Tọa đàm “Quản lý chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm” vừa được Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và báo Tiền phong tổ chức ngày 28/7.
Theo đó, tọa đàm được thực hiện trong bối cảnh, ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường rất nghiêm trọng tại Việt Nam những năm qua, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Chia sẻ tại đây, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, việc ô nhiễm không khí đang diễn ra trên cả nước đòi hỏi một chính sách cụ thể để cải thiện vấn đề này. Chính vì vậy, cần nắm rõ các nguồn, cơ sở gây ô nhiễm để từ đó có chính sách cụ thể.
Theo ông Tùng, ô nhiễm không khí có rất nhiều nguyên nhân như từ công nghiệp, giao thông, sinh hoạt... Qua Luật bảo vệ môi trường chúng ta cần có một tinh thần quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường.
Còn theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, trên cơ sở kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia được Chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT đang triển khai nhiều biện pháp.
"Để hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật, để các địa phương tỉnh, thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí.
Hiện nay trên cả nước có 9 địa phương đã xây dựng và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí", ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, để có căn cứ thực hiện đồng bộ hơn nữa việc cải thiện không khí trên cả nước và địa phương, theo kế hoạch ban hành, Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát và ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, quy định, nguyên tắc để các địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý môi trường.
"Để kiểm soát tốt hơn về khí thải từ các nguồn ô nhiễm di động cụ thể là các phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy, Bộ TN&MT đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiến hành rà soát thực tế, từ đó đưa ra những sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới", ông Nam thông tin.
Ông Nam cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc. Hiện Bộ TN&MT đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh để giám sát không khí.
"Hiện có 600 trạm quan sát phát thải, khí thải của các doanh nghiệp được cài đặt và kết nối thông tin trực tiếp với Bộ. Từ đó, Bộ nắm chắc thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp, và nếu có vấn đề, sự cố xảy ra có thể chủ động kiểm soát và khắc phục", ông Nam cho hay.
Cũng theo ông Nam, vấn đề phối hợp quản lý khí thải liên vùng đã được nêu rất rõ trong Luật bảo vệ môi trường 2020. Đây là việc quan trọng và phù hợp. Luật đã quy định cụ thể các tỉnh cần có những văn bản, quy chế riêng để bảo vệ môi trường, kiểm soát chất thải, khí thải. Tuy nhiên, có những ô nhiễm liên vùng liên tỉnh thì cần phải được xử lý cấp quốc gia.
"Cần có nỗ lực và hành động đồng bộ từ nhiều ngành trong quản lý chất lượng không khí. Nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương", ông Nam nhấn mạnh.