Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tuần này được tổ chức tại Malaysia với sự hiện diện của các quan chức ngoại giao Mỹ và TQ, Bắc Kinh phải đối mặt với áp lực xung quanh việc làm đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

{keywords}
 TQ ngang nhiên làm đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ nói rằng, Biển Đông sẽ là "trung tâm" cuộc họp 3 ngày giữa các ngoại trưởng ASEAN bắt đầu từ ngày mai ở Kuala Lumpur.

“Các nước ASEAN cũng như chúng tôi rất quan ngại về quy mô, mức độ, tốc độ và tác động của việc TQ làm đảo nhân tạo ở Biển Đông", vị quan chức nói.

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ John Kerry sẽ tham dự ARF, cùng với các ngoại trưởng Đông Nam Á, Nhật, Hàn Quốc và nhiều nước khác.

Theo lời quan chức Mỹ, sự kiện lần này là cơ hội để ASEAN và các nước khác "bày tỏ quan ngại trực tiếp với TQ".

TQ đã mở rộng các bãi ngầm chiếm giữ trái phép, biến chúng thành đảo nhân tạo, lập các tiền đồn quân sự trên đó nhằm củng cố chủ quyền với vùng biển chiến lược này.

Hành động của TQ làm dấy lên quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực cũng như khả năng bùng phát xung đột.

Washington nhiều lần cảnh báo, căng thẳng trong vùng biển có thể cản trở tự do hàng hải và thương mại, ảnh hưởng lớn đến thương mại quốc tế.

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói với báo giới tuần trước rằng, gần đây đã có "tiến triển quan trọng" trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và TQ về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tuy nhiên, tháng trước, Ngoại trưởng Philippines tại tòa xét xử ở Hague lại cho rằng, Bắc Kinh đã nhiều năm ngăn cản COC được hoàn tất. “Sự không khoan nhượng của TQ suốt 13 năm trong các cuộc đàm phán đa phương khiến cho mục tiêu gần như không thể đạt được", ông Albert Del Rosario nói trước tòa trọng tài quốc tế.

Các nhà phân tích cũng đồng thuận việc này khi nói rằng, Bắc Kinh muốn kéo dài tiến trình trong khi củng cố hiện diện ở Biển Đông. "Họ sẽ không ký hoặc ký sẽ không tuân thủ. Một COC có hiệu lực và được thực hiện nghiêm túc sẽ cản trở nghiêm trọng những gì họ muốn làm", Donald Emmerson, một chuyên gia Đông Nam Á tại Đại học Stanford lập luận.

Thái An (theo SCMP)