Hôm 19/5, tại thành phố Huế, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 4 và công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, thành viên hội đồng điều phối vùng, đại diện các bộ, ngành cùng các đại biểu cho ý kiến góp ý vào báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 168/NQ-CP, ngày 29-12-2022, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; ưu tiên, lưu ý những nhóm giải pháp phát triển của quy hoạch; các vấn đề khó khăn, thách thức chủ yếu và kiến nghị phương hướng tháo gỡ, khắc phục.
Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng kết cấu hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện. Nhiều điểm nghẽn đối với phát triển dần được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng đang được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tư duy về liên kết vùng dần được đổi mới, đã hình thành cơ chế điều phối vùng. Các đề án, nhiệm vụ đang triển khai hoặc đã có kết quả cụ thể, đóng góp chung vào sự phát triển của vùng, như khởi công các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng; ban hành và triển khai nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá cần thiết cho vùng và một số địa phương trọng điểm; hoàn thành công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Nguồn vốn ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư, nhất là đầu xây dựng hạ tầng giao thông, đường cao tốc, cảng biển, sân bay cho hạ tầng vùng. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số khó khăn về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng, như giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.
Hội đồng vùng đã hoàn thành được 12/23 nhiệm vụ được giao. Các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện 11 nhiệm vụ còn lại, do đó cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiệm vụ của hội đồng điều phối vùng là triển khai thực hiện hiệu quả; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã có trong quy hoạch, tuy nhiên cần chỉ rõ cái gì làm trước, cái gì làm sau, những nhiệm vụ, dự án nào được ưu tiên thực hiện; xác định cụ thể nhiệm vụ trong giai đoạn 2024 - 2030.
Đối với nhiệm vụ hội đồng điều phối vùng trong thời gian tới, các bộ, địa phương cần đẩy mạnh triển khai 11 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023; trong đó cần quan tâm ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tính lan tỏa, kết nối vùng. Hiện nay, vùng đã chia thành 3 tiểu vùng, vì vậy cần xây dựng cơ chế vận hành, tổ chức của tiểu vùng, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin của vùng. Đối với vấn đề kết nối vùng bằng hệ thống hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, kết nối ven biển phải là ưu tiên cao nhất; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông để tăng cường đông - tây, thông qua các nước Lào, Campuchia; kết nối vùng duyên hải Trung Bộ với các tỉnh Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, vùng cần ưu tiên thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng về năng lượng tái tạo, nếu không có năng lượng tái tạo, sẽ không thu hút được các dự án đầu tư lớn liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu; cần nghiên cứu kỹ các đề xuất của tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một số địa phương trong vấn đề triển khai các trung tâm năng lượng tái tạo, đi kèm với cơ chế mua bán điện trực tiếp và hình thành các khu công nghiệp có thể thương mại năng lượng tái tạo nhằm thu hút được các nguồn lực từ khối tư nhân đầu tư hệ thống hạ tầng để phát triển các nguồn điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm hơn nữa công đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; cần đưa hội đồng điều phối vùng có vị trí trong hệ thống hành chính quốc gia; xây dựng cơ chế hoạt động của các tiểu vùng. Về cơ chế, chính sách đặc thù, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại hội nghị; xin ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương liên quan để hoàn thiện nội dung báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.