Châu Á cần cải thiện hệ thống viễn thông
Châu Á bắt đầu các hoạt động kinh doanh trong năm mới trong bối cảnh các hệ thống viễn thông bị cắt đứt vì một trận động đất. Nhưng trong khi khu vực này đang hồi phục một cách chậm chạp, các chuyên gia kêu gọi phải có những mạng lưới vững chắc hơn để ứng phó với những thiên tai.
Việc hư hỏng các đường cáp ngầm dưới biển này đã làm nhiều nơi ở châu Á bị mất liên lạc và gây gián đoạn nghiêm trọng cho hệ thống kết nối Internet và điện thoại. Cho đến hôm nay, đường truyền Internet và đường dây điện thoại đã được hồi phục một phần nhưng nhiều hệ thống kết nối vẫn còn chậm và rời rạc. Chính phủ các nước, giới doanh nghiệp và các chuyên gia về viễn thông nói rằng trận động đất vừa qua cho thấy châu Á cần phải chuẩn bị tốt hơn để có thể ứng phó trong những trường hợp có những sự cố tương tự.
Stephen Yip, Cục trưởng Cục Thương mại, Công nghiệp và Công nghệ Hồng Kông nói rằng nay đã đến lúc phải tìm những hệ thống dự phòng thay thế cho hệ thống viễn thông hiện nay. “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là những người điều hành hệ thống cáp viễn thông, những nhà cung cấp dịch vụ Internet, chính phủ và các công ty viễn thông phải xem xét tình trạng vừa xảy ra và xem chúng ta cần phải làm gì để cải thiện tình hình này. Chẳng hạn như liệu chúng ta có cần xem xét những khả năng khác có thể thay thế, ví dụ như có những hệ thống để thay thế tốt hơn khi sự cố xảy ra, những hệ thống dự phòng, qua những phương tiện khác như truyền qua vệ tinh”, Stephen Yip phát biểu.
Việc gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc bị kéo dài có nghĩa là các cơ sở kinh doanh ở khu vực này bị mất hàng tỉ đôla, nhất là nếu như các hoạt động của ngân hàng, hối đoái, và việc mua bán chứng khoán bị ảnh hưởng. Người ta còn đang kết toán những thất thoát do hệ thống viễn thông ngưng hoạt động gây ra trong tuần trước. Hàng ngàn kilômét dây cáp quang đặt ngầm dưới biển kết nối thông tin liên lạc giữa châu Á với thế giới. Những đường cáp bị hư hại do trận động đất ở Đài Loan là những đường nối kết quan trọng đến khu vực Bắc Mỹ và đồng thời cũng nối kết với khu vực Bắc Á và Đông Nam Á.
Các chuyên gia về viễn thông nói rằng việc tìm kiếm những công nghệ mới và đáng tin cậy hơn có thể phải mất nhiều năm và tốn kém hàng tỉ đô la đầu tư cho việc này. Chunghwa Telecom là công ty điện thoại lớn nhất ở Đài Loan nói rằng công ty không có kế hoạch đặt những cáp mới bởi vì những gián đoạn nghiêm trọng như sự cố tuần vừa qua là hiếm khi xảy ra.
Trong một vài dự án đầu tư mới ở khu vực châu Á, công ty Verizon của Mỹ đang hợp tác với công ty China Telecom và China Netcom của Trung Quốc trong năm nay sẽ bắt đầu đặt những đường cáp ngầm dưới biển để nối liền Trung Quốc và Mỹ. Công ty Verizon nói rằng dự án này sẽ làm tăng khả năng nối kết của hệ thống cáp giữa hai nước gấp 60 lần và tổn phí lên tới trên nửa tỷ USD.
Xuân Phú