Theo các báo cáo mới nhất, những cuốn sách do ChatGPT viết đang tràn ngập sàn thương mại điện tử Mỹ Amazon khi mọi người chuyển sang sử dụng AI để xuất bản một cách nhanh chóng.
Vài giờ viết xong sách
Chương trình ChatGPT của công ty Mỹ OpenAI đang cách mạng hóa việc mọi người nghĩ về viết lách, giúp bất kỳ ai có kỹ năng viết cơ bản đều có thể xuất bản một cuốn sách chỉ trong vài giờ.
Cơn sốt ChatGPT trên toàn cầu dẫn đến một làn sóng xuất bản sách trên Amazon. Phần nhiều trong số đó đã được viết hoàn toàn bởi AI. Một trong những người đầu tiên tận dụng ChatGPT để sáng tác là anh Brett Schickler, một nhân viên bán hàng đến từ thành phố Rochester, bang New York, Mỹ.
Anh Schickler luôn mơ ước được viết một cuốn sách nhưng chưa bao giờ tìm được thời gian hay nguồn cảm hứng. Tuy nhiên, sau khi biết đến ChatGPT, anh có thể tạo một cuốn sách điện tử dành cho trẻ em dài 30 trang có hình minh họa có tên Chú sóc nhỏ khôn ngoan: Câu chuyện về tiết kiệm và đầu tư chỉ trong vài giờ. Sách có giá bán 2,99 USD (bản online) và 9,99 USD (bản cứng).
Cuốn sách kể về một chú sóc trở nên giàu có nhờ tiết kiệm và đầu tư tiền của mình. Thành công của nhân viên bán hàng Schickler với ChatGPT đã truyền cảm hứng cho những người khác tiếp bước.
Tính đến giữa tháng 2/2022, đã có hơn 200 sách điện tử trong cửa hàng Kindle (thiết bị đọc sách điện tử) của Amazon liệt kê ChatGPT là tác giả hoặc đồng tác giả. Một số cuốn sách này bao gồm Cách viết và tạo nội dung bằng ChatGPT, Sức mạnh của bài tập về nhà và Tiếng vọng của vũ trụ. Có một tuyển tập thơ cũng được sáng tác bằng ChatGPT.
Ngoài ra, xuất hiện một tiểu thể loại mới trên Amazon: sách về cách sử dụng ChatGPT, nhưng không phải do con người viết mà do ChatGPT viết toàn bộ.
Ở Hàn Quốc, 45 cách tìm mục đích sống (do Snowfox Books xuất bản) là cuốn sách đầu tiên mà tác giả chính là ChatGPT. Sách ra mắt bạn đọc từ ngày 21/2/2023. Theo bà Seo Jin, Giám đốc điều hành và biên tập viên của cuốn sách tại Snowfox Books, chỉ mất 7 ngày kể từ khi viết cho đến khi bán lần đầu tiên.
Toàn bộ quá trình viết, chỉnh sửa, dịch và hiệu đính (không bao gồm in ấn và xuất bản) được hoàn thành trong 38 giờ. “Cuốn sách được xuất bản với mục đích giải quyết sự tò mò của nhà xuất bản và biên tập viên”, bà Seo cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Korea Herald.
Lo ngại tính xác thực và vấn nạn đạo văn
Tuy nhiên, có những lo ngại về tính xác thực vì ChatGPT học viết bằng cách quét hàng triệu trang văn bản hiện có. Một thử nghiệm sử dụng ChatGPT của trang tin công nghệ nổi tiếng của Mỹ CNET cho thấy biên tập viên phải mất nhiều công sức, thời gian sửa chữa tin bài do AI sản xuất. Vấn nạn đạo văn cũng được nêu ra.
