Chiều 18-6, trên Facebook chính thức Công ty CP Địa ốc Alibaba đăng tải thông tin gần 1.000 lô đất của 2 "siêu dự án" Ali Aqua Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và Alibaba Thắng Hải Newtimes City (tỉnh Bình Thuận) đã được chốt mua thành công.

Chiêu trò "vẽ" dự án

Tính đến nay, Alibaba đã rao bán và thực hiện hàng chục dự án tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM; đồng thời đang tiếp tục "vươn vòi" ra tỉnh Bình Thuận. Vì sao Alibaba vẫn "bình chân như vại", thậm chí ngang nhiên thách thức pháp luật, lôi kéo nhiều người tụ tập trước cổng trụ sở công an phản đối việc bắt giữ nhân viên của công ty này chống người thi hành công vụ trong vụ cưỡng chế ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày qua?

{keywords}
Nhân viên Alibaba ngăn cản lực lượng chức năng cưỡng chế tại khu đất ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.

Cái tên Alibaba nổi lên từ khi xuất hiện dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3 (huyện Củ Chi, TP HCM). Lúc công ty này chuẩn bị tổ chức đặt cọc mua bán dự án, Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP HCM đã lên tiếng cảnh báo đây là dự án "ma", chưa công nhận đơn vị nào là chủ đầu tư. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã làm việc với đại diện công ty; đồng thời đề nghị xử phạt hành chính về các lỗi vi phạm liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Cũng từ đó, Alibaba mở rộng dự án ra các tỉnh. Từ khi thị xã Phú Mỹ thành lập (tách ra từ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 4-2018), cơn sốt đất tại đây bắt đầu nóng lên, giá cả tăng chóng mặt. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng thị xã Phú Mỹ phát hiện có 113 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép liên quan đến Alibaba.

Tuy chính quyền thị xã Phú Mỹ nhiều lần khẳng định không hề có dự án nào của Alibaba được cấp phép nhưng công ty này vẫn công khai rao bán hàng loạt dự án như: Alibaba Tóc Tiên Residence 3; Alibaba Tóc Tiên Residence 2; các dự án Alibaba Tân Thành Center 1, 2, 3, 4, 6, 7; Alibaba Tân Thành Homy City; Alibaba Phú Mỹ Central City; Alibaba Phú Mỹ Central City 3... Những dự án này được "nổ" là "siêu phẩm", rao bán công khai với diện tích từ 5 ha trở lên với hàng trăm nền.

Đúng là về pháp lý, không có dự án nào được cấp phép cho Alibaba. Thay vào đó, công ty này dùng chiêu trò núp bóng, đứng phía sau một số chủ đất để thực hiện việc rao bán nền dưới tên nhiều dự án khác nhau. Tại khu đất ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ do ông Nguyễn Thái Lực đứng tên chủ đất (nơi vừa xảy ra vụ hàng trăm nhân viên của Alibaba chống đối cưỡng chế), theo chính quyền địa phương, 60% diện tích nằm trong quy hoạch làm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Khu đất ở xã Châu Pha do ông Nguyễn Ngọc Sự (ngụ TP Hà Nội) đứng tên cũng được làm đường, phân lô và Alibaba đang phân phối sản phẩm đất nền dưới tên dự án "Alibaba Tân Thành Center City 1". Đây là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Theo ông Huỳnh Văn Danh, Bí thư Thị ủy thị xã Phú Mỹ, qua rà soát, các trường hợp cưỡng chế vừa rồi là đúng quy định pháp luật. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục xử lý, kiên quyết không để việc lợi dụng quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp để lập dự án, phân lô bán nền trái phép.

Tự tung tự tác

Đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết sau dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3, từ năm 2017 đến nay, Alibaba vẫn chưa triển khai hoặc rao bán thêm dự án nào tại TP. Đó là vì cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, theo dõi thông tin, kịp thời xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Trong khi đó, theo đại diện Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an, cách thức kinh doanh của Alibaba chủ yếu là "nhận giữ chỗ cho khách hàng" bằng "biên nhận", chứ không phải hợp đồng giao dịch, do đó khó có cơ sở xử lý.

