- Chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ĐB Nguyễn Tấn Tuân nêu lo lắng về “cái chết từ từ” do an toàn thực phẩm, từ trang trại đến bàn ăn.
“Việc này đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, QH đã nhiều lần giám sát và ra nghị quyết. Xin Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của các Bộ NN&PTNT, Y tế, Công thương, Khoa học Công nghệ trong quản lý sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu dùng như thế nào? Trách nhiệm có chồng chéo không, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo lĩnh vực này như thế nào?", ĐB tỉnh Khánh Hòa đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Tấn Tuân. Ảnh: Minh Quang |
Đăng đàn trả lời vào đầu buổi chiều, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định các bộ ngành, địa phương, đoàn thể đã phối hợp và có nhiều cố gắng. Đã có tiến bộ nhưng còn nhiều bất cập, chưa đạt được mong muốn của nhân dân cũng như mong muốn của chính Chính phủ.
“Có nhiều nguyên nhân nhưng không phải do phân công, phân nhiệm có chồng chéo", ông khẳng định.
XEM CLIP:
Phó Thủ tướng dẫn chứng, trước năm 2011, quản lý theo phân đoạn, Bộ Nông nghiệp là khâu sản xuất, Công thương là lưu thông, Y tế là chế biến. Sau đó xây dựng luật mới với tư duy mới, phù hợp quốc tế là quản lý theo chuỗi, ngành hàng và nhóm sản phẩm, từ sản xuất, sơ chế, chế biến, lưu thông đến kinh doanh.
"Luật quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước với 3 bộ này cũng như nguyên tắc phối hợp. Do đó, cơ bản là không có chồng chéo", ông Vũ Đức Đam nói.
"Nhưng sao là 'cơ bản', vì trong lĩnh vực này luôn có sự giao thoa giữa các ngành. Hiện ta có 192 ban chỉ đạo và UB liên ngành, bản thân tôi đứng đầu hai chục cái. Trong ban chỉ đạo về VSATTP, chúng tôi thường xuyên trao đổi, thậm chí bằng điện thoại, không câu nệ cấp chức, tôi còn trực tiếp làm việc với các chuyên viên. Không phải lo chồng chéo mà để xem có gì lọt", Phó Thủ tướng giải trình.
Do đó, ông cho rằng, luật đã có đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện và cần sự vào cuộc không thể thiếu của các cấp chính quyền bên dưới.
Phó Thủ tướng thông tin các bộ ngành liên quan sẽ phối hợp với MTTQ VN để giám sát về vấn đề này đến từng hộ gia đình.
Mới chỉ kiềm chế, không để xấu hơn
Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát bày tỏ chia sẻ bức xúc về "những cái chết được báo trước" mà ĐB tỉnh Hải Phòng Trần Ngọc Vinh chất vấn chiều qua.
Bộ trưởng chỉ ra 5 giải pháp tập trung: tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng hành lang pháp lý; hỗ trợ nhân dân tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm an toàn; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; tăng cường năng lực của hệ thống.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát |
Tuy nhiên, ông thừa nhận các giải pháp triển khai thực hiện nhiều năm dù có những kết quả cải thiện nhưng mới ở mức độ kiềm chế, không để tình hình xấu hơn.
"Gần đây một số việc xấu đi như sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, đã phát hiện và công bố. 9 tháng đầu năm, đã giám sát và báo cáo QH: 1% thủy sản, 10% rau, 7,6% thịt là có dư lượng vượt mức cho phép.
Nhưng nhân dân không thể phân biệt thực phẩm nào an toàn, nên có cảm giác là đều không an toàn hết, dù thực thế không phải", Bộ trưởng Nông nghiệp thừa nhận các con số đó vẫn là cao, cần phải giảm, đồng thời giúp nhân dân phân biệt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, nguyên nhân không phải do thiếu quyết tâm, mà ở triển khai, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kiểm tra giám sát chưa đủ sâu rộng đối với hàng triệu hộ nông dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm thủy sản, để tạo sự chuyển biến căn cơ. Bên cạnh đó, bộ máy và nguồn lực thực hiện công việc cũng hạn chế.
Ông kiến nghị QH khi sửa luật pháp hình sự cần làm rõ và tăng chế tài đối với các tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tội buôn bán thực phẩm độc hại.
"Chất vàng ô, cho vào con gà thì thịt vàng, người tiêu dùng thích nhưng lại gây ung thư, đã cấm trong chăn nuôi nhưng trong nông nghiệp vẫn cho dùng làm thuốc nhuộm. Vì thế mà luật không giải quyết được vi phạm trên thực tế", ông Phát dẫn chứng.
Chung Hoàng - Hoàng Long - Hồng Nhì - Huy Phúc - Nguồn clip: VTV