Những liên minh “ma quỷ” tham nhũng của công đã vươn vòi khuynh đảo kỷ cương, phép nước, chà đạp đạo lý... gây nhức nhối lâu nay trong nhân dân. Chặt đứt, chặn đứng, dựng con đê lớn ngăn sóng dữ tham nhũng là ý chí cách mạng, đã được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ.
Khu đất hơn 4.800 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) khiến cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài “ngã ngựa”. |
Bài 2: “Độc chiêu” thao túng công quyền
Đa phần các vụ việc có cán bộ tham nhũng luôn đi kèm sự hiện diện đặc biệt của doanh nghiệp, hình thành quan hệ win - win (cùng có lợi). Hối lộ đã là phương pháp quá… phổ thông. Các vụ đại án cho thấy, doanh nghiệp có rất nhiều “độc chiêu”, bất chấp tất cả để trục lợi nếu “đánh hơi” thấy đất công.
Đổi tình lấy… tài sản nhà nước
Chiêu này đã tăng thêm sức nóng trên nhiều diễn đàn, bởi người vì tình mà “ngã ngựa” là ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM (giai đoạn 2008 - 2011). Dự kiến, từ ngày 16 đến 21/9 tới, Tòa án Nhân dân TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Tài và 4 đồng phạm vì gây thất thoát hơn 1.927 tỷ đồng.
Sự vụ bắt đầu từ khu đất hơn 4.800 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) - tài sản thuộc sở hữu nhà nước được giao Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM (Công ty Quản lý nhà TP.HCM) quản lý và cho thuê.
Tháng 11/2007, UBND TP.HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn cùng một phần trung tâm thương mại và đã duyệt lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue để đầu tư khai thác Dự án. Theo chủ trương này, Công ty Quản lý nhà TP.HCM góp 50% cổ phần, số còn lại do 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương góp.
Vốn có mối quan hệ tình cảm với ông Tài, bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm làm tờ trình xin được tham gia Dự án, tự giới thiệu Công ty có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Thực tế, Công ty Hoa Tháng Năm mới được thành lập, chưa thực hiện dự án bất động sản nào.
Bởi “chữ tình”, ông Tài đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Thủy (Giám đốc Công ty Quản lý nhà TP.HCM, đang bị truy nã), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2) và Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cùng thực hiện các hành vi chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được tham gia góp 30% vốn tại Dự án. Công ty Hoa Tháng Năm trở thành cổ đông quan trọng và người tình của ông Tài leo lên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue.
Sau đó, 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương bán đứt 50% cổ phần cho doanh nghiệp cho vay vốn (vì vốn góp là vốn vay). Kết cục, phần vốn nhà nước trong Dự án chỉ còn 20%; 80% rơi vào tay tư nhân.
Tiếp theo, ông Tài cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue thanh lý nhà số 8 - 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại.
Theo xác định ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, hành vi của ông Tài cùng các bị can gây hậu quả, thiệt hại và thất thoát lãng phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Bức bình phong… phục vụ an ninh
Núp bóng quan chức hay cơ quan dân sự cũng là chiêu thức… quá cũ. Vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) mượn danh nghĩa tình báo công an và bình phong là 2 công ty của ngành công an để trục lợi cá nhân cho thấy lỗ hổng rất lớn ở khâu tuyển dụng, kiểm soát trong ngành này.
Vốn là “đại gia” bất động sản tại Đà Nẵng, tháng 10/2009, Vũ “nhôm” được tuyển dụng vào ngành công an, rồi từng bước được thăng lên tới hàm thượng tá.
Lọc lõi trong nghề bất động sản, lại có được bình phong, tại nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, TP.HCM, Vũ “nhôm” chỉ dùng “chiêu” quen thuộc là xin thuê, chuyển quyền sử dụng đất phục vụ… ngành, dưới sự trợ lực của một số cá nhân công tác tại Bộ Công an. Sau khi được giao đất, Vũ lập tức sang tên sổ đỏ từ công ty bình phong sang cá nhân mình hoặc công ty con rồi bán, cho thuê trục lợi.
Năm 2009, Vũ lấy danh nghĩa tổ chức bình phong Công ty CP Bắc Nam 79 để xin chính quyền Đà Nẵng cho mua gần 200 m2 nhà đất tại số 319 - Lê Duẩn “phục vụ hoạt động nghiệp vụ”. UBND TP. Đà Nẵng duyệt bán diện tích này cho Vũ với giá 6,2 tỷ đồng. Khi công ty bình phong được cấp sổ đỏ nhà đất trên, Vũ sang tên cá nhân và cho thuê. Cơ sở nhà đất này sau đó được thẩm định lại, giá trị thị trường lên tới hơn 31 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, Vũ cũng sử dụng công ty bình phong đề nghị chính quyền Thành phố cho thuê, giao đất để… phục vụ an ninh. Tất nhiên, Vũ không thể “quên” quan hệ với lãnh đạo chính quyền TP.HCM.
Kết quả, 3 lô đất vàng công sản với diện tích hơn 5.800 m2 ở TP.HCM (số 15 - Thi Sách; số 8 - đường Nguyễn Trung Trực và số 129 - Pasteur) rơi vào tay Vũ với giá “bèo bọt”.
Tổng cộng, Vũ “nhôm” đã thâu tóm khoảng 36 địa chỉ nhà, đất công sản với tổng diện tích khoảng 63 ha tại TP.HCM và Đà Nẵng, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách.
Với những vụ thâu tóm đất công, Vũ “nhôm” đã khiến hàng loạt quan chức cao cấp từ trung ương tới địa phương rơi vào vòng lao lý, gồm Bùi Văn Thành, cựu trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an; Trần Việt Tân, cựu thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM và 3 quan chức cấp sở, phòng của TP.HCM; 2 cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến) cùng 12 quan chức sở, ngành.
