Không ai nghĩ 150 thước phim chuyên nghiệp và sống động như “Truy bắt thuỷ quái rừng Amazon”, “Một mình ở địa phận khủng bố, bắt cóc con tin”, “Gặp bộ lạc đất sét ở châu Phi”, “Sống sót trên sa mạc”… lại thuộc sở hữu của một anh chàng người Việt “chính cống”, năm nay mới 32 tuổi.

Nhiều khán giả của Phan Thanh Quốc ngạc nhiên hỏi: “Tại sao một kênh chất lượng như thế này mới có hơn 500 nghìn người theo dõi?”. Trả lời cho thắc mắc ấy, Quốc nói: “Tôi đi để trải nghiệm và tận hưởng, chứ mục đích chính không phải để làm nội dung. Có đợt 3 tháng tôi mới ra một video”.

Video: Người bộ lạc trong rừng Amazon dạy cách săn bắn

50 quốc gia – 10 năm xê dịch

Đến nay, sau khoảng 10 năm, Quốc đã đặt chân tới khoảng 50 quốc gia trên thế giới, từ những vùng đất nổi tiếng cho tới những nơi xa xôi, nhỏ bé. Xem những video trên kênh YouTube của Quốc, nhiều người nhận xét “không khác gì xem những chương trình truyền hình trải nghiệm của nước ngoài”. Chỉ khác, thay vì có một ê-kíp đông đảo và chuyên nghiệp hỗ trợ phía sau, lâu nay Quốc chỉ có một mình – tự đi, tự quay, tự dựng. 

“Có đợt 3 tháng, tôi mới đăng một video” – anh nói. Không phải là không có nội dung để đăng, mà đúng như quan niệm của anh – “tôi đi là để trải nghiệm, chứ không phải để làm video”. Anh cũng đặt ra những nguyên tắc riêng cho mình – không chạy theo xu hướng, không câu “view” quá lố. Có lẽ vì thế, kênh của Quốc tiến từ từ, rất chậm giống như tốc độ đi của anh.

“Có những người thời gian đi bằng tôi, nhưng họ đã đi được gấp đôi số nước. Tôi đi không phải để đếm số lượng nên không quan trọng chuyện đó. Tôi sẵn sàng ở lại một nơi tới vài tuần hoặc cả tháng, nếu tôi cảm thấy hứng thú. Tôi không có kế hoạch cụ thể phải ở nước này bao nhiêu ngày, nước kia bao nhiêu ngày…”.

myanmar2.jpg
Phan Thanh Quốc (32 tuổi) đã bắt đầu hành trình đi vòng quanh thế giới từ cách đây 10 năm

Chàng trai quê Quảng Ngãi chia sẻ, nếu nói về chuyện “đi”, anh tự tin khẳng định mình là một trong những người đầu tiên đi du lịch trải nghiệm ở Việt Nam. Nhưng mới chỉ 2 năm trở lại đây, anh đưa những trải nghiệm của mình lên mạng xã hội. 

“Cách đây hơn 10 năm, khi vừa ra trường, kiếm được tiền, tôi đã bắt đầu có những chuyến đi đầu tiên. Tôi còn nhớ có thời điểm cầm 2.000 USD trong tay, đi 2 tháng thì hết tiền, lại về kiếm tiền tiếp.

Sau khi ra trường, tôi thường đi vào những kỳ nghỉ hoặc xen kẽ vào những giai đoạn ‘nhảy việc’ từ công ty này sang công ty kia. Chỉ 2 năm gần đây, tôi mới bắt đầu xin nghỉ việc hẳn ở công ty, để làm việc trực tuyến. Hiện tại, tôi tạm thời dừng hẳn công việc lập trình viên để đi và làm nội dung cho kênh YouTube của mình”.

Quốc đi rất chậm, nhưng anh không “sốt ruột”. Có người bản địa từng chia sẻ với Quốc: “Nhiều người đến đây lắm nhưng họ đi ngay, không ai ở lại lâu như bạn”.

Càng đi nhiều, anh càng nhận ra giá trị cuộc sống đến từ những thứ rất đơn giản. “Tại sao ở sâu trong rừng rậm, có những người sở hữu tài sản rất ít nhưng lại luôn vui vẻ? Họ có thể vừa đi vừa hát như con nít, dù đã 50-60 tuổi. Còn chúng ta, xã hội hiện đại, phát triển nhưng vẫn không khiến chúng ta vui”.

