Vắng nhiều công ty chứng khoán, bất động sản
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố các doanh nghiệp UPCOM quy mô lớn công bố thông tin và minh bạch tốt nhất năm 2021-2022 và các doanh nghiệp niêm yết quản trị công ty tốt nhất năm 2021-2022.
Theo đó, điểm trung bình về công bố thông tin và minh bạch đạt 59,21%, giảm 4,51% so với năm 2021.
Các doanh nghiệp thuộc rổ UPCoM Large có điểm trung bình đạt 61,44% cao hơn các doanh nghiệp không thuộc rổ UPCoM Large (đạt 58,81%). Các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước cao có xu hướng thực hiện công bố thông tin tốt hơn. Các doanh nghiệp có chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc tách biệt có kết quả công bố trung bình đạt 59,6% trong khi đó, các doanh nghiệp có chức danh chủ tịch kiêm nhiệm tổng giám đốc chỉ đạt 42,76%.
Điểm công bố thông tin và minh bạch có mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh. Theo đó, cứ 1% tăng của điểm công bố thông tin minh bạch thì thu nhập trên tài sản (ROA) tăng 0,15% và thu nhập trên vốn (ROE) tăng 0,48%.
Theo HNX, tình trạng vi phạm về công bố thông tin định kỳ và bất thường của các doanh nghiệp trên HNX trong năm 2021 và 10 tháng năm 2022 có xu hướng tăng, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động, người phụ trách công bố thông tin bị cách ly đột xuất, một phần do các quy định về công bố của Bộ Tài chính được nâng lên, chặt chẽ hơn.
Thống kê cho thấy, trong danh sách 10 doanh nghiệp niêm yết quản trị công ty tốt nhất năm 2021-2022 trên HNX thiếu vắng nhiều doanh nghiệp lớn/nổi tiếng như: Thaiholdings (THD) của ông Nguyễn Đức Thụy - Bầu Thụy (người sáng lập); Chứng khoán SHS của ông Đỗ Quang Vinh (con trai Bầu Hiển); Nhựa Tiền Phong (NTP); Chứng khoán MBS của Ngân hàng Quân đội; Tập đoàn C.E.O (CEO) của ông Đoàn Văn Bình; Tasco (HUT),...
Danh sách các doanh nghiệp niêm yết quản trị công ty tốt gồm: Xi măng VICEM Bút Sơn (BTS); Kinh doanh Khí miền Nam (PGS); Đầu tư Điện lực 3 (PC3); Hóa dầu Petrolimex (PLC); Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS); Sonadezi Long Bình (SZB); Đầu tư Thương mại TNG (TNG); Than Vàng Danh - Vinacomin (TVD); Vicostone (VCS); Tái Bảo hiểm (VNR).
Các DN công bố thông tin và minh bạch tốt nhất năm 2021-2022 gồm: Bia Sài Gòn - Phú Thọ; Lọc Hóa dầu Bình Sơn; Dược phẩm Trung ương CPC1; Thủy điện Gia Lai; Nước sạch Hải Dương; Dệt may Hòa Thọ; Sữa Mộc Châu; Cao su Tân Biên; Sanest Khánh Hòa; Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp.
Phần lớn có lãi, hút thêm nhiều tỷ USD
Theo HNX, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng công bố thông tin năm 2021-2022 gồm 72 tiêu chí được xếp vào 4 nguyên tắc là: Quyền và đối xử công bằng với các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; Đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị; Minh bạch và công bố thông tin; Trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban Kiểm soát.
Cũng theo HNX, trong năm 2022, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ TTCK toàn cầu khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX tính đến 31/10/2022 giảm 48,42% so với cuối năm 2021, thanh khoản sụt giảm mạnh xuống mức 963 tỷ đồng/phiên, giảm 72,48% so với năm 2021.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên HNX vẫn huy động thành công 64,5 nghìn tỷ đồng tính theo mệnh giá thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX tăng so với năm 2020 và gần như hồi phục như trước khi có Covid-19, với hơn 85% số doanh nghiệp niêm yết có lãi. Trên thị trường UPCoM, 80% số doanh nghiệp có lãi.