Chiều 5/1, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa ghép xương chày thành công cho anh H.V.K (33 tuổi, quê Quảng Nam) bằng kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Anh K. tập đi lại bằng nạng sau 4 ngày ghép xương chày
Vào tháng 3/2019, anh K. phát hiện xương chày trái có khối u to dần, gây hạn chế vận động khớp gối nên đến bệnh viện khám. Các bác sĩ xác định anh bị ung thư xương, phải hóa trị.
Từ tháng 3 tới tháng 7/2019, anh K. trải qua 6 đợt hóa trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt rộng bướu, để lại chiều dài khuyết hổng đầu trên xương chày 11 cm.
Nhận thấy bệnh nhân còn trẻ, các bác sĩ tại bệnh viện đã phối hợp với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc) làm mảnh ghép in 3D bằng hợp kim titan dạng tổ ong để ghép cho anh K.
Mảnh ghép này được thiết kế mô phỏng chân lành của bệnh nhân, sau đó đưa về Việt Nam ghép cho anh K.
Trong khi chờ ghép xương theo phương pháp mới, các bác sĩ đã đặt spacer xi-măng kháng sinh và đặt khung cố định ngoài qua gối tạm thời cho người bệnh.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, gần đây, mảnh ghép trị giá 2.500 AUD (44,5 triệu đồng) mới chuyển về Việt Nam. Anh K. được tài trợ hoàn toàn do hoàn cảnh khó khăn.
Bốn ngày sau ca mổ, anh K. dùng nạng hỗ trợ để tập đi. Dự kiến, anh có thể đi lại bình thường. Tuy nhiên, do khớp gối bị cắt nên bệnh nhân sẽ không phục hồi vận động được khớp gối.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ, đây là lần đầu tiên mảnh ghép titan 3D dạng tổ ong được ứng dụng ở chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
Mảnh ghép titan 3D đã được ứng dụng ở Việt Nam nhưng chỉ mới ở vùng răng hàm mặt. Ý tưởng mảnh ghép titan 3D điều trị các khuyết hổng lớn xương tứ chi được bệnh viện triển khai thực nghiệm trên thỏ từ tháng 5/2018.
Đến tháng 8/2019, bệnh viện chuẩn bị ứng dụng trên người. Anh K. là bệnh nhân đầu tiên tình nguyện thực hiện ứng dụng và mảnh ghép 3D được tạo ra vừa vặn với vùng xương mất.
Giải thích về kỹ thuật này, bác sĩ Đỗ Phước Hùng, Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình, Trưởng bộ môn Chấn thương chỉnh hình ĐH Y dược TP.HCM, cho biết, với kