“Vẽ” cờ Tổ quốc bằng giấy chứng nhận hiến máu
Theo dõi trào lưu “biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ Tổ quốc”, Nguyễn Phúc Đức (SN 1997, sinh viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) rất muốn làm một điều gì đó ý nghĩa, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mình.
Nghĩ đến ngôi nhà của bố mẹ ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có mái đổ bê tông nhưng rất khó làm sạch để vẽ cờ Tổ quốc một cách đẹp và trang nghiêm nhất, Phúc Đức đã nảy ra một ý tưởng khác.
Anh quyết định “vẽ” cờ Tổ quốc bằng chính những tấm giấy chứng nhận hiến máu của mình trong 8 năm qua.
“Trước đó, mình vô tình xem được video một bạn trẻ xếp hình lá cờ Tổ quốc bằng giấy chứng nhận hiến máu. Mình nhớ ra, bản thân cũng lưu giữ rất nhiều giấy chứng nhận này, nên quyết định làm theo”, Đức nói.
Nghĩ là làm, sáng 18/8, Đức bắt tay vào thực hiện. Anh mất khá nhiều thời gian để phác họa, sắp xếp các tấm giấy chứng nhận sao cho hợp lý. Sau nhiều giờ loay hoay, Đức đã xếp thành công cờ Tổ quốc từ 30 tấm giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo.
“Hoàn thành bức tranh ý nghĩa, mình rất vui. Bằng việc nhỏ này, mình muốn thể hiện tinh thần yêu nước và lan tỏa tình cảm thiêng liêng ấy đến đông đảo bạn trẻ”.
8 năm hiến máu cứu người
Năm lớp 6, trong một lần lên nhà bác chơi, Đức bị bể chứa nước đổ vào người, làm dập nát cánh tay phải.
Sinh ra và lớn lên với hình hài lành lặn, bỗng một ngày trở thành người khuyết một tay, Đức bị sốc tâm lý. Suốt thời gian dài, Đức sống trong mặc cảm, dần dần trở thành người hướng nội, ngại đến chỗ đông người.
“Hồi cấp hai, thi thoảng bị các bạn trêu, mình rất buồn. Một phần vì mấy lời trêu chọc vô tư của các bạn, một phần vì sự mặc cảm của bản thân, mình sống khép kín hơn”, Đức tâm sự.
Chàng trai Thái Nguyên mất nhiều thời gian để làm quen với cuộc sống khuyết 1 tay, từ sinh hoạt cá nhân cho đến việc học viết chữ bằng tay trái. Khi đã quen dần, việc chấp nhận khiếm khuyết của bản thân với Đức cũng dễ dàng hơn.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Đức tham gia hoạt động tình nguyện tại trường học, địa phương. Được giao lưu kết bạn, Đức từng bước mở lòng, sống cởi mở, chan hòa với mọi người.
Năm 2016, được hai người bạn thân động viên, Đức lần đầu tiên tham gia hiến máu.
“Lần đầu tham gia hiến máu mình rất sợ hãi, cứ nghĩ đến cảnh kim tiêm cắm vào tay là đổ mồ hôi. Trước khi hiến, các bạn khác chỉ uống 1, 2 cốc nước đường, còn mình uống đến 5, 6 cốc. Thế nhưng, sau lần đầu hiến máu thành công, mình lại yêu thích hoạt động ý nghĩa này”, Đức kể.
Đức được nghe nhiều câu chuyện về những bệnh nhi đáng thương bị bệnh tật cướp mất tuổi thơ đang từng ngày, từng ngày chờ đợi nhận máu. Đó cũng là động lực để Đức thêm nhiều lần nữa tham gia hiến máu nhân đạo.
Trong 8 năm, Đức hiến máu 30 lần. Cứ cách 3 tháng – đủ số ngày theo quy định của Bộ Y tế, Đức lại xin hiến máu.
30 tấm giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo là minh chứng rõ nhất cho tấm lòng nhân ái của chàng trai Thái Nguyên. Mỗi tấm giấy đều được Đức nâng niu, cất giữ cẩn thận.