Tăng vốn điều lệ để thâu tóm đất quốc phòng
Doanh nghiệp nhà nước thường dùng “vốn sẵn có” là quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh. Những khu đất công này được định giá thấp hơn thị trường, trở thành miếng mồi béo bở cho doanh nghiệp “biến” thành đất tư bằng chiêu thức liên doanh, thay đổi vốn điều lệ để nắm quyền chi phối.
Điển hình là vụ hơn 7.300 m2 đất quốc phòng tại số 2, số 7 - 9 và số 9 - 11 đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), khiến cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến phải lĩnh án tù 4 năm.
Cụ thể, tháng 3/2006, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhất trí phương án hợp tác kinh doanh các khu đất trên. Tháng 12/2007, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị khu đất số 2 - đường Tôn Đức Thắng là 187 tỷ đồng để Công ty Hải Thành “làm vốn” ký kết với Công ty Cảnh Hưng thành lập liên doanh Công ty Cảnh Hưng Hải Thành thực hiện dự án.
Dù đã được chỉ đạo không được cho góp vốn bằng sổ đỏ vì sẽ mất đất, nhưng ông Nguyễn Văn Hiến (khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân) đã ký nhiều văn bản chấp thuận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Chưa hết, từ tham mưu của cấp dưới, ông Hiến ký nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM lấy lý do “việc nộp số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước là rất khó khăn đối với kinh phí của Bộ Tư lệnh Hải quân và Công ty Hải Thành”, rồi xin được ghi thu, ghi chi tiền sử dụng khu đất vào thẳng tài khoản của Quân chủng Hải quân, sau đó Quân chủng Hải quân sẽ chi cho Công ty Hải Thành để tạo một phần vốn đầu tư dự án. Khi dự án đi vào hoạt động, Bộ Tư lệnh Hải quân sẽ chỉ đạo Công ty Hải Thành chuyển toàn bộ tiền thu được về đơn vị này sử dụng theo đúng quy định.
Sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất và được cấp sổ đỏ, tháng 5/2008, các bên ký hợp đồng góp vốn, xác định giá trị góp vốn của Công ty Hải Thành là 187 tỷ đồng bằng giá trị quyền sử dụng khu đất số 2 - đường Tôn Đức Thắng với thời hạn 49 năm. Sau khi xây dựng tòa nhà hàng chục tầng và cho thuê làm văn phòng, Công ty Cảnh Hưng đã bán hết cổ phần (chiếm 90% vốn góp) cho một số đối tác, khiến tài sản thuộc phán quyết của tư nhân.
Chiêu này cũng được áp dụng với khu đất số 9 - 11 Tôn Đức Thắng. Công ty Hải Thành ký hợp đồng với Công ty Mai Anh thành lập liên doanh Công ty TNHH Mai Thành, vốn điều lệ 15 triệu USD (Hải Thành góp 10%, Mai Anh góp 90%) thực hiện Dự án Xây dựng cao ốc đa chức năng. Giá trị quyền sử dụng khu đất này do UBND TP.HCM phê duyệt là 248 tỷ đồng, được “ghi nhớ” và sẽ được chuyển cho Quân chủng Hải quân sử dụng.
Ngay khi được chuyển mục đích sang đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, được cấp sổ đỏ thời hạn 50 năm, Công ty Hải Thành và Công ty Mai Anh lập tức ký phụ lục sửa đổi hợp đồng liên doanh, nâng vốn điều lệ của liên doanh lên 510 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Hải Thành vẫn giữ nguyên vốn góp 248 tỷ đồng bằng giá trị quyền sử dụng khu đất, chỉ còn giữ tỷ lệ 48,64%, còn giá trị vốn góp của Công ty Mai Anh tăng lên 51,36%.
Tiếp đó, khi sổ đỏ được mang tên liên doanh Công ty TNHH Mai Thành, tháng 12/2009, các bên lại sửa đổi, xác định vốn điều lệ của công ty liên doanh lên 1.050 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Hải Thành giữ nguyên số vốn góp, Công ty Mai Anh chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho Công ty TCO Việt Nam và cán cân kiểm soát tài sản công lúc này rơi vào tay Công ty TCO, khi chiếm 50% vốn điều lệ.
Hành vi đổi tình lấy của công, dùng quyền lực tẩu tán tài sản nhà nước để kiếm chác hàng triệu USD và đặc biệt là biến đất quốc phòng thành tài sản tư nhân cho thấy, các doanh nghiệp “mafia” bất chấp mọi chiêu thức để trục lợi.
Hối lộ, “lại quả” như… cơm bữa Trong hàng loạt đại án được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, hiện tượng hối lộ xuất hiện như… “cơm bữa”, điển hình là vụ MobiFone mua cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Hồ sơ vụ án thể hiện, với sự trợ giúp đắc lực của cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng cấp dưới, MobiFone mua 95% cổ phần AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng, cao hơn giá trị thật nhiều lần, mang lợi ích cho cá nhân cùng các cổ đông AVG tới 6.500 tỷ đồng, còn Nhà nước thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng. Đổi lại, lãnh đạo AVG đã “lại quả” tới 3 triệu USD cho ông Nguyễn Bắc Son, chưa kể các cá nhân khác. Tại phiên xử phúc thẩm hồi tháng 4/2020, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận định, việc cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ số tiền lên đến 3 triệu USD là “xưa nay chưa từng có”. |
(Còn tiếp)
Theo baodautu.vn
“Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 1: Quyền lực càng cao, gây hại càng lớn
Những liên minh “ma quỷ” tham nhũng của công đã vươn vòi khuynh đảo kỷ cương, phép nước, chà đạp đạo lý... gây nhức nhối lâu nay trong nhân dân.