Anh thợ điện nuôi chí làm giàu

Trần Văn Hùng (SN 1993, Thanh Hóa) lớn lên ở vùng cói Nga Sơn. Từ nhỏ anh hay nhận đồ đơn giản về đan lát, phụ giúp bố mẹ. Tốt nghiệp cấp 3, Hùng chọn học ngành điện tại trường Cao đẳng Cộng đồng.

Thời sinh viên, ngoài thời gian học trên trường, Hùng làm bồi bàn, chạy xe ôm, phát tờ rơi, rửa xe... Sau đó, Hùng bám trụ với công việc ở một khách sạn gần 4 năm, lấy tiền trang trải học phí.

{keywords}
Anh Trần Văn Hùng.

Tốt nghiệp, Hùng rải hồ sơ xin việc khắp nơi, hi vọng tìm việc đúng chuyên ngành mình đã học.

Một lần, Hùng vào mạng, thấy khu nghỉ dưỡng cao cấp trong Nha Trang đăng tin tuyển dụng thợ điện với mức lương 10 triệu. Anh mạnh dạn đăng ký phỏng vấn và trúng tuyển.

Chàng trai nghèo rời Hà Nội, tiếp tục hành trình tìm tương lai ở mảnh đất du lịch.

Tại đây, anh thường xuyên gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều du khách nước ngoài. Trong một lần đi cáp treo, anh gặp hai nữ du khách Hàn Quốc đeo túi xách từ cói, trông rất bắt mắt.

Hùng liên tưởng đến các sản phẩm ở Nga Sơn và nghĩ: “Quê mình cũng có nghề đan cói. Nếu dệt chiếu, làm thảm thông thường, lợi nhuận kinh tế thấp nhưng làm sản phẩm thời trang, giá trị kinh tế sẽ cao hơn”.

Cuối năm 2017, Hùng nộp đơn xin nghỉ việc về quê khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. “Tôi nuôi dưỡng khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình”, Hùng nhấn mạnh.

Trước đó, anh có chút vốn nhỏ nhưng gia đình gặp biến cố nên phải sử dụng hết. Lúc quay về quê, Hùng bắt đầu lại từ con số 0.

“Chị gái tôi cho vay 10 triệu. Bố mẹ liên tục trách móc, vì tôi đang có công ăn việc làm ổn định lại bỏ ngang”, Hùng nói.

Theo Hùng, cuộc sống bố mẹ anh vất vả nên với ông bà mức lương 10 triệu của con trai là cả niềm mơ ước.

Chặng đường khởi nghiệp ở quê hương với nghề truyền thống tưởng chừng như dễ dàng nhưng thực tế, Hùng phải đối mặt với nhiều thử thách.

Anh lặn lội đi khắp các tỉnh thành có nghề mây tre đan học hỏi. Nhiều nơi giấu nghề, anh không tiếp cận được các kỹ thuật đan khó, một số nơi từ chối dạy.

Khi vào Huế, Hùng lang thang nhiều ngày ở các xưởng sản xuất mây tre đan. Một cặp vợ chồng nghệ nhân thấy thanh niên trẻ tâm huyết với nghề đã quyết định nhận anh làm học trò.

Sáu tháng cần mẫn học hỏi, Hùng quay về quê, thuê nhà mở xưởng sản xuất quy mô nhỏ. Thời gian đầu anh tự làm rồi bán thử. Dần dần các sản phẩm của anh được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn.

Tất cả các mẫu mã anh Hùng tự lên ý tưởng, vẽ 3D, phối màu. Ngoài nguyên vật liệu truyền thống như cói tre, gỗ, mây, anh kết hợp chất liệu da, kèm các phụ kiện vỏ hến, sỏi, cát, hoa… tạo điểm nhấn cho túi.

{keywords}
Mẫu túi kết hợp từ tre và da bò.

Số lượng đơn tăng lên, anh tìm kiếm các xưởng vệ tinh trong vùng, đặt họ làm các bộ phận như nắp túi bằng da, dây đeo da, móc khóa…

“Các sản phẩm của tôi 70% là từ cói, mây, tre, 30% là da và kim loại. Da chủ yếu là da bò. Tuy nhiên, trong tương lai, tôi muốn các sản phẩm này hoàn toàn làm từ cây cỏ, thân thiện với môi trường”, anh nói tiếp.

Một trở ngại nữa, anh Hùng mắc phải là tâm lý sản xuất đại trà của các nghệ nhân, thợ đan lát. Họ quen và thích làm các sản phẩm đơn giản, tốn ít công. Khi anh đặt vấn đề sản xuất mặt hàng cao cấp, đòi hỏi công sức nhiều hơn, họ từ chối.

