Các nước châu Á đã thoát khỏi những cuộc tấn công đòi tiền chuộc quy mô toàn cầu đầu tiên trong những ngày cuối tuần vừa qua và hầu như không bị tổn hại, thế nhưng những quốc gia này nhận thức rõ về những điểm yếu của mình trong bối cảnh smartphone ngày càng phổ biến và nét đặc thù trong văn hoá công việc trong của khu vực.

Đáp lại những tin tức về các cuộc tấn công mạng ngày càng lan rộng, Hội đồng Cải cách Quốc gia của Thái Lan đã đề xuất thành lập ngay lập tức một ủy ban an ninh mạng cho Thủ tướng Prayut Chan-ocha đứng đầu. Ủy ban quốc gia này sẽ có quyền tiếp cận các mạng lưới được cho là bảo mật yếu để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn.

Các nhà chức trách ở Singapore và Malaysia đưa ra những tuyên bố khi ảnh hưởng của vụ tấn công mã độc đòi tiền chuộc vào phương Tây được đưa tin hôm thứ Bảy (13/5), thông báo cho người dân biết cách để đối phó với vấn đề và nói rằng chính phủ sẽ có những biện pháp để ngăn chặn thiệt hại lan rộng.

Châu Á dường như đã tránh được những thiệt hại lớn. Nhưng chính quyền đã phản hồi rất nhanh chóng, và nhận thức được rằng các cuộc tấn công tương tự có thể gây ra thiệt hại rất lớn.

Nick Savvides, một cố vấn an ninh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản tại công ty an ninh mạng Symantec của Mỹ, cho biết: "Vì lý do thời gian nên làn sóng những email nhiễm mã độc đã đánh trúng người châu Âu đầu tiên". Vào ngày hôm sau, "các tổ chức ở châu Á đã đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ hơn nữa. Tức là châu Á đã thoát nạn một cách may mắn, chứ không có nghĩa là khu vực này an toàn hơn châu Âu khi nói về vấn đề phòng vệ trên mạng Internet", ông Savvides nói.

Các quốc gia châu Á có thể rất dễ bị tấn công bởi các ứng dụng điện thoại di động, do việc sử dụng smartphone đang lan rộng nhanh chóng. Khi các công ty vội vã thiết lập mạng và các cá nhân nắm bắt công nghệ mới, an ninh mạng "có thể đã là một điều được nghĩ đến sau" đối với một số nền kinh tế mới nổi, ông Savvides nói.

Khoảng 81% nhân viên của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sử dụng máy tính cá nhân và thiết bị di động để làm việc, theo khảo sát của công ty phần mềm Mỹ VMware. Ở Singapore, một nửa số nhân viên khảo sát đã không tuân theo hoặc không biết các quy tắc của công ty về việc sử dụng các thiết bị cá nhân.

Việc sử dụng công nghệ thông tin một cách không cẩn thận làm tăng nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại. Ransomware (mã độc tống tiền) giống như các chương trình được sử dụng trong các cuộc tấn công mạng cuối tuần vừa rồi là một mối đe dọa đặc biệt vì nó lây lan nhanh chóng "bên trong một môi trường, tự động lây nhiễm sang các máy khác trong cùng một mạng và đồng thời chiếm nhiều máy tính", Savvides nói.

Trong lúc thế giới đang tiến hành những cuộc điều tra, bao gồm cả cuộc điều tra liên quan đến một nhóm hacker Triều Tiên, thì các biện pháp an ninh mạng đã trở thành yêu cầu khẩn thiết cho cả khu vực tư nhân và khu vực công ở Châu Á.