Chạy đua nâng cấp viễn thông Đông Phi

ICTnews - Các kế hoạch lắp đặt tuyến cáp quang ngoài khơi Đông Phi sẽ là khởi đầu cho sự kết thúc các cuộc gọi đường dài phập phù, tốc độ kết nối Internet chậm và các trường đại học không có e-mail.

Bốn dự án đang được tiến hành kết nối 22 quốc gia Đông, Trung và Nam châu Phi với các mạng cáp quang biển của thế giới và truyền thông của thế kỷ 21 sẽ cho phép người dân ở đây thực hiện cuộc gọi quốc tế giá rẻ hơn và truy cập Internet tốc độ nhanh.

Tuyến cáp quang biển đầu tiên dự kiến hoàn thành vào đầu tháng Ba năm sau.

Hiện thời, Đông Phi - giáp Ấn Độ Dương - là vùng duy nhất trên thế giới không có cáp quang biển. Cả khu vực này dựa chủ yếu và các kết nối vệ tinh đắt tiền và hạn chế. Kết quả là chi phí truyền thông ở các nước dọc bờ biển và sâu phía trong lục địa này thuộc hạng đắt nhất thế giới.

Một nghiên cứu năm 2005 của Liên Hiệp Quốc cho thấy 90% cuộc gọi giữa các nước châu Phi qua kênh vệ tinh châu Âu hoặc Nam Phi với chi phí khoảng 400 triệu USD một năm.

Các đường kết nối cáp quang biển không chỉ sẽ hạ giá thành cước viễn thông, Internet mà còn đem lại cơ hội lớn cho các nhà doanh nghiệp.

“Chúng tôi nghĩ rằng giá truyền thông qua vệ tinh cao đang khiến cho các loại cước viễn thông cao, nhu cầu thị trường thấp giả tạo và bởi vậy chúng tôi nghĩ có nhu cầu bị dồn nén ở đây”, Brian Herlihy, Phó Chủ tịch Herakles Telecom (New York, Mỹ) nói. Công ty này đang tham gia vào một trong số các dự án cáp quang biển Đông Phi.

Chi phí lắp đặt hệ thống cáp quang biển, dài khoảng 8.000 dặm ước tính từ 100-200 triệu USD. Mỗi nước thậm chí sẽ phải chi nhiều hơn vì đặt cáp trên đất liền và kết nối các mạng của họ với cáp quang biển.

Các công ty viễn thông nhà nước và tư nhân của châu Phi, Ngân hàng Thế giới và các định chế tài chính, các chính phủ và nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đang đổ vốn vào các dự án.

Cạnh tranh giữa các công ty về lắp đặt tuyến cáp quang mới có thể làm cho chi phí lắp đặt giảm xuống. Ethiopia, đất nước đông dân nhất trong khu vực (77 triệu người), nghĩ các đối thủ (cạnh tranh trong lắp đặt cáp) đưa ra sự lựa chọn cho họ và cơ hội đàm phán với giá hợp lý.

“Càng nhiều giải pháp càng tốt”, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi nói. Đất nước bị ‘cô lập’ (không có bờ biển) này sẽ được kết nối với  tuyến cáp biển thông qua láng giềng Djibouti hoặc Kenya.

Kenya, một trong những nền kinh tế năng động nhất trong nhóm muốn giảm chi phí viễn thông để thu hút nhiều tỷ đô la về cho ngành gia công phần mềm (outsourcing) và biến Kenya thành một trung tâm công nghệ thông tin.

Hệ thống cáp quang biển Đông Phi đã bị chậm trễ bởi vì các cuộc đàm phán về sở hữu, nguồn vốn đầu tư và tranh cãi về vấn đề liệu lợi ích của hệ thống đối với riêng mỗi quốc gia tham gia.

Lo lắng dự án mất quá nhiều thời gian, Kenya đã thành lập một nhóm với công ty viễn thông Etisalat thuộc các Tiểu vương quốc A rập thống nhất và lắp đặt hệ thống cáp quang biển Đông Phi (TEAMS). Kenya sẽ đóng góp 40%, Etisalat 20% và phần còn lại còn chờ các nhà đầu tư tư nhân Kenya mà Chính phủ sẽ sớm mở thầu để tìm kiếm.

Kenya cũng vẫn tham gia dự án hệ thống cáp quang biển Đông Phi.

Trong khi đó, một công ty tư nhân - Kenya Data Networks – tham gia vào một sáng kiến thứ ba và đang đàm phán với một công ty con của tập đoàn Ấn Độ Reliance Group để lắp đặt cáp giữa Mombasa và gần biển Yemen.

Dự án gần đây nhất là dự án do Herakles Telecom đứng đầu. Trong tháng Tư vừa qua, hãng này đã tiến hành khảo sát Ấn Độ Dương và hy vọng hệ thống cáp của họ sẽ được đặt và đưa vào sử dụng vào tháng Ba năm 2009.

"Việc lắp đặt cáp của chúng tôi sẽ dẫn đến giá cước (viễn thông) thấp, thị trường nhu cầu lớn và tạo ra một mô hình giá cước trong khu vực”, ông Herlihy, Phó Chủ tịch Herakles Telecom nói.

Hà Lan

Theo AP