Giàng A Sử, hiện 19 tuổi, người dân tộc H'Mông, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Cuối năm 2018, em xuống Hà Nội làm thợ nhôm kính, tháng được 5 triệu đồng tiền lương. Để kiếm thêm thu nhập, em làm thêm nghề giao hàng vào buổi tối và các ngày nghỉ.

Khuya ngày 20/12, trời Hà Nội rét căm căm. Trên đường đi làm, A Sử nhìn thấy một chiếc ví ai đó đánh rơi nên dừng xe nhặt. ‘Em nghĩ, người mất sẽ quay lại tìm chiếc ví nên đứng chờ họ một lúc’, Sử kể lại.

{keywords}
Chiếc xe máy cũ, rách yên của Giàng A Sử. Ảnh: Vũ Trung Hiếu.

Chờ mãi không thấy người mất ví quay lại, Sử mang chiếc ví về phòng trọ ở quận Hà Đông, Hà Nội, tìm cách liên lạc với chủ nhân chiếc ví. ‘Trong ví có đầy đủ giấy tờ, thẻ ATM mang tên Vũ Trung Hiếu và hơn 10 triệu đồng. Em lên mạng tìm tên Vũ Trung Hiếu mà nó ra nhiều kết quả lắm. Em không biết ai là người mất nên quyết định gọi cho ngân hàng và đăng tin mình nhặt được ví, hi vọng người mất đọc được’, Sử kể với VietNamNet.

Người mất chiếc ví là anh Vũ Trung Hiếu, 24 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Sử gọi cho người mất xác minh rồi chạy chiếc xe máy cũ, rách yên giữa trời mưa lạnh sang quận Tây Hồ trả lại.

‘Số tiền trong ví bằng hai tháng lương đi làm của em. Nhưng em nghĩ, ai mất của cũng tiếc lắm, nhất là trong chiếc ví có rất nhiều giấy tờ’, Sử nói về lý do trả lại đồ nhặt được.

{keywords}
Sử cho biết, khi trả lại ví, Sử được anh Hiếu gửi tiền cảm ơn nhưng em không nhận. Em nói: 'Số tiền đó không phải do em làm ra'. Ảnh: Vũ Trung Hiếu.

Anh Hiếu cho biết, khi đánh rơi chiếc ví, anh nghĩ là sẽ mất luôn, dù anh đã đăng thông tin tìm kiếm. Nhận lại chiếc ví từ Sử, anh hạnh phúc, cảm thấy nghẹn lòng khi nghĩ về chàng trai người dân tộc Mông. Sau đó, Hiếu đăng câu chuyện mình được trả ví lên mạng xã hội.

Anh viết: ‘Em trả lại mình ví và toàn bộ tài sản giấy tờ, mình có gửi em chút quà nhưng em từ chối. Em nói: ‘Em có lấy 50 ngàn đồng đổ xăng, vì xe em hết xăng, còn lại, em không lấy gì đâu. Anh kiểm tra lại xem có đầy đủ giấy tờ không nhé. Nếu thiếu gì, anh gọi cho em nhé’. Mình chỉ biết lặng im rồi nói ba chữ: ‘Cảm ơn em’.

Mình thấy em ăn mặc rất phong phanh, ngồi run vì lạnh nên hỏi thì biết, em chưa ăn gì. Mình mời em đi ăn phở. Em nói: ‘Phở ăn thì được anh ạ, chứ tiền em không lấy’.

‘Đâu đó ngoài xã hội vẫn còn những người họ tuy nghèo về vật chất nhưng giàu có ở tấm lòng. Xin cảm ơn em. Hạnh phúc là nhận được lòng tốt của người khác. Cho yêu thương để nhận lại yêu thương’, anh Hiếu nói.

Còn A Sử lại thấy vui khi mình làm được một việc tốt. Cậu cho biết, khi trả lại chiếc ví, được anh Hiếu cảm ơn bằng tiền, nhưng em không nhận. ‘Đó không phải là tiền em làm ra. Ngày cuối năm, em không muốn người khác lại buồn vì mất hết giấy tờ’, Sử nói.

Cầm 200 đô sang Hàn, mẹ đơn thân vừa học tiến sĩ vừa nuôi con

Cầm 200 đô sang Hàn, mẹ đơn thân vừa học tiến sĩ vừa nuôi con

 Là nghiên cứu sinh, làm mẹ đơn thân, lại vừa được bầu chọn là ‘Công dân danh dự của thành phố Seoul’, Minh Phương cùng lúc thực hiện nhiều vai trò khác nhau.   

Tú Anh