12h trưa, một suất cơm được treo sẵn ngoài cửa căn hộ tại chung cư Flora Fuji (TP. Thủ Đức, TP.HCM). Chủ nhà, chị Mai Linh, do quá bận công việc nên đã đặt một cư dân khác sống cùng chung cư, nấu đồ ăn và mang tới. Chị muốn tiết kiệm thời gian nấu nướng. “Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 30-40 suất cơm trưa cho cư dân ở đây”, bà Huỳnh Hương, người nấu bữa ăn trên, chia sẻ.
Giao dịch giữa chị Linh và bà Hương diễn ra thường xuyên từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tới nay. Người mua thanh toán tiền trực tuyến, người bán treo đồ ở cửa căn hộ. Họ gần như không gặp nhau, giao tiếp chủ yếu thông qua mạng xã hội.
Chung cư trên hiện có ít nhất hai nhóm giao dịch trên mạng xã hội, gồm Facebook (hơn 2.500 thành viên); Zalo chat (gần 300 thành viên),... Thông tin, nhu cầu mua/bán sản phẩm, dịch vụ được các thành viên đưa lên thường xuyên, giao dịch hàng ngày đa dạng, từ thực phẩm, đồ dùng gia đình, sửa chữa nhà cửa... Đây như dạng thức của một không gian chợ online.
2 tỷ người mua bán
“Cuộc cách mạng mới”, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) đã có mô tả về những giao dịch trên trong “Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022”.
Theo Vecom, mô hình mua bán cộng đồng (Social Commerce) trở thành xu hướng kinh doanh mới, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp lẫn cá nhân có thời gian, ít vốn, không nắm vững công nghệ nhưng mong muốn tăng thu nhập. “Mô hình này xuất hiện khi toàn bộ trải nghiệm mua sắm của khách hàng, từ tìm kiếm sản phẩm đến hoàn tất thương vụ, diễn ra trên nền tảng mạng xã hội.
Ví dụ, tại khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư, một số cư dân dùng các mạng xã hội để tạo cộng đồng khách hàng mua sắm trực tuyến thân thiết. Các cư dân này thường là phụ nữ nội trợ hoặc những ngươi có thời gian rảnh, họ muốn kiếm thêm thu nhập ngoài công việc chính. Những mặt hàng được mua sắm phổ biến nhất theo mô hình này là thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ dùng gia đình. Việc mua bán giữa các cư dân trong chung cư diễn ra hiệu quả vì người mua/người bán tin tưởng lẫn nhau trong một cộng đồng tương đối hẹp.
“Với mô hình mua bán cộng đồng, sức mạnh của thương mại điện tử chuyển từ các nhà sản xuất, phân phối tới đông đảo người bán cá nhân và có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trực tuyến”, dẫn báo cáo.
Theo nghiên cứu của Accenture (công ty tư vấn chuyên nghiệp có trụ sở tại Ireland), năm 2021, gần 2/3 thành viên các mạng xã hội được khảo sát đã tiến hành mua bán trong cộng đồng. Như vậy, ước chừng gần 2 tỷ người trên toàn cầu đã trải nghiệm hình thức mua bán này.
Nghiên cứu cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người kết nối với nhau qua các mạng xã hội, từ thu thập tin tức, giải trí, học tập, làm việc cũng như mua bán. Năm 2021, doanh số toàn cầu của mô hình mua bán này khoảng 492 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 26%/năm, doanh số năm 2025 có thể vượt 1.200 tỷ USD, Accenture dự báo.
Rủi ro pháp lý
“Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022” chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp công nghệ nhận ra tiềm năng của mô hình mua bán cộng đồng và xây dựng các nền tảng trực tuyến chuyên nghiệp để hỗ trợ. Những nền tảng này hỗ trợ các cá nhân bán hàng và nhiều dịch vụ liên quan, từ lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp, tới giao hàng, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến. Nhiệm vụ chủ yếu của những cá nhân bán hàng sẽ là tiếp thị, giao kết hợp đồng với người mua trong cộng đồng của mình, sau đó hưởng hoa hồng. Một số nền tảng bắt “trend”, xuất hiện tại Việt Nam như Selly; Cucu; DiMuaDi; Droppii…
Dẫu vậy, Vecom đánh giá, mô hình mua bán trên cũng bộc lộ rủi ro, dễ dẫn tới tranh chấp do liên quan nhiều bên, bao gồm nhà cung cấp sản phẩm, nền tảng hỗ trợ, người bán, người mua, các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát, thanh toán,... Ví dụ, khi một người mua nào đó không hài lòng với sản phẩm đã mua và muốn đổi trả, việc xử lý hợp đồng được giao kết online sẽ liên quan tới các bên, khá phức tạp.
Ngoài ra, những mạng xã hội hàng đầu hiện nay hỗ trợ mua bán theo mô hình này đều của nước ngoài, bao gồm Facebook, Youtube, TikTok, Instagram,... Khi hoạt động kinh doanh của người bán quá phụ thuộc vào các kênh mạng xã hội nước ngoài sẽ tiềm ẩn rủi ro mang tính cá nhân.
Trong khi đó, mạng xã hội trong nước còn khá khó khi muốn chiếm ưu thế cạnh tranh. Bên cạnh nhiều yếu tố, một mạng xã hội thành công chắc chắn cần khoản đầu tư đáng kể. Tới nay, một số công ty công nghệ hàng đầu như VNG (Zalo); Viettel Telecom (Mocha); VCCorp (Lotus) đã xây dựng mạng xã hội của mình. Zalo đang được khá đông người dùng sử dụng như công cụ bán hàng trực tuyến thông qua các nhóm cộng đồng chat nhiều thành viên.
Dù kỳ vọng mạng xã hội riêng nội địa được sử dụng phổ biến còn khá xa, nhưng nếu có sự đầu tư thỏa đáng, mạng xã hội Việt Nam có thể có chỗ đứng trong cuộc cách mạng bán lẻ mới, theo Vecom.