Trải nghiệm ở khu vực rừng Amazon, Quốc được gặp tộc người nguyên thủy – những con người cực kỳ hiền lành, thân thiện. “Họ nói chỉ muốn sống đơn giản trong rừng như tổ tiên họ, sống theo cách mà họ vẫn sống. Họ chẳng cần ai đó đến dạy cho một cách sống khác mà người ta có thể gọi là văn minh, hiện đại hơn”.

Trên sa mạc miền Tây Ấn Độ, một người đàn ông không biết chữ, làm công việc dẫn đường cho khách du lịch, luôn miệng nói với Quốc rằng: “Đừng lo lắng! Sẽ hạnh phúc!” – một câu nói mà Quốc còn nhớ mãi đến tận bây giờ. 

Everest, Amazon, Trung Đông, châu Phi…

364778949_3512230762323701_6238761832051372497_n.jpg

Lần “chết hụt” đáng sợ nhất của Quốc là trải nghiệm leo lên trại nền của đỉnh núi cao nhất thế giới Everest (Everest Base Camp). Nếu là mùa hè, việc leo lên trại nền không phải quá khó khăn. Nhưng vì đã có kế hoạch một dịp khác sẽ leo vào mùa hè, nên lần đó anh đăng ký chinh phục Everest vào mùa đông. 

“Mùa đông gần như không có ai leo núi. 10 trạm dừng chân, chỉ có 1 trạm mở”.

Ban đầu Quốc đi cùng một anh bạn người Mỹ, nhưng sau đó cả hai thống nhất đi độc lập. Sau nhiều ngày bị ốm, cộng với tinh thần không được minh mẫn, Quốc bị lạc và lâm vào tình trạng thiếu oxy. “Tôi bị mất phương hướng, còn tưởng tượng ra một ngôi làng phía trước. Lúc đó, cố lắm mới lê lết được 10m. Tôi vừa kịp gửi cho anh bạn người Mỹ định vị nơi mình đang ở thì máy hết pin. Lúc ấy, tôi cũng không biết tin nhắn đã đi được chưa. Giữa những dãy núi tuyết, tôi chỉ là một cái chấm nhỏ. Tôi đã nghĩ ‘không lẽ cuộc đời mình dừng lại ở đây sao?’”.

May mắn cho Quốc là tin nhắn gửi định vị kia đã đến được nơi cần đến. Anh được tìm thấy trong tình trạng chỉ chậm chút nữa thôi là không còn cơ hội sống sót.

“Lúc ấy, khao khát sống của tôi vẫn rất mạnh mẽ. Thay vì dừng lại, tôi cố gắng leo lên cao hơn một chút để nhìn xuống dưới, thử xác định phương hướng… Sau những tai nạn như thế này, tôi có kinh nghiệm hơn để hạn chế rơi vào tình trạng tương tự”.

himalayas.jpg
Phan Thanh Quốc từng "chết hụt" khi chinh phục nóc nhà thế giới Everest 

Một lần khác ở Mông Cổ, thay vì chụp ảnh check-in xong rồi đi, Quốc ở lại cưỡi ngựa tới 10 ngày, ăn ở cùng người dân bản địa. Không may trong một lần cưỡi ngựa, anh bị ngựa kéo lê trên mặt đất khi chân còn mắc vào yên ngựa. “Đó cũng là một trong số những trải nghiệm nhớ đời của tôi”.

Quốc chia sẻ, khi đặt chân vào những khu vực nguy hiểm về tội phạm, bất ổn chính trị, anh cũng có những cách tiếp cận riêng để bảo vệ tính mạng của mình. “Tôi không bao giờ mang theo vũ khí, bởi vì việc đó sẽ khiến tôi khó nhập cảnh khi qua cửa khẩu. Ngoài ra, khi có chuyện xảy ra, tôi cũng không chắc là mình dám dùng vũ khí để phản kháng lại”. 

Việc đi nhiều, trải nghiệm nhiều cũng giúp Quốc rút ra kinh nghiệm không nhìn vào bề ngoài để đánh giá một con người. “Và bây giờ, khi gặp cái gì, tôi cũng thấy đơn giản vì tôi đã trải qua nhiều thứ phức tạp hơn rồi”.

Ai Cap.jpg
Phan Thanh Quốc ở Ai Cập

Thích thú và trân trọng lối sống của những con người giản dị trong rừng Amazon, trên sa mạc hay ốc đảo… nhưng Quốc tâm sự: “Nếu ở một vài tuần, một vài tháng thì được, chứ ở lâu hơn thì chắc rất khó cho những người ở xã hội hiện đại như chúng ta”.

