Vô cùng ngạc nhiên khi bước chân vào ngôi trường Mỹ, lần đầu tiên phải trả lời câu hỏi “Tôi là ai” khiến cô gái Việt bắt đầu đi tìm lại chính mình.
8 tuổi, Nguyễn Hải Đăng (sinh năm 2002, TP.HCM) bắt đầu hành trình cùng ba, hiện là Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, rong ruổi trong những chuyến đi thiện nguyện khám chữa bệnh tim miễn phí cho trẻ em nghèo.
Chứng kiến nhiều bạn nhỏ chỉ trạc tuổi mình phải vật lộn với căn bệnh tim bẩm sinh, nhưng bố mẹ không thể chi trả khoản tiền gần 200 triệu chữa bệnh, nhiều câu hỏi hiện lên trong đầu khiến Đăng trăn trở.
“Làm thế nào để có thể giúp đỡ những em nhỏ như thế? Nếu không được ai giúp đỡ, gia đình họ sẽ cứu con bằng cách nào?”.
Mùa hè năm cuối cấp tiểu học, Hải Đăng xin mẹ cho đi bán báo thuê. Đều đặn 5 giờ sáng mỗi ngày, cậu học trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân lại dậy sớm để đi bán báo.
Mỗi ngày 5 tiếng, Đăng nhận về 5.000 đồng đút lợn. Toàn bộ số tiền tiết kiệm trong suốt 3 mùa hè được Đăng góp vào quỹ ủng hộ cho những bạn nhỏ mắc bệnh nhưng có hoàn cảnh khó khăn.
Niềm mong mỏi được làm các hoạt động hướng về cộng đồng cứ thế lớn dần lên. Cũng vì mong muốn “có thể thay đổi cuộc sống của người khác”, sau khi tốt nghiệp cấp 3 tại Mỹ, Đăng quyết định lựa chọn theo đuổi ngành Y tại Đại học Nam Florida.
“Điều khiến em cảm thấy thích thú nhất khi học tập tại đây có lẽ là việc trường luôn khuyến khích sinh viên thực hiện các dự án thay vì tập trung vào kiến thức”.
Như một cú huých, Đăng không ngần ngại “bước ra khỏi vùng an toàn” để tìm kiếm cơ hội và trải nghiệm.
Không có mạng lưới kết nối với chuyên gia, để tìm kiếm cơ hội cho mình, Đăng “xuất hiện” ở bất cứ cuộc thi hay hội thảo chuyên ngành nào nếu biết được.
“Có một thực tế, các giáo sư bên Mỹ đều rất cởi mở. Nếu chủ động kết nối và thể hiện được đam mê với lĩnh vực họ đang theo đuổi, sẽ có cơ hội phù hợp dành cho mình”.
Từ Florida, chàng trai người Việt thậm chí bay sang California chỉ để trực tiếp đề xuất mong muốn được tham gia vào dự án của một vị giáo sư tại Đại học Y Stanford. Nhờ vậy, trong 4 năm đại học, cậu đã có cơ hội được làm việc với nhiều giáo sư giỏi đến từ các đại học hàng đầu như Harvard, Stanford hay Johns Hopkins,…
Một trong những dự án quan trọng Đăng từng tham gia tại Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) là về vấn đề viêm gan.
Tại đây, Đăng có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cộng đồng, trong đó có bác sĩ thuộc Đại học Harvard, để tìm hiểu về sự tương tác giữa người bệnh và hệ thống y tế, từ đó tạo ra chiến lược cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên bệnh nhân viêm gan ở Việt Nam.
Sau đó, Đăng tiếp tục làm việc với tổ chức phi lợi nhuận ABC's for Global Health của các giáo sư đến từ Đại học Stanford. Ở dự án này, cậu cùng với các thành viên đã xây dựng hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến được đặt tại 13 vùng của Phillipines.
Những chiếc máy tự động thu thập tín hiệu y sinh của cơ thể như nhịp tim, nhịp thở hay nồng độ đường trong máu,… đã giúp nhóm kiểm soát được sức khỏe y tế của hơn 8.000 người dân tại đây.
Trong đại dịch Covid-19, họ cũng là những người duy nhất được cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trong cộng đồng.
Mùa hè năm 2022, Đăng đã dành một tháng để tới châu Phi, cùng với các giáo sư tại của Đại học Johns Hopkins và Đại học Pennsylvania đến vùng Arusha, Tanzania để phát triển một ứng dụng điện thoại di động.
Hy vọng của nhóm là giúp người dân có thể sử dụng nó như một bách khoa toàn thư về y tế, từ đó tiếp cận được với các kiến thức y học tiên tiến từ xa.
Nhóm của Đăng cũng đã trình bày dự án này tại một hội nghị quốc tế với sự tham gia của các Bộ trưởng Bộ Y tế tại các nước châu Phi, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ.
Những chuyến đi như thế giúp Đăng nhận ra rằng, mỗi cộng đồng sẽ có cách tiếp cận y tế khác nhau. Ví dụ như tại Tanzania, người dân chủ yếu sử dụng y học cổ truyền để khám chữa bệnh.
Việc đến tận nơi để tìm hiểu về tập quán, văn hóa đã giúp những dự án tiếp cận gần và thiết thực hơn với nhu cầu của người dân.
