- Ông ngoại tôi có mua 1 miếng đất, nhưng chỉ có giấy viết tay. Ông bà ngoại tôi chỉ có 2 người con gái là mẹ tôi và dì tôi. Khi còn sống ông bà ngoại đã cho đất đai sòng phẳng. Vì mẹ tôi là con cả nên ông bà sống cùng với mẹ tôi. Nay mẹ tôi, ông bà ngoại cũng đã mất. Xin hỏi:
1. Nay tôi muốn làm sổ đỏ cho miếng đất này, có được không (đất này mua năm 2000). Nếu được thì mong chỉ dẫn các bước để tôi thực hiện.
2. Đất này đứng tên tôi được không, vì tôi nghĩ tôi sẽ được 1/2 miếng đất này. Vì khi mua ông tôi đứng tên (cho dù mẹ tôi bỏ tiền ra mua). Nhà tôi hiện xây phòng trọ cho thuê trên miếng đất này.
(Ảnh minh họa) |
Luật sư tư vấn:
Thời điểm thực hiện việc mua bán đất đai nêu trên diễn ra năm 2000, do đó, cần áp dụng Luật Đất đai 1993 để xem xét, Khoản 2 Điều 31 Luật Đất đai 1993 có quy định: “2- Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn làm tại Uỷ ban nhân dân huyện; ở đô thị làm tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”
Như vậy, việc chuyển nhượng đất đai theo quy định của Luật Đất đai 1993 phải được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu đất ở nông thông thì làm tại UBND cấp huyện, nếu đất ở đô thị thì làm tại UBND cấp tỉnh, thành phố.
Do đó, việc chuyển nhượng chỉ bằng giấy viết tay của gia đình bạn là không hợp pháp.
Như vậy, để có thể xem xét về việc thửa đất trên có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, cần thiết phải áp dụng theo Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013: “2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn có xác nhận của UBND cấp xã việc việc đất đã sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp và không vi phạm pháp luật về đất đai.
Mặt khác, bạn có thông tin rằng khi còn sống ông bà ngoại đã cho đất đai nhưng do không có giấy tờ nào để chứng minh. Tài sản do ông bà để lại khi đó được chia theo quy định của pháp luật. Cụ thể:Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Điều 677 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, nếu mẹ bạn chết trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà ngoại thì bạn được hưởng phần thừa kế mà mẹ bạn được hưởng theo diện thế vị. Dì của bạn với tư cách là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông, bà ngoại nên cũng được hưởng một phần di sản nếu trong gia đình không còn người thừa kế nào khác.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các
câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ
[email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi
tiện liên hệ