Khuyến mãi để “hút” người dùng mới...
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 43 triệu tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có 10 triệu tài khoản ví điện tử. Rõ ràng, thị trường ví điện tử đang là miếng bánh béo bở và đầy tiềm năng chưa được khai phá mà bất kỳ công ty fintech nào cũng muốn nhảy vào.
Nắm bắt tâm lý người dùng Việt là gắn các tiện ích trực tuyến với giá “hời”, ưu đãi “khủng”, các nền tảng fintech khi gia nhập cuộc đua ví điện tử tại thị trường Việt Nam đều trải qua giai đoạn “đốt tiền” để tăng trưởng và thu hút người dùng.
Cửa kính một quán ăn tại TP.HCM dán rất nhiều hình thức thanh toán lẫn giao hàng. Ảnh: Hải Đăng |
Giảm giá trực tiếp, tặng thêm món ăn, thức uống tại các điểm giao dịch… dường như vẫn chưa đủ, các ví điện tử còn chi mạnh để tung các chương trình hoàn tiền lên đến 50%; giới thiệu thành viên nhận tiền triệu; giảm giá khi nạp thẻ điện thoại, thanh toán điện nước; mua vé xem phim 1.000 đồng…
Gần đây, nắm bắt nhu cầu của người dùng đang tăng cao trong mùa dịch cho các dịch vụ như đặt thức ăn, đồ uống, thanh toán các dịch vụ giao hàng hay đi siêu thị hộ… các ví không tiếc tiền để tặng hàng loạt ưu đãi “khủng” xoay quanh các dịch vụ này.
Và có thể thấy, lượng người dùng sau mỗi đợt hoàn tiền, tặng quà cứ thế lại tăng vọt.
…nhưng cần tài chính mạnh, hệ sinh thái thanh toán lớn để chạy đường dài
Cuộc chiến của các ví điện tử hiện nay có thể so sánh với cuộc chơi thương mại điện tử tại Việt Nam cách đây vài năm. Các trang thương mại điện tử lớn đổ rất nhiều tiền để thu hút người dùng mới, nhưng khi tiền đã cạn mà không giữ chân được khách hàng thì buộc phải ra đi.
Bên cạnh các chiêu “đốt tiền” cho khuyến mãi, việc phát triển hệ sinh thái thanh toán nhằm mang đến trải nghiệm thanh toán tiện lợi và liền mạch cho người dùng được xem là yếu tố quan trọng để các ví giữ chân khách hàng về đường dài. Chính vì vậy, cuộc đua của các ví điện tử đang xoay quanh 2 yếu tố: tài chính và hệ sinh thái thanh toán.
Các ví điện tử “chen chúc” nhau trên quầy của các địa điểm bán hàng. Ảnh: Hải Đăng |
Một nghiên cứu mới công bố của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy, tính đến cuối 2019, 90% thị phần người dùng ví điện tử thuộc về ba tay chơi gồm MoMo, Moca và ZaloPay.
Về yếu tố tài chính, cả ba ví này đều được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư mạnh. Theo đó, MoMo nhận khoản đầu tư lớn từ Warburg Pincus hồi năm ngoái, với số tiền không được tiết lộ nhưng quỹ này chưa từng rót dưới 100 triệu USD tại Việt Nam. Trong khi đó, ZaloPay được hỗ trợ từ công ty mẹ VNG, startup trị giá hơn 1 tỷ USD duy nhất hiện nay tại Việt Nam. Còn Moca có Grab, startup mạnh nhất nhì Đông Nam Á “chống lưng” để tung khuyến mãi đường dài.
Về khía cạnh phát triển hệ sinh thái, cả 3 ví điện tử này đều có những thế mạnh khác nhau. MoMo có thể xem là ví điện tử đầu tiên tại Việt Nam với hướng đi đa dạng hóa các dịch vụ thanh toán online lẫn offline tại cửa hàng, điểm bán nhỏ lẻ. ZaloPay được thừa hưởng hệ sinh thái hàng chục triệu người dùng của Zalo và trở thành kênh thanh toán cho các dịch vụ của VNG. Trong khi đó, Moca chọn hướng đi khác biệt hơn để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khi hợp tác với Grab để trở thành giải pháp thanh toán di động cho toàn bộ hệ sinh thái của siêu ứng dụng này.
Nghiên cứu của Cimigo cho thấy MoMo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ. Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.
Nếu nhìn vào tính năng của các ví, có thể thấy 3 ông lớn này đều có chung các tính năng cơ bản như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, ... Song Moca có thêm lợi thế khi được tích hợp trong hệ sinh thái Grab như đặt xe, giao thức ăn, giao hàng hay mới đây nhất là đi siêu thị hộ và mua hộ hàng hóa...
Theo Cimigo, Moca hiện cũng là ví có tần suất sử dụng thường xuyên nhất trong top 3, đạt trung bình 2,2 giao dịch/ngày, cao hơn người dùng MoMo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch. 95% những người đang sử dụng Moca cũng nói rằng họ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng ví này cho dù không có khuyến mãi, tỷ lệ này ở MoMo và ZaloPay lần lượt là 89% và 84%.
Nhìn chung, việc “đổ tiền” vào khuyến mãi trong giai đoạn xâm nhập thị trường là nước đi cần thiết giúp các ví điện tử thu hút người dùng mới. Tuy nhiên, khi xét về đường dài, tài chính “mạnh” và hệ sinh thái thanh toán tốt mới chính là yếu tố giúp các ví điện tử lên ngôi. Điều này được thể hiện rõ qua 3 cái tên top đầu thị trường ví điện tử hiện nay - Moca, MoMo và ZaloPay.
Thảo Trần