Có những người Nepal trên dãy núi Himalaya sống trong tình trạng 2-3 tháng mới tắm một lần vì không có sẵn nước. “Tôi ở đó cùng họ, cũng phải đến 2 tuần không tắm, nhưng vì thời tiết -20 độ C đến -10 độ C, nên không cảm thấy quá khó chịu”.

“Thậm chí, lấy khăn ướt để lau cũng không được, vì nó sẽ đóng băng ngay. Chất thải của con người trong nhà vệ sinh cũng bị đóng băng hết. Tôi cũng không rõ họ xử lý bằng cách nào, chắc phải ở lâu hơn mới biết được. Và dĩ nhiên, trong tình trạng đó thì sẽ không có nước để làm những việc như đánh răng, rửa mặt…

Còn ở Mông Cổ, con người sống trên thảo nguyên. Nước được dùng để nấu ăn là chính. Đánh răng, rửa mặt phải hạn chế hơn rất nhiều. Chưa kể, khắp nơi đều rải rác phân ngựa. Từ dưới đất cho đến chăn mền, gối ngủ đều dính phân ngựa”.

Trong mắt Quốc, người dân châu Phi rất thân thiện. Nhưng mỗi khi đi đến đâu, anh đều bị nhìn như “người ngoài hành tinh”. Mọi người xúm đông xúm đỏ khiến anh cảm thấy “hơi áp lực”. “Chỉ là họ thấy lạ, hoặc họ yêu quý mình thì vây quanh thôi. Đôi khi họ cũng xin tiền nữa…”. Châu Phi cũng là nơi Quốc có nhiều trải nghiệm độc nhất vô nhị như đến nhà thăm người phụ nữ sinh nhiều con nhất thế giới, mua sắm ở đất nước nghèo nhất thế giới, gặp gỡ bộ lạc người lùn, đi săn Gorilla trong rừng sâu...

Kể về trải nghiệm đi săn thủy quái – loài trăn khổng lồ Anaconda ở rừng Amazon, Quốc nói, đó là một kỷ niệm không bao giờ quên và cũng là một trong những thước phim được quan tâm nhiều nhất trên kênh YouTube của anh.

“Suốt 3 ngày, chúng tôi kéo thuyền vào các hồ ở rất xa để tìm Anaconda. Mỗi hồ cách nhau cả tiếng đi thuyền, cứ một hồ không có thì hôm sau, tôi và người bản địa lại đi thuyền qua hồ khác xa hơn. Người bản địa nói họ đã từng thấy Anaconda ở những khu vực đó”.

“Anaconda là loài trăn vừa sống dưới nước, vừa có thể lên bờ để ngủ và phơi nắng. Đúng vào ngày thứ tư, chúng tôi đã tìm thấy thủy quái vùng Amazon một cách rất ngẫu nhiên trên dòng sông đang chảy siết. Được tận mắt nhìn thấy và chạm vào một loài vật cực kỳ nổi tiếng qua phim ảnh và các chương trình khoa học là một trải nghiệm đặc biệt trong hành trình vòng quanh thế giới của tôi”.

Khi tìm thấy Anaconda, cả nhóm muốn mang nó lên thuyền để quan sát kỹ hơn. Nhưng con thủy quái rất mạnh, quấn chặt vào các nhánh cây. Những người bản địa phải chặt hết các nhánh cây đi nhưng rồi Anaconda cũng chạy mất và lẩn rất nhanh dưới làn nước. Quốc nói, việc đi tìm Anaconda cũng là để anh thỏa mãn ước nguyện được hoàn thiện sự hiểu biết về những điều đặc biệt trên thế giới này. 

ethiopia 1.jpg
Quốc ở Ethiopia

Tiền ở đâu để đi?

Sinh năm 1992, dành rất nhiều thời gian để đi khắp nơi trên thế giới, Quốc được nhiều người dự đoán là “công tử”, “sinh ra ở vạch đích”…

Nhưng sự thật hoàn toàn khác. 

Quốc sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi – nơi mà đồi núi còn nhiều hơn đất bằng, nơi mà người Kinh còn ít hơn đồng bào thiểu số. 

Thời phổ thông, Quốc học ở trường làng, thậm chí ngôi trường từng “có tiếng” là không có học sinh nào tốt nghiệp phổ thông. Sau đó, được bố mẹ chuyển lên trường trên thành phố để học, Quốc cũng chỉ là một học sinh trung bình của lớp. 

