫn nên để họ đi lại bình thường nhưng kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, tâm lý của chính người lao động cũng sợ, họ có trách nhiệm tự đảm bảo sức khỏe an toàn cho chính mình và cộng đồng. Bản thân người lao động sẽ lo lắng, ngại tiếp xúc. Họ cũng không muốn công ty bị đình trệ mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới chính kinh tế của gia đình.

“Thử hình dung một buổi sáng, từng đấy con người dậy đi vệ sinh, đánh răng rửa mặt sẽ như thế nào ? Doanh nghiệp đã khổ rồi mà liên tục ra các văn bản, không có giải pháp cụ thể để doanh nghiệp chuẩn bị hoạt động bình thường. Tụi tôi chạy theo văn bản của thành phố hơi bị mệt”, CEO Luận nêu ý kiến.

Doanh nghiệp chưa chết vì dịch mà đã chết vì ngừng sản xuất

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, tối 13/7, UBND TP.HCM có văn bản về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp.

Cụ thể, doanh nghiệp phải đảm bảo được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ": sản xuất tại chỗ; ăn tại chỗ; nghỉ ngơi tại chỗ. Đồng thời, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm" chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

{keywords}
Khu vực nghỉ ngơi của công nhân tại nhà máy, yêu cầu chưa nhiều doanh nghiệp đáp ứng được  
{keywords}
Công nhân tự cắt tóc cho nhau trong khuôn viên nhà máy đang áp dụng mô hình “3 tại chỗ”

Theo ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng được rất là thấp.

Doanh nghiệp không kịp xoay sở với quy định đưa ra trong một thời gian ngắn như vậy. Quy định đến gây hoang mang, tốn kém chi phí lớn để thực hiện, phát sinh nhiều thứ cho doanh nghiệp.

“Một doanh nghiệp hội viên của chúng tôi có nhà máy ở Bắc Ninh và TP.HCM, trong vòng 2 tuần đã tốn gần 10 tỷ đồng chi phí cho mô hình ‘1 cung đường – 2 địa điểm’ để duy trì hoạt động”, ông Long thông tin.

Từ đó, đại diện HBA kiến nghị, cần hỗ trợ một cách linh động nhất có thể cho doanh nghiệp trong công tác, phòng chống dịch.

Đối với mô hình ‘1 cung đường – 2 địa điểm’, TP.HCM cần chỉ đạo các quận, huyện vào cuộc hỗ trợ gấp doanh nghiệp trong việc tìm khu vực có thể bố trí chỗ ăn, nghỉ cho công nhân. Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tự xoay, tự tìm kiếm được những khu vực như thế trong ngày một ngày hai.

Ngoài ra, cho hoạt động nếu doanh nghiệp đáp ứng và cam kết được việc quản lý công nhân ngoài khu vực sản xuất. Đồng ý cho người đi làm khi có giấy xét nghiệm âm tính, có giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin hoặc có giấy xác nhận họ là lao động thiết yếu của doanh nghiệp. Đồng thời người công nhân đó cũng xác nhận duy trì cung đường đi làm và về nơi ở.

Bên cạnh đó, phải phân loại các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên tiếp tục được hoạt động, đó là: doanh nghiệp thiết yếu, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hoặc doanh nghiệp đã có cơ chế dự phòng hoạt động trong mùa dịch...

Chính quyền thành phố cũng cần quy định tỷ lệ F0 là bao nhiêu mới buộc doanh nghiệp ngừng sản xuất và bao lâu thì họ sẽ được mở cửa trở lại. Phân xưởng nào có ca F0 thì cắt phân xưởng đó chứ không thể đóng toàn bộ nhà máy.

Theo ông Long, hệ lụy có thể nhìn thấy từ việc “bó chặt” doanh nghiệp cứng nhắc theo quy định đó là người lao động sẽ dần rời bỏ khỏi công việc, doanh nghiệp có đơn hàng đến nhưng không có lực lượng sản xuất.

Nguy cơ rất lớn nữa là việc các doanh nghiệp nước ngoài tự động đẩy các đơn hàng ra các nước khác khi Việt Nam không đảm bảo được sự liền mạch trong chuỗi sản xuất hàng hóa.

“Hiện nay, Khu Công nghê cao chiếm 30% giá trị xuất nhập khẩu của cả TP.HCM. Riêng một công ty hội viên của HBA đã chiếm 64% giá trị xuất nhập khẩu của Khu Công nghệ cao. Nếu doanh nghiệp đó rút đi, chuyển qua nước khác thì thiệt hại khó lường”, đại diện HBA nêu ví dụ.

“Phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chứ để vậy nền kinh tế sao phát triển được ? Doanh nghiệp không chết vì dịch mà để họ chết vì ngừng sản xuất thì sao chấp nhận được ?”, Phó Chủ tịch HBA đặt câu hỏi.

TP.HCM vận hành mô hình vừa sản xuất vừa cách ly

TP.HCM vận hành mô hình vừa sản xuất vừa cách ly

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang vận hành mô hình “vừa sản xuất vừa cách ly” thành công trong khi dịch bệnh bùng phát.

Quảng Định