Đọc cả truyện tranh lẫn sách dày
Hình như Châu Đăng Khoa có một kệ sách không nhỏ trong nhà? Ở đó có những thể loại sách gì?
- (Cười vui) Kể ra xấu hổ ghê, nhưng tủ sách đầu giường của tôi đa số là truyện tranh không, còn tủ bên cạnh giường là sách truyện thiếu nhi nước ngoài gồm những tác phẩm nổi tiếng thế giới, sách về thiên văn, Ai Cập cổ đại, thế giới song song... và gần đây là vài chục cuốn về chủ đề tương tự như Hành trình phương Đông, Bí ẩn Tây Tạng…
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa kể chuyện 3 tuổi biết đọc sách |
Anh đọc cả truyện tranh lẫn những cuốn khó như Hành trình phương Đông, Bí ẩn Tây Tạng?
- Cái đó như là sở thích vậy, truyện tranh tôi đọc khi còn bé lắm, 3 tuổi đã đọc Doraemon rồi, còn những cuốn sách kia do lớn rồi đọc sách chữ nhiều hơn.
Một hôm, như ý trời run rủi đi với bạn, bạn nói về cuốn Hành trình phương Đông. Tôi về tìm đọc thử và đọc xuyên đêm. Hôm sau, tôi mua thêm 10 cuốn nữa tặng cho bạn bè, rồi mua thêm tất cả những quyển có liên quan đến nhau như Hoa sen trên tuyết, mua nguyên series những cuốn của Nguyên Phong… Đọc xong tôi thay đổi quan điểm cuộc sống, thay đổi tất cả mọi thứ.
3 tuổi anh đã biết đọc sách?
- Ba tuổi tôi đã biết chữ rồi, từ nhỏ đã mê đọc sách. Hồi nhỏ như thần đồng ấy, cực kỳ thông minh.
Truyện tranh đọc khi còn bé như một thói quen, đọc nhiều đến nỗi cấp 1, cấp 2, cấp 3 hầu như ngày nào cũng đọc, đến mức mở được tiệm cho thuê truyện tranh. Cho thuê 500đ/1cuốn mà doanh thu có ngày lên tới 10.000đ lận.
Tôi với chị chăng dây kẽm ở trước hiên nhà, treo truyện lên đó, có ghế dựa với ô với bàn nữa, rồi cứ ngồi đó thôi. Mọi người thấy treo truyện nhiều cũng chú ý hoặc có thể do tôi quá xinh trai, dễ thương (cười).
Mọi người thường nói sách càng dày càng khó đọc, lười đọc. Anh thấy thế nào?
- Đúng vậy. Thật ra, nhìn vào quyển sách dày cũng ngán, nhưng tôi là một người thích đọc sách nên không sao, chỉ cần chủ đề hấp dẫn. Đôi khi, tôi đọc chỉ vì bìa sách đẹp.
Chỉ vì cái bìa sao? Rồi anh có bị thất vọng vì nội dung chán?
- Tôi cũng may mắn ít khi bị thất vọng. Cuốn Bắt trẻ đồng xanh tôi đọc chỉ vì cái bìa màu xanh lá cây (cười). Ngay cả sách dày cũng đọc hết từ đầu tới cuối. Lúc đọc sách chữ, tôi cũng thích đọc sách thiếu nhi thế giới như Những lá thư không gửi, Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất … Nói chung, tôi thích những cuốn có sự hài hước nhưng lúc học đại học Kinh tế, đọc sách kinh tế lại không đọc được vì chán quá. Trước lúc thi chỉ đọc qua nhanh, thi xong quên luôn, vậy mà điểm vẫn cao thế mới hay (cười). Tôi đọc nhớ nhanh lắm.
Bây giờ nổi tiếng anh có dành nhiều thời gian cho sách?
- Hồi xưa thì có, bây giờ tôi rảnh mới được đọc, mà tôi có cái tật đã đọc là đọc một lèo từ đầu đến cuối luôn mới thôi. Nhớ có lần đọc Mật mã Da Vinci mà mê quá đọc suốt đêm suốt ngày không ăn không ngủ.
Châu Đăng Khoa: 'Ba tuổi tôi đã biết chữ rồi, từ nhỏ đã mê đọc sách. Hồi nhỏ như thần đồng ấy, cực kỳ thông minh'. |
Sẽ đưa scandal vào tự truyện
Chắc hẳn làm việc trong showbiz rất bận rộn và không có nhiều người đọc sách hay cùng quan điểm. Tại sao anh lại dành thời gian đọc sách? Anh tìm thấy điều gì ở đó?