Trong suốt 4 năm đại học, Đăng còn kết hợp với giáo sư tại Đại học Yale chế tạo ra một mô hình giáo dục cho người bị khuyết tật tại Pakistan, hay cùng một tổ chức phi lợi nhuận ở Dominican Republic xây dựng chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh cao huyết áp,…
Từng bị từ chối vì hồ sơ quá đẹp
Thực hiện nhiều dự án về y tế toàn cầu và đem lại giá trị thực tiễn cao; sở hữu 13 bài báo xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, thế nhưng, Đăng từng bị một số tổ chức từ chối chỉ vì… hồ sơ quá đẹp.
Chàng trai người Việt từng nộp hồ sơ đến Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ để ứng tuyển vào vị trí thực tập cho một dự án. Đây vốn là tổ chức lớn và có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực sức khỏe tim mạch. Vượt qua 150 ứng viên, Đăng là một trong số ít người nhận được lời mời tham dự phỏng vấn.
Tuy nhiên, cậu đã bị từ chối dù giám khảo thừa nhận cực kỳ ấn tượng với hồ sơ của Đăng, thậm chí cậu còn đạt tất cả các tiêu chí mà tổ chức đang tìm kiếm.
“Một vị giám khảo nói rằng, hồ sơ của em quá đẹp nên họ cảm thấy không phù hợp cho chương trình này. Họ sợ rằng việc tham gia quá nhiều dự án sẽ khiến em không tập trung và coi trọng vị trí mà họ đang tìm kiếm”.
Sau đó, Đăng đã phải chủ động viết thư phản hồi, nhấn mạnh niềm đam mê và sự quan tâm cho vị trí đang tuyển dụng, đồng thời khẳng định mình sẽ tạo ra sự khác biệt. Bức thư ấy đã giúp Đăng thuyết phục được ban giám khảo.
Đam mê với hoạt động tình nguyện, 2 năm trước, Đăng còn thành lập ra tổ chức phi lợi nhuận có tên CardiacLife Foundation. Mục đích của tổ chức này là kêu gọi tài trợ nhằm chi trả chi phí mổ tim cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
“Những lần cùng ba đi tới các vùng quê, em luôn nghĩ tại sao mình không lập ra một tổ chức phi lợi nhuận để kêu gọi sự hỗ trợ, góp sức của nhiều người. Vì thế, CardiacLife Foundation đã ra đời”.
Mùa hè vừa qua, Đăng kết hợp với chương trình Nhịp tim Việt Nam, Khoa Ngoại Tim mạch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM và tổ chức phi lợi nhuận M.E.M.O bao gồm những người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại tiểu bang California gây quỹ cho 30 ca mổ tim, với chi phí 1,3 tỷ đồng.
“Em cảm thấy có động lực khi những điều mình làm có ý nghĩa và đem lại thay đổi cho cuộc sống của người khác. Đó là khi em nhìn thấy giọt nước mắt của người mẹ có con được tài trợ mổ tim sau nhiều lần thất bại. Người mẹ này đã khóc và nói lời biết ơn vì gia đình họ từng rất bất lực và chấp nhận buông xuôi”.
Mỗi sự đóng góp như thế, dù nhỏ, nhưng khiến Đăng luôn tin vào hướng đi mà mình lựa chọn.
“Em được truyền cảm hứng rất nhiều từ ba. May mắn, trên hành trình em đi, trong những việc em làm đều có ba mẹ động viên, hỗ trợ. Hiện tại, một số dự án nghiên cứu về y khoa hay các bài báo quốc tế em đang thực hiện một phần cũng có sự hợp tác giữa hai cha con.
Em mong muốn rằng, những dự án của em, đặc biệt là về tim mạch, sẽ kết nối được các nước Đông Nam Á như Việt Nam với các nước có nguồn tài nguyên lớn hơn như Mỹ, Anh. Nhờ đó, những dự án này sẽ phần nào giải quyết được các vấn đề y tế đang còn tồn tại ở Đông Nam Á”.
GS.TS Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida, người từng trực tiếp hướng dẫn Đăng trong một số dự án, ấn tượng về kỹ năng nghiên cứu khoa học và kiến thức vững chắc của Hải Đăng. “Đăng từng đóng vai trò chính trong việc thiết kế và chế tạo thiết bị cảm biến mới, cho phép phân tích các kiểu thở phức tạp của bệnh nhân Covid-19 theo thời gian ở nhiều giai đoạn. Kết quả này sau đó đã được xuất bản trên tạp chí Cảm biến sinh học. Ngoài ra, nhóm cũng nộp một bằng sáng chế về “Phương pháp trị liệu kết hợp cảm biến từ và âm nhạc dành cho bệnh nhân Covid-19”. Với nghiên cứu có tính đột phá và khả năng trình bày các kết quả nghiên cứu xuất sắc, Đăng là một trong ba sinh viên đạt giải nhất báo cáo khoa học tại Hội thảo Quốc tế về Công nghệ Nano Sinh học. Ngoài nghiên cứu, Đăng còn tham gia với vai trò lãnh đạo, triển khai nhiều dự án y tế toàn cầu có ý nghĩa. Để đạt được kết quả học tập xuất sắc, làm nghiên cứu khoa học và triển khai nhiều dự án y tế cộng đồng, em ngủ rất ít, thậm chí ngủ luôn tại thư viện trường". |