Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nguồn găng tay y tế từ số ít các công ty đạt chuẩn của Việt Nam phần lớn dành để xuất khẩu, khiến cho thị trường này trở nên rất nóng khi giới buôn lùng sục săn hàng.

Trao đổi với PV, Giám đốc công ty XNK Vinh Phú (Nghệ An) Vũ Minh Khang cho biết, công ty ông đang tìm mua đơn hàng 100.000 thùng găng tay y tế cho đối tác tại Thái Lan. Song, cả tuần này đều không mua được từ các đối tác tiêu chuẩn có tiếng trong nước.

“Chúng tôi chuyển hướng gom hàng từ các mối buôn, chấp nhận giá cao hơn nhưng cũng không dễ mua do giới buôn phần lớn cũng gom hàng số lượng lớn để xuất đi các nước.

{keywords}
Thị trường găng tay y tế hiếm đến nỗi "có tiền cũng khó mua".

Chưa bao giờ thị trường này lại sốt đến vậy. Đến lượng găng tay trôi nổi trên thị trường còn khó mua, giá tăng cao. Còn khó hơn thị trường khẩu trang y tế lúc sốt…”, ông Khang nói.

Theo ông Khang, các nước giáp Việt Nam như Lào, Thái Lan và Trung Quốc đang cần nguồn cung rất lớn. Phần thì họ mua để dự trữ, phần khác để xuất khẩu sang các nước Châu Âu, nơi dịch bệnh vẫn diễn biến tăng trong những tuần qua.

Giám đốc một công ty chuyên sản xuất thiết bị phòng dịch tại tỉnh Bình Dương cho biết: Những công ty đạt chuẩn của Việt Nam về găng tay chỉ đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên, những công ty này phần lớn không bán ra thị trường mà chỉ dành xuất khẩu và cung cấp cho các đơn vị y tế trong nước.

“Đơn cử như phía Nam chỉ có khoảng 5 DN sản xuất đạt tiêu chuẩn cần thiết. Trong đó, chỉ có Công ty VRG-Khải Hoàn đặt tại tỉnh Bình Dương đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép liên quan để xuất khẩu đi Mỹ, các nước châu Âu - nơi số ca nhiễm vẫn tăng mức kỷ lục hàng ngày.

Trong khi, công ty này chiếm đến 30% thị phần găng tay y tế trên cả nước nhưng lại có tới 80% số lượng xuất đi các nước Mỹ, châu Âu, 20% còn lại chủ yếu được bán tại các cơ sở y tế; Số lượng bán ra ngoài gần như không có và không cung cấp đủ cho đối tác dù hoạt động tối đa công suất.

Dù nhu cầu găng tay y tế rất lớn, song nguồn cung vẫn không thể đáp ứng ngay lập tức bằng cách thêm máy móc vì quy trình sản xuất mặt hàng này không đơn giản như sản xuất khẩu trang khiến cho thị trường rơi vào cảnh "có tiền cũng khó mua" , vị này nhận định.

Cũng theo vị này, thị trường khan hiếm có thể sẽ khiến cho hoạt động thu gom hàng đã qua sử dụng nhộn nhịp, bát nháo nên cần sự có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng tránh những hệ lụy như thu gom để xuất lậu, từ đó mất uy tín của Việt Nam. Hay việc không đảm bảo an toàn phòng dịch và vệ sinh khi dùng hàng đã qua sử dụng…

(Theo Báo Giao Thông)