Ngày 11/8, nữ hành khách Lê Thị Hiền có chuyến bay VN248 từ Tân Sơn Nhất, TP.HCM đi Hà Nội.
Vì có mâu thuẫn với nhân viên hãng hàng không, nữ hành khách là cán bộ công an Hà Nội lập tức to tiếng, chửi bới. Trong đó, bà Hiền đề cập việc sẽ mua quảng cáo Facebook để "vạch mặt" nữ nhân viên Vietnam Airlines.
"Một ngày tao phải chạy 5 triệu Facebook vạch mặt mày", bà Hiền quát lên trong cơn tức giận.
Việc sử dụng mạng xã hội để "bóc phốt", cảnh báo, tố cáo, làm nhục, đòi nợ... không phải mới tại Việt Nam dù hình thức tấn công này đã được quy định chi tiết trong pháp luật.
Theo đại diện công ty luật Minh Gia, tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý là xâm phạm đến quyền cá nhân.
Đồng thời, người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Tại điểm e và điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định rõ: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Bên cạnh đó, hành vi xúc phạm người khác nếu được xác định là làm nhục có thể bị xử theo Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".
Trong trường hợp phạm tội nhiều lần; ảnh hưởng nhiều người; xúc phạm người thi hành công vụ; xúc phạm người dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dưỡng mình sẽ bị phạt tù từ 1-3 năm.
Tại điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào thực hiện hành vi gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Một mẩu quảng cáo "bóc phốt" trên Facebook năm 2018. |
Tuy vậy, việc xác định đâu là người mua quảng cáo để kiện vẫn khiến người bị hại gặp khó khăn. "Facebook không định danh người mua quảng cáo. Vì vậy, việc điều tra đâu là người cần kiện rất khó. Công việc này chỉ có cơ quan chức năng mới làm được", Nhân Nguyễn, người làm dịch vụ Facebook tại TP.HCM nói.
Bên cạnh đó, việc người dùng yêu cầu Facebook gỡ những quảng cáo bôi nhọ cũng không phải chuyện dễ.
"Thử tưởng tượng, một buổi sáng ngủ dậy, tôi nhận ra toàn bộ cư dân khu vực mình ở đều nhìn thấy gương mặt xấu xí của tôi trong một bài "bóc phốt" Facebook, tôi sẽ làm gì lúc đó?", ông Phan Tuấn, quản trị viên cộng đồng quảng cáo Facebook lớn nhất Việt Nam đặt giả thiết.
"Nếu bị 'bóc phốt', thật sự chỉ biết im lặng cho uy tín vơi đi chứ không biết làm gì hơn với Facebook", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Facebook cho phép người dùng mua quảng cáo "bóc phốt". Đồng thời, mạng xã hội này cũng cung cấp tính năng báo cáo bài viết (report). Thế nhưng để gỡ bài viết thì số lượng báo cáo phải lớn.
Theo các chuyên gia, việc Facebook bán quảng cáo bừa bãi những nội dung "bóc phốt" tạo ra một thứ quyền lực ẩn trong mỗi người dùng. "Bất kỳ ai cũng có thể nói xấu người khác với tốc độ lan truyền chóng mặt nhưng chỉ là ý kiến có lợi cho một phía", ông Đức Duy nói.