Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng có mục tiêu thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

{keywords}
Ngành giáo dục xác định ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng. (Ảnh minh họa: FPT)

Góp ý về dự thảo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025”, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng: chuyển đổi số của ngành giáo dục cần làm sớm hơn vì nó tác động rất nhiều đến chất lượng đầu ra của giáo dục, đào tạo. Đó chính là nguồn lực cho doanh nghiệp, cũng như nguồn lực chính để chuyển đổi số quốc gia. Có 3 việc cần làm là: xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành và xây trường thông minh.

Vị đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, có 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết khi triển khai chuyển đổi số trong giáo dục: đầu tiên là công nghệ; nhóm thứ 2 liên quan đến con người, học liệu, phương pháp học tập; cuối cùng là quản trị và chính sách.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban giáo dục và phát triển nhân lực, ngành giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng và đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên, với hy vọng 5-10 năm sau công cuộc chuyển đổi số của ngành sẽ đạt kết quả.

Đề cập đến một số khó khăn khi triển khai chuyển đổi số giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; là nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số; là sự chuẩn bị của thể chế, hệ thống văn bản quản lý điều hành; là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, chuyển đổi số là đột phá, vì vậy phải từng bước khả thi hóa các nội dung, mục tiêu đặt ra.

Linh Đan