Ngành Công nghệ thông tin với Chúng lúc ấy chỉ đơn giản là “có liên quan tới máy tính”, tới những trò game mà em từng được chơi. Chúng biết rằng, những bức ảnh đẹp long lanh em nhìn thấy trên mạng là nhờ những phần mềm thiết kế, chỉnh sửa. Em cũng muốn làm được như thế.
Khi ấy, tiếng Anh, công nghệ, thậm chí cả tiếng Kinh với em đều là những thứ vẫn còn bập bõm.
Nhưng 2 năm sau, Cư Chúng vinh dự trở thành một trong 130 học sinh, sinh tiêu biểu xuất sắc năm 2020 đại diện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được vinh danh trên toàn quốc. Chúng có được vinh dự đó là nhờ thành tích giải 3 kỳ thi kỹ năng nghề cấp Bộ năm 2020 với nghề Quản trị mạng.
Năm nay, Cư Chúng đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ.
Cư Chúng (SN 2000, ở giữa) cùng với các bạn trong đội tuyển thi kỳ năng nghề cấp Bộ. Ảnh: NVCC |
Chúng tâm sự, hồi phổ thông em chỉ là học sinh trung bình – khá, thích học môn Toán và Vật lý. “Em thích cả môn Văn mặc dù em không giỏi Văn. Em tự thấy vốn tiếng Việt của mình còn kém, nên muốn học Văn để biết thêm những từ hay”.
Ngày học phổ thông, Chúng học nội trú. Trường cách nhà hơn 20km nên mỗi tháng em chỉ về nhà 1 lần để tập trung cho việc học.
Bố mẹ làm nông nhưng đều quyết tâm cho em học đến bậc học cao nhất có thể. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại ở tít trên núi, nhưng chị em và em đều được học hành đến nơi đến chốn. Cũng chính vì thế mà bằng mọi giá Chúng phải học tập thật tốt.
Tốt nghiệp Trường THCS và THPT Nội trú huyện Mường Khương, Chúng xuống Hà Nội nhập học với vốn tiếng Việt “đủ dùng”. Thời gian đầu, việc hạn chế về ngôn ngữ cũng khiến em chật vật với những kiến thức mới. Với môn tiếng Anh, nếu như các bạn học được 1 bài thì em chỉ tiếp thu được một phần nhỏ trong số đó. “Bí quyết của em là chăm chỉ và tự học, tự tìm tòi thêm kiến thức ở trên mạng”. Nhờ thế mà kết quả học tập của Chúng rất đáng nể - điểm tổng kết năm học 2019 là 3,8/4,0.
Khi được hỏi một ngày dành bao nhiêu thời gian với máy tính, Chúng bảo, em chỉ sử dụng máy tính cho việc học tập, còn giải trí thì gần như không. “Trước kia, em có dùng nhiều Facebook, nhưng sau em thấy dùng nhiều mạng xã hội quá thì thành ra lười đi. Nhiều lúc mải mê, em còn không nghe thấy cả người khác gọi. Từ đó, em bỏ dần”.
Nhận xét về Cư Chúng, thầy Bùi Danh Hiếu – trưởng khoa Công nghệ thông tin, người trực tiếp dạy Chúng nhiều môn học – cho biết: “Chúng là một học sinh dân tộc thiểu số có ý chí và nỗ lực lớn. Điều mà tôi ấn tượng nhất ở em là sự chăm chỉ cả trong học tập lẫn cuộc sống”.
“Tôi còn nhớ, trong thời gian trường phải học online vì Covid-19, lúc đó em đang ở quê và có gọi điện cho tôi bảo là em phải lên tận trên đồi mới có sóng để kết nối. Gia đình em ở miền núi, hoàn cảnh cũng rất khó khăn nên ngoài việc học, em cũng cố gắng đi làm thêm, từ phục vụ bàn cho tới rửa bát, phục vụ ở quán hát…”
Thầy Hiếu cho rằng, những sinh viên người dân tộc thiểu số như Chúng, khi lên Hà Nội học, thường không tránh khỏi những tự ti, mặc cảm. Nhưng Chúng đã vượt qua được những rào cản đó để khẳng định năng lực của bản thân. “Chúng tôi chọn em vào đội tuyển đi thi tay nghề cũng vì những tố chất đó của em”.
Nơi lao động nghề là người hùng của đất nước
“Vào thời điểm đó, các thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề thế giới là những vị anh hùng đối với sự phát triển của đất nước chúng tôi… Người dân Seoul đổ ra đường chào đón họ”.
Linh Chi