Để thuyết phục họ, anh phân tích tiềm năng của sản phẩm cao cấp cũng như thu nhập cho lao động. Những kỹ thuật cầu kỳ, anh nhiệt tình truyền thụ lại cho thợ. Cứ thế, mọi người dần ủng hộ, hỗ trợ anh sản xuất hàng.

Khởi nghiệp thành công, mua mảnh đất 1000m2

Sau 2 năm xuất hiện trên thị trường, sản phẩm túi xách của anh Hùng thu hút sự quan tâm của các tín đồ thời trang.

Giá thành sản phẩm dao động từ 800.000 đến 3 triệu đồng/chiếc. Hàng tháng anh tạo việc làm cho nhiều lao động trẻ tại địa phương với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

{keywords}
Sản phẩm "made in VietNam" có mặt tại Mỹ, Singapore, Trung Quốc...

Bên cạnh bán hàng qua các kênh mạng xã hội, ký gửi hàng hóa, Hùng tìm tòi hướng xuất khẩu ra nước ngoài.

“Một số người bên nước ngoài liên hệ, đặt tôi làm theo yêu cầu, sau đó gửi theo đường hàng không. Tôi nhận thấy tiềm năng của việc xuất khẩu nên quyết định thử sức”, Hùng tâm sự.

Giai đoạn 2018, việc mua sắm qua các trang thương mại tại Việt Nam bùng nổ. Hùng nắm bắt cơ hội, đăng ký và đưa sản phẩm thử lên trang Amazon.

Với trang thương mại này, anh phải đóng hàng gửi sang kho Amazon bên Mỹ, Trung Quốc. Việc tiếp cận thị trường nước ngoài không ngờ thắng lợi. Anh tiếp tục đưa qua các trang thương mại khác như: Esty, Ebay...

Sắp tới, anh Hùng dự định hợp tác với các thương hiệu thời trang trong nước và bán lẻ ở nước ngoài.

{keywords}
"Làm giàu từ nghề truyền thống không khó, quan trọng là tìm hướng đi đúng", Hùng nói.

Các sản phẩm túi đều được anh đăng ký bản quyền, định giá thương hiệu. Để nâng tầm sản phẩm, phân khúc dòng cao cấp anh làm thêm túi bọc, hộp đựng, thư cảm ơn và hướng dẫn sử dụng, bảo quản...

Chàng trai sinh năm 1993 cho biết thêm, anh sẽ triển khai phân khúc túi bình dân và tầm trung, để ai cũng có thể sở hữu được những túi xách đặc biệt này.

“Túi bình dân nhưng không có nghĩa là chất lượng kém. Nguyên liệu vẫn vậy nhưng kiểu dáng có thể đơn giản, ít chi tiết hơn. Túi từ mây có độ bền từ 30 năm - 50 năm, giá sẽ cao hơn túi từ bèo, cói...”, anh chia sẻ.

Ngày mới làm, anh cũng sử dụng bèo làm túi nhưng quá trình sơ chế, tẩm thuốc bảo quản, tẩy trắng, bèo dễ mủn và mỏng đi. Trong khi đó, mây, tre vẫn giữ được sự dẻo dai. Chính vì thế, anh không còn làm túi từ bèo nữa mà chỉ tập trung vào các nguyên liệu có độ bền cao, ít phải sử dụng hóa chất bảo quản.

“Đây là tính ưu việt mà tôi hướng đến - sản phẩm xanh, an toàn với môi trường”, Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất khoảng 300 chiếc túi. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc gửi hàng sang nước ngoài bị ảnh hưởng nhưng thị trường trong nước vẫn khởi sắc.

Sau thời gian khởi nghiệp, ông chủ trẻ đã mua được mảnh đất 1000m. Trong tương lai, anh sẽ xây nhà, làm xưởng và mở khu du lịch sinh thái nhỏ.

Đề án "Làm túi xách từ nguyên liệu truyền thống kết hợp chất da hiện đại" của Hùng đoạt giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa năm 2020" do Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức.

Trần Văn Hùng còn được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2020. 

 

Cô gái Việt khởi nghiệp từ nông sản, thành bà chủ ở Iran

Cô gái Việt khởi nghiệp từ nông sản, thành bà chủ ở Iran

Gần 3 năm khởi nghiệp với các mặt hàng nông sản Iran, 8X Việt trở thành bà chủ, mua được nhà và xe hơi. 

Thái Minh