Thay vì đến văn phòng làm việc vào 8h sáng, anh Đặng Minh Tuấn (32 tuổi, ở Hạ Long, Quảng Ninh) bắt đầu công việc tại nhà, trên chiếc xe lăn và thao tác liên tục trên 2 chiếc máy tính chỉ với một ngón tay duy nhất.

Cũng chỉ với 1 ngón tay này, anh đang làm 3 công việc cùng một lúc để nuôi sống bản thân và tạo những giá trị tích cực cho cộng đồng người khuyết tật.

Tai nạn ở tuổi 18

Bước ngoặt lớn nhất trong đời của anh Đặng Minh Tuấn bắt đầu vào ngày 21/6/2006. Trên đường đi học thêm về, xe máy của anh xảy ra va chạm với xe tải.

Cú va chạm khiến anh văng ra đường, bất tỉnh. Thấy nam sinh mất máu nhiều, không còn cử động, những người dân xung quanh đã dùng manh chiếu để đắp lên người.

{keywords}
Anh Tuấn làm việc trên 2 chiếc máy tính chỉ bằng một ngón tay.

Lúc đó, một người xe ôm lại gần bỏ manh chiếu để nhận dạng và bất ngờ thấy tay của Tuấn còn cử động.

Anh được chuyển lên cấp cứu tại một bệnh viện ở Hà Nội. Bác sĩ thông báo với gia đình: Tuấn bị tụ máu não, ba đốt sống cổ bị dập, nếu tiến hành phẫu thuật hy vọng sống của anh cũng chỉ có 5%.

Anh cũng có nguy cơ sống thực vật suốt phần đời còn lại.

Nước mắt đã rơi rất nhiều trên gương mặt người mẹ của Tuấn, dù còn 1% hi vọng, bà cũng gật đầu để bác sĩ tìm lại sự sống cho anh.

Ca mổ kéo dài từ 7h sáng đến 5h chiều và hơn 20 ngày sau, anh mới tỉnh lại.

Vì khó khăn về chi phí chữa trị, gia đình quyết định cho anh về Quảng Ninh để tiếp tục điều trị. Nhưng tất cả mới chỉ bắt đầu. Suốt hơn 10 năm sau cuộc phẫu thuật đó, anh phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật khác để có thể nói, vận động và tìm lại sự sống…

Bài tập cầm chiếc túi nilon

“Khi trở về nhà, tôi sốc. Từ con người khỏe mạnh (nặng 65 kg) yêu đời, đam mê rap và hip hop nay tôi nằm bất động trên giường với cơ thể 37 kg. Không thể cử động, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh… tôi đều phải phụ thuộc vào người thân.

{keywords}
Công việc của anh là chăm sóc các học viên cho một công ty truyền thông lớn ở Hà Nội.

Khi bạn bè đến thăm, tôi rất vui. Nhưng khi họ về, đối mặt với chính mình, tôi khóc rất nhiều”, anh nhớ lại.

Anh thương bố mẹ - những người vừa đi làm để trả nợ tiền chữa trị cho con, lại phải hằng ngày chăm sóc người con trai cả vốn là nguồn hi vọng lớn nhất của gia đình.

Nhiều năm sau này, số tiền vay để chữa trị cho con trai lên tới 2 tỷ đồng, buộc bố mẹ anh phải bán căn nhà họ gắn bó suốt hàng chục năm và chuyển về một căn nhà khác nhỏ hơn.

Sốc và tuyệt vọng nhưng một lần xem truyền hình, phóng sự về tấm gương “hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng” đã thay đổi suy nghĩ của Đặng Minh Tuấn.

“Chàng trai ấy sinh ra với cơ thể không lành lặn nhưng vẫn cố gắng để vươn lên khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Không lẽ mình nằm một chỗ cả đời như thế này sao? Và tôi bắt đầu suy nghĩ về cách để 'đứng dậy'”, anh nhớ lại.

{keywords}
Anh có niềm đam mê lớn với âm nhạc và thừa nhận "âm nhạc đã giúp tôi vượt qua nhiều thời điểm khó khăn trong đời".

Anh Tuấn bắt đầu luyện tập vận động bằng những việc nhỏ nhất: cầm túi bóng. Việc tưởng như rất bình thường với người khác nhưng với người có 10 ngón tay không thể cử động như anh lại là một thử thách.

Hơn 1 tháng luyện tập với sự trợ giúp của người em gái, anh mới với tay lấy được chiếc túi bóng. Anh tiếp tục mất 1 tháng với chiếc cốc nhựa, 2 tháng để cầm được chiếc vỏ chai…

“Thời gian để luyện tập từng việc nhỏ đối với tôi đều phải tính bằng tháng. Nhưng chính ngày tháng đó đã rèn cho tôi tính kiên trì, nỗ lực để được như hôm nay”.

