Laura McKowen, sống ở Boston (bang Massachusetts, Mỹ), là tác giả của cuốn sách bán chạy We Are The Luckiest: The Surprising Magic of a Sober Life, kiêm chủ tịch của cộng đồng hỗ trợ cai nghiện rượu The Luckiest Club. Cô chia sẻ với New York Times về quá trình 2 lần cai nghiện mạng xã hội của mình.
Mùa hè này, tôi tái nghiện nhưng không phải nghiện rượu - thứ tôi đã cai thành công từ năm 2014 - mà là Instagram.
Tháng 4, tôi đã thề sẽ từ bỏ mạng xã hội này và kiêng sử dụng nó ít nhất cho đến mùa thu. Nhưng thực lòng, tôi hy vọng có thể từ bỏ nó mãi mãi nếu đủ ý chí quyết tâm.
Quyết định từ bỏ
Tôi bắt đầu sử dụng nền tảng vào năm 2013 để ghi lại quá trình cai nghiện rượu.
Nhờ mạng xã hội, tôi được kết nối với những cá nhân chưa từng gặp mặt, nhiều trong số đó đã trở thành những người bạn tuyệt vời và đối tác làm ăn vô giá.
Tôi tìm thấy một cộng đồng hỗ trợ khi tôi tuyệt vọng trong thời gian đầu cai rượu.
Hơn nữa, tôi có khoảng không gian để chia sẻ về công việc của mình. Tôi đã xây dựng “một nền tảng” trong giới xuất bản - một lượng khán giả lớn với vài tài khoản có tick xanh.
Điều này cho phép tôi chuyển từ nghề quảng cáo sang viết lách vào năm 2016 và có hợp đồng sách đầu tiên vào năm 2018.
Tác giả Laura McKowen thừa nhận gặp nhiều khó khăn khi "nghiện" mạng xã hội. Ảnh: The Candidly Team. |
Tuy nhiên, theo thời gian, tôi nhận thấy Instagram đang xâm chiếm phần lớn thời gian trong ngày của tôi. Mở ứng dụng là việc đầu tiên tôi làm vào mỗi sáng và việc cuối cùng tôi làm vào ban đêm.
Theo báo cáo thời gian sử dụng điện thoại cá nhân, tôi đã dành tới 6 tiếng mỗi ngày trên ứng dụng này để xem hàng nghìn tấm ảnh, đọc hàng trăm bình luận và tin nhắn, đồng thời so sánh bản thân với vô số người khác.
Mặc dù thời gian trực tuyến khiến tôi bị choáng ngợp, lo lắng và kiệt sức, tôi tự thuyết phục bản thân phải cố gắng ở lại nền tảng này để phát triển sự nghiệp.
Nếu không có mạng xã hội giúp quảng bá công việc, tôi không chắc mình thực sự có thể kiếm sống. Tôi lo lắng rằng nếu không thường xuyên xuất hiện trên newfeed của mọi người, tôi sẽ bị lãng quên và trở nên mờ nhạt.
Tôi từng cố gắng tìm cách biến nền tảng này ít tác động tiêu cực hơn tới cuộc sống của mình bằng cách sử dụng ứng dụng quản lý thời gian dùng mạng xã hội, đồng thời không đọc bình luận nữa. Song, mỗi lần thất bại, tôi lại cảm thấy bất lực và bế tắc hơn, giống như quá trình bỏ rượu vậy.
Mùa xuân năm 2020, tôi chuẩn bị kỷ niệm 7 năm cai rượu thành công.
Công ty mà tôi thành lập trong thời điểm đại dịch đang hỗ trợ hàng nghìn người trên hành trình cai rượu của họ, và dường như những tháng ngày Covid-19 đen tối nhất không còn ảnh hưởng tới chúng tôi nữa.
Tuy nhiên, tôi không thể tận hưởng những thành quả ngọt ngào này do quá bị phân tâm bởi Instagram. Tôi gặp khó khăn trong việc tập trung và ghi nhớ mọi thứ. Tôi cũng bị cản trở bởi nỗi lo lắng tấn công thường xuyên.
Tôi bị cuốn vào vòng lặp nội dung trên mạng xã hội mà lơ đễnh công việc hoặc giao tiếp với con gái. Bạn trai tôi nói rằng anh ấy lo lắng về tác động của nền tảng này đối với sức khỏe tinh thần của tôi.
Bản thân tôi nhận ra mình đã trở nên vô cảm với cuộc sống thực tại mà trước đó tôi từng nỗ lực giữ lấy khi cai rượu.
Bởi vậy, tôi quyết định cai mạng xã hội.
Nỗ lực cai nghiện
Tôi đã liệt kê chi tiết mọi khó khăn của mình và chia sẻ với những người theo dõi tài khoản của mình, cùng với kế hoạch cải thiện của tôi.
Từ kinh nghiệm cai rượu trong quá khứ, tôi hiểu rằng chia sẻ công khai và chịu trách nhiệm với những gì mình làm là rất quan trọng. Tôi cũng biết rằng mình phải cai mạng xã hội một cách đột ngột, hoàn toàn, thay vì giảm thời dần dần.
Nhà văn cố gắng tìm lối thoát khi nhận ra bản thân nghiện mạng xã hội. Ảnh: Laura McKowen. |
Trong những tháng sau đó, tôi cảm thấy tự do, nhẹ nhàng và tập trung hơn bao giờ hết.
Công việc của tôi vẫn tiếp diễn, nhưng tôi không còn đặt nặng chuyện chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội nữa.
Tôi làm việc hiệu quả hơn, nhưng đáng kinh ngạc nhất là tôi thực sự hiện diện và quan tâm những người xung quanh mình.
Tôi tò mò không biết Instagram có điều gì mà từng hủy hoại tôi như vậy.
Và tôi sớm nhận ra mỗi lần lướt mạng xã hội, bản thân lại theo đuổi một mục tiêu mình không thể đạt được.
Khi bài đăng hiệu quả tốt, hoặc có loạt người theo dõi mới, tôi sẽ cảm thấy tuyệt vời trong ít phút rồi nhanh chóng cảm thấy áp lực cho những bài viết tiếp theo.
Nếu nội dung nào bị đón nhận một cách tiêu cực, hoặc tôi mất một số người theo dõi, tôi sẽ lo lắng và cảm thấy buộc phải “sửa chữa” tình trạng đó.
Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ có đủ lượt theo dõi, sự tán thành của công chúng hoặc độ thành công. Trong khi đó, càng đăng bài nhiều, tôi càng thấy mình xa rời con người thật của bản thân.
Tái nghiện vì một bài đăng
Được một thời gian, tôi tái nghiện mạng xã hội.
Đó là một ngày nắng đẹp cuối tháng 7. Tôi cùng con gái và bạn trai tận hưởng một kỳ nghỉ tuyệt vời và đến thăm mẹ tôi ở Hawaii sau hơn một năm không gặp.
Tôi cảm thấy rất vui và đơn thuần chỉ muốn chia sẻ cảm xúc đó. Tôi mở ứng dụng, đăng một bức ảnh tự sướng trong bộ đồ bơi màu đỏ tươi bên bờ biển đầy nắng và chia sẻ với 80.000 người theo dõi rằng tôi đã có một góc nhìn mới. Cụ thể, tôi sẽ sử dụng tài khoản để chia sẻ niềm vui của mình.
Tôi muốn tin hy vọng đó trở thành sự thật.
Nhưng sau đó, nỗi lo lắng, căng thẳng của tôi lớn dần theo thời gian khi tôi lại kiểm tra lượt thích, bình luận và lượt theo dõi một cách ám ảnh.
Mặc dù phần lớn bình luận dưới bài đăng mang hướng tích cực, tôi đọc được một số lời lẽ kinh khủng, gây suy nghĩ và băn khoăn.
Trong đó, một người cho rằng dường như tôi có vấn đề về sức khỏe tâm thần, vì tôi trở lại mạng xã hội sau khi tuyên bố từ bỏ nó. Người khác tự hỏi liệu có phải tôi tái nghiện rượu.
Ngoài ra, tôi cũng kiểm tra tài khoản của những tác giả khác - những người tôi từng so sánh với bản thân - và nhận thấy lượng theo dõi của họ tăng đáng kể, còn bản thân tôi đang dần đứng ngoài cuộc chơi. Khi nhận thấy hàng trăm người bỏ theo dõi mình, tôi cảm thấy buồn nôn.
Tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì đã công khai đi ngược lại tuyên bố rời xa mạng xã hội của mình. Tôi sợ khi thấy bản thân tồi tệ như thế nào - cảm giác y hệt những ngày tôi uống rượu.
Lần này, tôi biết mình phải từ bỏ mạng xã hội mãi mãi. Tôi xóa bức ảnh áo tắm bên bờ biển, và viết một bài đăng giải thích những gì đã xảy ra với bản thân.
Theo kinh nghiệm cai nghiện của bản thân, chia sẻ sự thật công khai là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất cho sự lo lắng và xấu hổ. Và gần đây, tôi đã tự khóa tài khoản của mình.
Mỗi lần nảy ra suy nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được bản thân khi dùng mạng xã hội, tôi buộc bản thân nhớ lại những gì xảy ra vào hôm đăng ảnh ở Hawaii.
Tôi bỗng cảm thấy cồn cào trong bụng, sự căng thẳng nghẹt cổ họng, đầu óc bị gián đoạn tập trung và vô số suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Tôi chợt nhận ra trở lại mạng xã hội không đáng để bản thân trải qua từng ấy chuyện lần nữa.
(Theo Zing)
Bác sĩ tâm thần giải thích: Tại sao chúng ta nghiện mạng xã hội, ứng dụng mua sắm và game trên điện thoại di động?
Không giống với các tệ nạn khác, nghiện kỹ thuật số tấn công cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh có gia đình yên ấm, học vấn ưu tú và tương đối giàu có.