Đây chính là lý do mà giới chuyên gia cho rằng Alibaba đã khai thác triệt để kẽ hở pháp luật để tự tung tự tác. Về việc này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết theo pháp luật hiện hành, hành vi mạo danh chủ đầu tư, "vẽ" dự án để bán và thu tiền cọc là kinh doanh gian đối, trái pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Tấn Phong, chuyên gia pháp lý bất động sản, cho rằng trong câu chuyện này, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Alibaba, là kẻ chuyên đánh tráo khái niệm. "Ông Luyện đã coi thường trật tự xã hội, gây nhầm lẫn cho cả khách hàng và cơ quan nhà nước" - ông Phong nhận xét.

Theo ông Phong, muốn thực hiện dự án phải làm rất nhiều thủ tục, phải phù hợp quy hoạch... Alibaba không đáp ứng yêu cầu này và thực tế không làm gì cả, chỉ đứng sau "vẽ" ra dự án. "Trong trường hợp rủi ro, họ nói không phải của công ty mà của cá nhân. Đây là chiêu lách, bởi chủ sở hữu là cá nhân, không phải công ty. Chủ sở hữu vẫn đứng yên ở đấy, ngồi đấy..." - ông Phong phân tích.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Công ty Luật LPVN, cho biết trước đây, các cơ quan điều tra đã vào cuộc, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng đã có công văn chỉ ra các sai phạm của các dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3. Việc Alibaba bán một sản phẩm chưa có đầy đủ yếu tố pháp lý rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật.

"Tôi khẳng định chuyện gây thiệt hại cho xã hội của Alibaba đã quá rõ ràng. Vấn đề nằm ở cơ quan thẩm quyền, ở đây là VKS các cấp, phải truy đúng vụ việc, nếu không thì sẽ còn nhiều đơn vị "ăn theo" Alibaba" - luật sư Lộc lo ngại.

Gia hạn tạm giữ 2 nhân viên Alibaba

VKSND thị xã Phú Mỹ ngày 18-6 đã ký quyết định gia hạn tạm giữ hình sự đối với 2 nhân viên của Alibaba là bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và ông Trần Quốc Tĩnh, để phục vụ điều tra về hành vi cố ý hủy hoại tài sản.

Theo điều tra ban đầu, Trinh là người chỉ đạo lực lượng "an ninh Alibaba" đập phá xe cẩu khi lực lượng chức năng đang cưỡng chế công trình vi phạm tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ. Còn Trần Quốc Tĩnh cũng là người tích cực chống đối, cùng một số người dùng đá đập vỡ kính xe cẩu.

Không cho tự tung tự tác ở Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa hề ban hành quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất để Alibaba thực hiện các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, qua rà soát, cơ quan chức năng xác định có 27 "dự án" do Alibaba tự đặt tên, tự ý vẽ bản đồ rồi phân lô rao bán trên mạng. Trong số này, có 19 khu đất do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên, phần lớn thuộc diện đất nông nghiệp. Số còn lại do ông Nguyễn Thái Luyện và người thân đứng tên, trong đó có 6 khu đất bị phát hiện sử dụng trái mục đích (tự ý đổ đá làm đường trên đất nông nghiệp, gắn quảng cáo phân lô, bán nền).

Với các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, Alibaba đã bị UBND huyện Long Thành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp; UBND xã Long Phước lập biên bản đình chỉ thi công 1 trường hợp; UBND xã Phước Bình xử phạt hành chính 1 trường hợp. Trong đó 4 trường hợp đã khắc phục hiện trạng, 1 trường hợp đang củng cố hồ sơ cưỡng chế.

Sau khi chính quyền thị xã Phú Mỹ vào cuộc xử lý các dự án "ma", UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cùng công an tỉnh tiếp tục rà soát, xác định hành vi mà Alibaba quảng cáo, rao bán đất nền không có thực trên đất để xử lý nghiêm. "Chúng tôi cũng đã chỉ đạo công an điều tra để xử lý nghiêm minh" - một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai thông tin.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khuyến cáo trong lúc cơ quan chức năng đang vào cuộc, người dân cần nắm rõ thông tin xung quanh việc rao bán đất nền của Alibaba (nếu có) để tránh bị thiệt hại.

Liên quan đến việc từ giữa tháng 5, Alibaba rao bán đất ở huyện Xuân Lộc rầm rộ trên mạng, bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh. "Các hoạt động của Alibaba tại thực địa không còn diễn ra, tình trạng đã tạm yên tĩnh, không còn lộn xộn, trái phép..." - bà Tiên khẳng định.

(Theo NLĐ)