Anh Lê Minh Cảnh (35 tuổi, trú xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu câu chuyện của mình những ngày tháng trong quân ngũ. Thời điểm 2008, 20 tuổi anh là chiến sĩ bộ đội, phục vụ tại đội hậu cần.
“Những lần tôi đứng bếp trong quân đội giúp tôi rèn được kỹ năng nấu ăn làm hài lòng số đông. Bản thân luôn tìm tòi để mỗi bữa ăn đồng đội được thưởng thức những món mới, lạ. Khi đồng đội ăn ngon miệng khiến công việc hậu cần cũng vui…”, anh Cảnh nói.
Sau 14 năm trong quân ngũ, đam mê về những tour du lịch tại rừng dừa bảy mẫu (xã Cẩm Thanh) trỗi dậy, anh quyết định viết đơn phục viên, trở về quê bắt đầu theo đuổi mong ước của mình.
Trở về quê hương, anh luyện tập và trở thành hướng dẫn viên du lịch, dẫn khách đến các tour trong rừng dừa. Công việc dần ổn định, mục tiêu trọng tâm của anh bắt đầu nhen nhóm - việc tìm tòi, học hỏi chế tác ra món mì quảng riêng có cho bản thân.
Anh Cảnh tiếp lời: “Cuối năm 2022, tôi mày mò bát mì quảng để tìm vị đặc sắc của nó. Ban đầu rất khó vì mì quảng như “hồn cốt” đất Quảng Nam, để chế biến, làm mới thực sự đi vào ngõ cụt.
Ngồi một hồi, tôi sực nhớ đến làng gốm, từ đó tự hỏi sao mình không làm mì quảng niêu”.
Tô mì quảng niêu độc lạ
Đến làng gốm Thanh Hà tại TP Hội An, anh “tậu” cho mình một niêu để thử nghiệm, khó khăn bắt đầu khi gốm tại đây ngấm nước và không nấu được. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục hỏi những “cao nhân” trong làng. Từ những tư vấn của nhiều người, niêu đất nung của anh được phủ lớp dầu, cùng với những “thủ thuật” của nghệ nhân đã cho ra sản phẩm không thấm, chảy.
“Niêu đất có điều đặc biệt, càng nấu càng thấm, vị càng ngon. Nước nhưn gồm thịt, trứng, tôm tạo nên một nét độc đáo riêng chính người làm ra”, anh Cảnh chia sẻ.
Khó khăn lớn nhất được cởi bỏ, anh thanh niên cắp balo lên đường tìm sợi mì trong tô mì. Nghe rằng xứ Phú Chiêm (làng Phú Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có sợi mì bán từ đầu thế kỷ XX. Mì này cũng nức tiếng ở tỉnh, nó được tráng từ gạo Xiệc - loại gạo chỉ được trồng trên những cánh đồng chiêm trũng quanh năm ngậm phù sa sông Thu Bồn tại Điện Bàn.
Lá mì được tráng bằng tay, sau đó cắt thành sợi tạo được độ mềm và dẻo.“Mọi thứ hầu như đã hoàn thành, tôi tiếp tục tìm đến những phụ gia khác tạo nên bát mì. Để tô mì thực sự ngon, đậm đà và đủ bản sắc văn hóa, tôi tìm đến làng rau Trà Quế nổi tiếng trong vùng. Rau ở đây xanh, ngon, có tiếng từ những giếng cổ là nguồn nước chính giúp sản phẩm nhiều người ưa chuộng”.
Nhờ những đặc sản đó, cộng thêm đôi tay của “đầu bếp” trong quân đội, anh Cảnh cho ra đời tô mì quảng niêu độc lạ gây thương nhớ cho không ít du khách thập phương...
Đến nay, sau hơn 3 tháng hoạt động,quán mì quảng niêu bắt đầu có nguồn thu ổn định với trung bình 30 triệu đồng/tháng.
“Nhiều du khách thích mì quảng niêu đã bay từ TP.HCM ra đến thưởng thức. Có hôm 20h tối, vừa xuống sân bay Đà Nẵng khách gọi điện đặt suất ăn…Dù quán đã đóng cửa nhưng du khách hào hứng nên tôi vào bếp cũng thấy vui…”, anh Cảnh hồ hởi.
Từ lời khen, góp ý, đến nay "thương hiệu" mì quảng niêu của anh đã bắt đầu…bay xa. Anh Cảnh nói, đây là động lực để mang món ăn - đặc sản xứ Quảng đến với du khách cả nước.