Trước khi đầu tư điện mặt trời mái nhà bùng nổ trong năm 2020 nhờ Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg chính thức được ban hành, nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước đã có cơ chế chính sách riêng khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Để chính sách có hiệu quả và đi vào thực tiễn, các Sở ban ngành địa phương không chỉ khuyến khích mà còn tự mình triển khai thực hiện. Đi đầu là Sở Công Thương Bắc Giang khi đơn vị này triển khai lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của chính đơn vị mình. Kết quả bước đầu thu được là tiết kiệm 30-35% lượng điện/tháng so với trước đây.
Nhờ đó, Bắc Giang khuyến khích được các doanh nghiệp đang hoạt động ở khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) tham gia đầu tư điện mặt trời. Tuy nhiên, do vướng mức trần 1MW nên hiện mới chỉ có 5 doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp phép lắp đặt.
Trong tương lai, Bắc Giang sẽ tiếp tục chọn lựa khoảng 10 cơ quan nhà nước có đủ điều kiện thực hiện thí điểm lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất 10kWp/đơn vị. Toàn tỉnh hiện có 377 khách hàng lắp đặt với tổng công suất đạt 6.027kWp.
Dự án nhà máy điện mặt trời Hậu Giang |
Tại Nghệ An, hai dự án đầu tư năng lượng tái tạo quy mô lớn đầu tiên vừa được tỉnh này đề xuất vào quy hoạch đó là điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu, công suất lắp đặt là 200MWp, vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng và điện mặt trời hồ Khe Gỗ, công suất 250MWp, vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.
Ở miền Nam, với điều kiện tự nhiên là có số giờ nắng nóng cao, trung bình khoảng 2.600 giờ/năm, Hậu Giang là tỉnh thành đi đầu trong việc nông nghiệp kết hợp công nghiệp hóa điện mặt trời.
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh này, đến nay toàn tỉnh đã có 216 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, đạt công suất là 5.847 kWp. Tỉnh này cũng đang gấp rút giải phóng mặt bằng cho dự án Điện mặt trời Hậu Giang trên diện tích 33 ha, công suất đạt 35MW ngay trong năm 2020 này.
Hai dự án điện mặt trời khác của Hậu Giang dự kiến đi vào vận hành từ tháng 09/2021 là Nhà máy điện mặt trời Vị Tân 2 và Vị Tân 3, tổng công suất lắp đặt là 50MW cho mỗi nhà máy.
Còn tại Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 666 công trình điện mặt trời áp mái được hòa lưới, với tổng công suất lắp đặt 8.152kWp. Tỉnh này cũng đã đề nghị bổ sung hai dự án điện mặt trời vào quy hoạch.
Đó là dự án điện mặt trời trên vùng trồng lúa và hồ nước tại thị xã Hồng Ngự, với công suất thiết kế 20MW, tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng trên diện tích 22 ha và một dự án ở Tam Nông có diện tích 18,8 ha nhưng chưa rõ tổng vốn đầu tư và công suất. Địa phương mới hiện chỉ có Nhà máy điện mặt trời Sao Mai 1 với công suất 1,06MW đã đi vào hoạt động ở huyện Lấp Vò.
Một dự án nhà máy điện mặt trời ở An Giang đã đi vào hoạt động |
Ở Long An, đã có 18 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400MW đăng ký đầu tư, tính đến đầu năm 2020. Hiện tại 5 nhà máy đã đi vào hoạt động, còn 3 dự án sẽ hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm nay.
Có thể thấy, các dự án điện mặt trời lớn hiện nay tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung trở vào đến miền Nam. Lý do là bởi nơi đây có lượng bức xạ mặt trời mạnh, số giờ nắng trung bình cao và liên tục trong suốt cả năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt từ 4-4,5kWh/ngày/kWp nên tiềm năng của năng lượng mặt trời là vô cùng to lớn.
Một số địa phương khác hiện cũng đang là điểm nóng đầu tư điện mặt trời như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (miền Trung), Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh (miền Nam), Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai (Tây Nguyên).
Đây là những bước đi hết sức đúng đắn phù hợp với tình hình của Việt Nam và thế giới, bởi điện mặt trời sẽ sớm vượt qua nhiên liệu than đá để trở thành nguồn cung điện chiếm ưu thế vào năm 2030 khi đóng góp tới 42% sản lượng điện toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Phương Nguyễn
Chính phủ đồng ý đề xuất tính điểm trên giấy phép lái xe
Chính phủ đồng ý với đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm. Nếu tài xế bị trừ hết điểm trong một năm sẽ phải thi lại.