Thế nhưng, tố chất và niềm đam mê với công nghệ thông tin của anh đã bộc lộ từ những năm cấp 2, khi Quốc vẫn còn học ở quê. “Tôi phải lên tận bưu điện huyện mới có chiếc máy tính để bàn cho dùng miễn phí. Đợi đến lượt mình cũng mất vài tiếng đồng hồ. Mạng chậm, vào trang web phải đợi mất 1 phút. Tôi xin thầy ở trung tâm giáo dục thường xuyên cho học Microsoft Office… Cứ thế, tôi mày mò lập được trang web từ những năm cấp 2”.

Tiếng Anh của Quốc trong những năm học phổ thông, thậm chí lên đại học vẫn lẹt đẹt. Quốc thi TOEIC tới lần thứ 8 mới đạt 500 điểm. Đến nỗi, sau này, một người bạn trêu: “Quốc còn học được tiếng Anh, thì không chuyện gì là không thể làm được”.

Từ nhỏ, Quốc đã có ước mơ được đi khắp nơi trên thế giới. Đến khi trở thành sinh viên, anh đã định hình rõ ràng những gì mình cần phải làm để đạt được ước mơ đó. 

Tốt nghiệp đại học, Quốc trở thành lập trình viên cho một trong những tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực này ở Việt Nam. Anh không muốn tiết lộ chính xác mức thu nhập thời điểm đó, nhưng nó có thể lên tới cả trăm triệu đồng/tháng. Anh lao vào làm việc điên cuồng, bằng tất cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Không chỉ làm việc ở công ty, anh nhận công việc ngoài và kinh doanh tự do… Có lúc, anh thấy mình làm 5 công việc cùng một lúc. “Đã có 1-2 lần tôi ngất xỉu vì làm việc quá sức”.

Quốc nói, anh không khuyến khích làm việc bất chấp. Sức khỏe với anh vẫn là quan trọng nhất, nhưng “nếu làm như thế trong một thời gian ngắn thì chấp nhận được”.

“Ai cũng có 24 giờ. Nếu mình không cố gắng thì làm sao nổi trội hơn người khác? Quan điểm của tôi là không có con đường tắt nào để đến đích hết. Dù bạn có đang làm công việc gì thì nên cố gắng trở thành người giỏi trong công việc đó”.

Nhiều người nghĩ, không có kế hoạch cụ thể cho hành trình của mình, Quốc hẳn là một người sống ngẫu hứng. Nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn.

“Tôi là một lập trình viên, nên tôi lập trình rất rõ kế hoạch cuộc đời mình. Tôi cũng đủ thực tế để hiểu rằng, không có tiền thì không thể đi được”.

Để đảm bảo sức khỏe và không lãng phí thời gian, Quốc không uống rượu bia, thậm chí là cà phê. “Sử dụng ít thì không sao, nhưng tôi là người cầu toàn”. Anh cũng không dành thời gian cho những chương trình, thú vui giải trí như nhiều bạn trẻ bây giờ. “Tôi cũng thích chứ, nhưng mình phải có trách nhiệm với bản thân. Mình phải xác định nên thu nạp kiến thức gì vào đầu… Đi chơi thì tôi ngẫu hứng, nhưng khi làm việc hay trước những kế hoạch lớn của cuộc đời, tôi luôn định hình rất rõ ràng”.

komodo.jpg
Quốc và loài rồng Komodo

Hiện tại, Quốc tạm thời nghỉ công việc online để dành thời gian đi và viết sách – một cuốn sách kể lại hành trình vòng quanh thế giới của anh. Anh nói rất chắc chắn rằng: “Chừng nào đi hết các quốc gia, chắc tôi đã ở tuổi xế chiều”.

Quốc muốn sau này khi đã đạt được mục tiêu cuộc đời mình, anh sẽ về quê sống, dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ trong xóm, thi thoảng đi du lịch. 

“Bây giờ, ba mẹ tôi đang giục lấy vợ. Nhưng chắc chắn bạn gái hay vợ tôi cũng sẽ phải là người thích đi như tôi. Chúng tôi sẽ đi vòng quanh thế giới cùng nhau. Tôi không nghĩ rằng, kết hôn sẽ là dấu chấm hết cho mọi kế hoạch đẹp đẽ của cuộc đời mình”.

Ảnh, video: NVCC