Nguyễn Anh Sơn (sinh năm 1998) là cựu học sinh chuyên Nga, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). Những năm cấp 3, Sơn từng có dự định theo học các ngành kỹ thuật tại Nga, nhưng vì nhận thấy bản thân phù hợp với công việc kinh doanh hơn nên đã chuyển hướng sang du học Mỹ.
Ngoài ra, quyết định này một phần xuất phát từ “truyền thống” gia đình. Bố mẹ của Sơn vốn là cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội. Cả hai đang sở hữu một công ty xây dựng riêng. Chính bố mẹ đã trở thành những “người truyền lửa” giúp Sơn quyết tâm theo đuổi con đường này.
Anh Sơn sau đó chọn theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Charleston (Mỹ). Theo Sơn, những năm tháng học tập ở đây đã giúp anh xây dựng nền tảng vững chắc trong việc quản lý, quản trị. Chàng trai Việt chỉ mất khoảng hơn 3 năm để hoàn thành khóa học này.
Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy “ngày càng nhiều cơ hội ở Việt Nam hơn thay vì ở lại Mỹ làm việc”, Sơn quyết định quay về nước, thành lập công ty riêng chuyên sản xuất và thi công nhôm thanh, cửa cuốn. Khởi nghiệp trong lĩnh vực vốn toàn “cá mập”, Sơn cho rằng bản thân may mắn khi có cả bố và mẹ là những người đi trước luôn sẵn sàng hỗ trợ, hậu thuẫn dù không ít lần anh mắc phải sai lầm.
“Có đến 20 - 30% khách hàng đầu tiên của tôi là do bố mẹ giới thiệu. Là “cá nhỏ” đi ra bơi một mình sẽ rất khó sống”, Sơn thẳng thắn nhìn nhận.
Nhưng thay vì phụ thuộc, trong hơn 4 năm với vai trò giám đốc điều hành, Sơn liên tục tìm tòi hướng đi mới, mở rộng tệp khách hàng. Nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót trong việc quản lý và định hướng phát triển công ty, 9X quyết định học thêm chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) để bổ sung những kiến thức thiếu hụt.
Lần này, Sơn mong muốn được theo học tại Trung Quốc, trong đó ĐH Thanh Hoa - ngôi trường hàng đầu châu Á - được Sơn đánh giá “là sự lựa chọn tốt nhất”.
Chương trình MBA của ĐH Thanh Hoa yêu cầu ứng viên phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm bên cạnh việc thể hiện những phẩm chất đặc biệt, định hướng tương lai và sự phù hợp với chương trình. Chàng trai sinh năm 1998 có 6 tháng chuẩn bị hồ sơ như bài thi GMAT, bài luận và thư giới thiệu.
Trong bài luận, Sơn viết về những trải nghiệm của bản thân khi vận hành một công ty riêng ở độ tuổi còn rất trẻ. Ngoài ra, Sơn cũng chỉ ra các mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Mỹ trong thương mại và nhận định về sự phát triển xuất nhập khẩu, đầu tư tại Việt Nam.
Dẫu vậy, điều khiến Sơn tự tin là mình đã làm tốt là ở vòng phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn với các giáo sư đầu ngành của ĐH Thanh Hoa và các chuyên gia chỉ vỏn vẹn 10 phút, nhưng ứng viên sẽ phải trả lời hàng chục câu hỏi.
“Các câu hỏi rất dồn dập, vừa để xác định tính chân thực, vừa thử thách khả năng chịu áp lực của ứng viên, chẳng hạn các thông tin về công ty như doanh thu, chi phí triển khai, số lượng nhân viên, phương pháp quản lý, định hướng tương lai... Nếu mình không làm thật và nắm vững số liệu trong tay, các giáo sư có thể dễ dàng đánh giá độ xác thực của hồ sơ”, Sơn nói.
Việc trải qua quá trình tuyển dụng nhân sự trong 4 năm qua cũng giúp Sơn hiểu rõ mục đích của các cuộc phỏng vấn. Vì thế 9X trả lời trung thực mọi câu hỏi, từ việc rút về ban cố vấn công ty và đưa một quản lý tin cậy lên làm CEO trong 2 năm đi học MBA, đến việc bố mẹ đã trợ giúp ra sao trong thời gian đầu khởi nghiệp.
Nhờ vậy, Sơn đã trúng tuyển vào chương trình MBA với học bổng 50% học phí. Anh cũng trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học chương trình MBA toàn cầu tại ĐH Thanh Hoa.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sơn đã có 4 tháng học tập tại đây. Quãng thời gian này được Sơn đánh giá “rất giá trị nhưng cũng cực kỳ thử thách”.
“Bạn học của tôi đều là những người đã khởi nghiệp hoặc quản lý tại các tập đoàn hàng đầu thế giới. Thanh Hoa cũng giúp tôi có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư đến các công ty lớn của Trung Quốc hay nhiều CEO nổi tiếng châu Á và thế giới”, Sơn nói.
Ngoài công ty hiện tại, Sơn đã mở thêm một công ty chuyên tư vấn xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Chàng trai Việt đặt mục tiêu phát triển các giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.