- Đầu tiên là cảm thấy thư giãn, vui vẻ, thế nên tôi rất thích đọc truyện tranh hoặc sách thiếu nhi kiểu như Hoàng tử bé, Tottochan - cô bé bên cửa sổ ... Thứ hai là cảm giác ố á vì có nhiều cái hay và kỳ diệu (cười rất vui).
Một số cuốn sách anh đang đọc gần đây?
- Tôi đang đọc Thế giới song song, Sài Gòn năm xưa, và Tự truyện Mike Tyson.
Thích nhất là Sài Gòn năm xưa của bác Vương Hồng Sển. Bác kể giai thoại về cuộc đời cô Ba Sài Gòn, một người con gái đẹp nhất hồi xưa, chuyện đời do chính cô kể cho bác viết.
Tôi đọc như thấy quang cảnh Sài Gòn hồi xưa như hiện ra trước mắt mình. Sài Gòn hồi xưa hay hơn Sài Gòn bây giờ. Cách đây khoảng 50-60 năm, cỡ những năm 1960, Sài Gòn phát triển hơn Singapore. Bác Vương Hồng Sển viết rất chân chất, dễ chịu nên đọc rất cuốn.
Anh thấy bản thân có chuyển biến tích cực ra sao sau khi đọc sách?
- Những gì mình chưa biết đều có ích hết, nhiều lắm. Ví dụ như khi đọc Hành trình phương Đông, tôi đọc xong hoàn toàn thay đổi quan điểm về cuộc sống, về cái chết, mọi thứ luôn.
Cuốn sách như thức tỉnh tâm linh. Đoạn nói về cái chết, người ta nói rằng không có địa ngục, khi mình chết đi sẽ trở thành dạng linh hồn và kiếp sống này chỉ là một phần trong quá trình hoàn thiện bản thân. Linh hồn sẽ được đầu thai tiếp tục để học tập và nâng cấp mình lên. Khi nào đạt tới trình độ học hết tất cả những cái mình biết, linh hồn mình sẽ lên tầng thức cao hơn.
Không có địa ngục mà có 7 tầng thức sống khác nhau. Ví dụ, linh hồn bạn ở cấp thấp ở bạn tầng thấp hơn, chỉ toàn những đau khổ, nếu linh hồn thánh thiện, tốt lành hơn sẽ được lên những tầng ý thức cao hơn, đầy ánh sáng và sự nhẹ nhàng, dễ chịu. Tôi đọc và cảm thấy cái chết không có gì đáng sợ hết. Tôi tin thuyết này hơn thuyết về 18 tầng địa ngục.
Nhạc sỹ Châu Đăng Khoa kể chuyện 3 tuổi biết đọc sách |
Anh có thể trích dẫn 1 hoặc 2 câu đáng nhớ nhất?
- “Chỉ trong đau khổ, nhục nhã ê chề, con người mới chịu học…Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin”.
Đức tin của anh là gì vậy?
- Bây giờ, đức tin của tôi là tổ nghiệp, làm nghề… Còn trước kia, đức tin của tôi chính là bản thân. Tôi có suy nghĩ là cuộc đời này những gì xảy ra đều được sắp đặt hết rồi, có tránh cũng không được, vậy nên hãy cứ sống, làm nghề cho tử tế, rồi chuyện gì tới sẽ tới, nên ngay cả khi những chuyện không may của tôi xảy ra tôi cũng nghĩ đó là một phần trong quá trình cuộc sống và tôi phải chấp nhận nó.
Tôi cũng chuẩn bị phát hành cuốn “Tự chuyện của Khoa" sau 3 năm viết miệt mài. Dùng chữ “Tự chuyện” chứ không phải “Tự truyện”, nghĩa là tự kể chuyện mình.
Sách của anh sẽ như thế nào nhỉ?
- Sẽ thật hài hước và dí dỏm ở mọi góc độ kể cả những chuyện buồn nhất. Sách của tôi tính ra vào sinh nhật nhưng không kịp. Độc giả cũng biết tôi có scandal vừa rồi nên tôi làm thêm cho nó 2 chương đặc biệt nữa, từ nay đến cuối năm chắc sẽ ra mắt.
Anh sẽ nói gì với bạn đọc về việc đọc sách?
- Hãy cứ đọc đi, rồi bạn sẽ tìm thấy cuốn sách của cuộc đời mình.
Châu Đăng Khoa chơi dù lượn:
Trần Sam
Châu Đăng Khoa khởi kiện Orange, LyLy đòi bồi thường 15,5 tỷ
Sau nhiều thời gian tranh cãi, phía công ty Châu Đăng Khoa đã gửi đơn kiện tới tòa, yêu cầu Orange và LyLy bồi thường số tiền 15,5 tỷ đồng.