Cũng có những lo ngại rằng cơn lũ sách do AI viết có thể đe dọa các tác giả “thực sự” (con người sáng tác mà không cần nhờ đến ChatGPT). Bà Mary Rasenberger, Giám đốc điều hành của nhóm tác giả Mỹ Authors Guild, nói rằng, “rất nhiều tác giả sẽ mất việc” nếu sách do AI viết tràn ngập thị trường.
Viết thuê (người này viết sách cho người khác, ghi tên người khác là tác giả) có truyền thống lâu đời, nhưng khả năng tự động hóa thông qua AI có thể biến việc viết sách từ thủ công thành hàng hóa.
Một số tác giả sử dụng ChatGPT cảm thấy không có nghĩa vụ phải tiết lộ trong cửa hàng Kindle rằng cuốn sách của họ được viết bằng AI. Chính sách của Amazon không yêu cầu điều đó và công ty chưa bình luận rằng liệu họ có kế hoạch thay đổi hoặc xem xét chính sách của mình xung quanh việc tác giả sử dụng AI hoặc những công cụ viết tự động khác hay không.
Nhà xuất bản, cơ quan báo chí dùng AI
Một số nhà xuất bản và cơ quan báo chí cũng bắt đầu thử nghiệm tự động hóa sản xuất nội dung sau khi tin tức về ChatGPT được lan truyền rộng rãi.
Cuối năm 2022, trang web tài chính cá nhân Bankrate và trang tin công nghệ CNET đều sử dụng AI để sản xuất nội dung. Bankrate thông báo: “Một nhóm biên tập viên Bankrate tận tâm giám sát quy trình sản xuất nội dung tự động - từ ý tưởng đến xuất bản. Những biên tập viên này chỉnh sửa kỹ lưỡng và kiểm tra tính xác thực của nội dung, đảm bảo rằng thông tin là chính xác, có thẩm quyền và hữu ích cho khán giả của chúng tôi”.
Trong khi đó, CNET quyết định thử xuất bản 75 bài báo về tiền tệ sử dụng công nghệ tự động kể từ tháng 11/2022. Tổng biên tập CNET Connie Guglielmo viết: “ChatGPT và các công nghệ tự động khác đã đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng về cách tạo và chia sẻ thông tin cũng như chất lượng của chúng. Chúng tôi quyết định làm một thí nghiệm để tự trả lời câu hỏi đó”.
Bà Guglielmo cho biết mục tiêu của họ là tìm hiểu xem liệu một công cụ AI có thể “hỗ trợ hiệu quả” các nhà báo “trong việc sử dụng các sự kiện có sẵn công khai để tạo ra nội dung hữu ích nhất cho bạn đọc”. Công cụ AI đã viết những câu chuyện hoặc thu thập thông tin cho một số câu chuyện nhất định nhưng chúng luôn được “một biên tập viên có chuyên môn về chủ đề xem xét, kiểm tra thực tế và chỉnh sửa” trước khi xuất bản.
Hãng tin Anh PA đã sử dụng dịch vụ Radar (Phóng viên, Dữ liệu và Robot) từ năm 2017 cho các câu chuyện dữ liệu được bản địa hóa, nhưng thường không thông báo về sự tham gia của tự động hóa trong những bài báo của mình. Trong khi đó, nhà xuất bản Mỹ McClatchy đề rõ tên tác giả là robot để người đọc biết.
Trên trang cá nhân của nhiều Facebooker Việt Nam những ngày gần đây xuất hiện các truyện tranh do họ tự sáng tác hoặc chia sẻ từ người khác. Điểm chung của những truyện này là Facebooker dùng ChatGPT sáng tác nội dung, sau đó sử dụng một ứng dụng AI chuyên về hình ảnh, như Mid journey để vẽ tranh minh họa. Đăng tải sản phẩm hoàn thiện, một Facebooker viết rằng, đơn thương độc mã sản xuất truyện tranh Cô bé quàng khăn đỏ chỉ sau vài giờ dùng AI. |
Linh Nhi (Theo Reuters, Korea Herald, CNET, Gizmochina, Pressgazette)