Trong cuộc họp vào ngày 7/1, ông Trump tuyên bố “tôi nghĩ NATO nên chi 5% GDP cho quốc phòng. Tất cả họ đều có thể chi trả được, nhưng họ nên chi ở mức 5%, chứ không phải 2%".

Con số mà ông Trump đưa ra cao hơn gấp đôi mục tiêu chi tiêu hiện tại của NATO cho lĩnh vực quốc phòng. Ngoài ra, hiện không có thành viên nào trong liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu chi 5% GDP cho quốc phòng.

trump nato chi tieu quoc phong.jpg
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: PTI

Theo ước tính của NATO, Ba Lan sẽ dẫn đầu liên minh về chi tiêu quốc phòng tính theo tỷ lệ % GDP vào năm 2024 với con số hơn 4%. Tiếp theo là Estonia và Mỹ với tỷ lệ chi lần lượt là 3,43% và 3,38%.

Do đó, phát biểu của ông Trump đã khiến một số quan chức châu Âu thất vọng. Điển hình, bình luận trên Facebook, ông Ralf Stegner, một thành viên của Đảng Dân chủ xã hội Đức, cho rằng những bình luận của Tổng thống Mỹ đắc cử là "ảo tưởng và điên rồ".

Còn hôm 8/1, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto đã bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi đối với đề xuất của ông Trump. "Tôi không nghĩ là 5%, bởi đây là điều mà hiện tại hầu hết các nước trên thế giới không thể thực hiện được", ông Crosetto cho hay.

Được biết, Italia đã chi 1,49% GDP cho quốc phòng trong năm 2024, còn Đức đã đạt được mức 2,12%.

Tuy nhiên, đối với những nước nằm giáp biên giới Nga và Ukraine, việc tăng chi tiêu quốc phòng lại được ủng hộ. Cụ thể, Warsaw đã ra tín hiệu ủng hộ đề xuất của ông Trump. Chia sẻ với Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho hay, nước này "có thể làm cầu nối xuyên Đại Tây Dương giữa thách thức mà ông Trump đặt ra, và việc thực hiện thách thức này ở châu Âu".

Tại Estonia, quốc gia có đường biên giới chung với Nga, phản ứng trước bình luận của ông Trump, Thủ tướng Estonia Kristen Michal nói với Politico rằng đó là "thông điệp mà Estonia đã ủng hộ trong nhiều năm".

"Đây là tín hiệu rõ ràng gửi tới Nga về việc không nên thử thách sự bình tĩnh của NATO, và chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó", ông Michal cho hay.

Hay tại cuộc họp vào năm 2024, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia cũng đã kêu gọi các nước đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP để đối phó với mối đe dọa từ Nga.

Thụy Điển, quốc gia đã tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào năm 2022, cũng đã ủng hộ lời kêu gọi của ông Trump.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda gần đây lên tiếng kêu gọi các nước châu Âu "thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn đối với chương trình nghị sự toàn cầu của Mỹ" bằng cách tăng phần chia sẻ gánh nặng quốc phòng.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng nhấn mạnh, châu Âu cần phải chi nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng.

Song các nhà phân tích cho rằng, mức chi 5% GDP cho quốc phòng của ông Trump là phi thực tế. "Nhiều nước NATO ở châu Âu đang tài trợ cho chi tiêu quân sự cao hơn thông qua các khoản nợ, cắt giảm những lĩnh vực chi tiêu khác, và đề xuất tăng thuế", ông Nan Tian tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm nói với Business Insider. 

"Những khoản tăng hiện nay cũng chỉ đẩy chi tiêu quân sự lên mức chiếm khoảng 1/2 so với mức mà ông Trump đề xuất là 5% GDP. Do đó, tôi cho rằng đây là mục tiêu phi thực tế. 5% GDP còn cao hơn mức các quốc gia này đã chi vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh”, ông Tian nhấn mạnh.

Còn theo ông Ruther Deyermond tại Đại học King's College London, đề xuất của ông Trump là “chiến thuật ép buộc”.

“Dường như mục đích trong đề xuất 5% là để nó trở thành mục tiêu không thể đạt được. Đây là chiến thuật ép buộc:  trả tiền hoặc đất nước của các bạn sẽ gặp rắc rối. Đây là tín hiệu cho thấy, NATO không còn là một liên minh có ý nghĩa”, ông Deyermond viết trên trang mạng xã hội X.