Tháng lương đầu tiên

Chiếc máy tính đầu tiên của anh là một chiếc máy cũ trị giá 2,5 triệu đồng được bố mẹ tặng. Chưa thể ngồi được, anh đành đặt bàn phím lên bụng và tập gõ với những ngón tay không thể cử động.

{keywords}
Đặng Minh Tuấn tự sáng tác và tự phối nhạc những bài hát như: Anh sẽ quên; Cháy trong tôi; Nối trọn yêu thương…

“Hơn 1 tháng, tôi mới di chuột, ấn chuột. Tôi vào google, gõ chữ “tin tức” cũng phải mất 2 tiếng nhưng hạnh phúc vô cùng. Tôi khoe với cả nhà như đứa trẻ khoe mẹ điểm 10”, anh cười nhớ lại.

Chàng trai mê hip hop bắt đầu tìm cách cài đặt các phần mềm thu âm bài hát, ghi đĩa cho khách hàng. Họ gửi anh số tiền vài chục nghìn đồng để cảm ơn. Dù không quá nhiều, nhưng cầm những đồng tiền đầu tiên, anh vô cùng hào hứng.

Anh bắt đầu nghĩ đến việc lao động, tạo ra đồng tiền một cách bền vững hơn.

Năm 2016, anh học và bắt tay sản xuất video trên Youtube, tuy nhiên lượng truy cập không cao. Anh trao đổi với CEO của một công ty truyền thông, bày tỏ muốn học cách để tăng người xem trên kênh Youtube.

Sau cuộc nói chuyện, vị CEO này đã đưa ra một đề nghị. Đặng Minh Tuấn trở thành trợ lý ở công ty trên chỉ sau đó vài ngày.

{keywords}
"Gia đình là điểm tựa lớn nhất đối với bất cứ ai. Tôi không biết nói gì với bố mẹ ngoài lời cảm ơn" - Đặng Minh Tuấn.

“Lần đầu tiên trong đời có được một công việc, tôi hồi hộp đến mức không ngủ nổi. Bố giúp tôi dậy sớm để bắt đầu ngồi vào bàn làm việc khi đồng hồ điểm 8h sáng. Một chút khó khăn vì tất cả đều mới mẻ và chưa qua trường lớp đào tạo nhưng tôi vẫn kiên trì nắm lấy cơ hội”, anh chia sẻ.

20/10/2016 là ngày khó quên nhất trong đời anh. Chàng trai bị liệt tứ chi, phải ngồi xe lăn và chỉ làm việc bằng 1 ngón tay cái đã nhận được tháng lương đầu tiên. Anh bật khóc, đem món quà này tặng bố mẹ.

Không chỉ vậy, anh áp dụng các kiến thức học được để giúp bố bán xe máy trên Facebook, Youtube. “Trước đó, bố tôi có bán xe máy nhưng vị trí cửa hàng không đẹp nên chưa nhiều người mua. Tháng đầu tiên, tôi chỉ đặt chỉ tiêu bán được 2 chiếc, không ngờ 17 chiếc xe đã được khách mua”.

Thu nhập từ công việc ở công ty, việc bán xe máy giúp bố và làm Youtube giúp chàng trai sinh năm 1988 kiếm ra tiền nuôi bản thân, hỗ trợ trả nợ cho gia đình và báo hiếu bố mẹ.

{keywords}
Anh lập kênh Youtube riêng dành cho người khuyết tật với mong muốn truyền cảm hứng, niềm tin cho những người như anh.

Không chỉ vậy, Đặng Minh Tuấn còn muốn làm một điều gì đó ý nghĩa hơn cho những người có hoàn cảnh như anh.

Anh bắt đầu quay các video hướng dẫn người khuyết tật thực hiện các thao tác phục vụ bản thân, hướng dẫn cách sử dụng máy tính…

“Không có khả năng tự đi lại, vẫn phải dùng ống thở và quan trọng tôi biết, sự sống của mình khó có thể kéo dài nên tôi muốn, nếu còn được sống, tôi có thể làm gì đó có ích cho cộng đồng.

Tôi muốn truyền cảm hứng đến những người khuyết tật, để giúp họ vượt qua khó khăn như tôi đã từng”, anh nói.

Triệu phú tự thân tiết lộ 4 điều hối tiếc ở tuổi 20

Triệu phú tự thân tiết lộ 4 điều hối tiếc ở tuổi 20

Ở tuổi 62, triệu phú tự thân Grant Cardone – CEO của 7 công ty đã nhìn lại những gì mình bỏ phí khi còn trẻ.  

Ngọc Trang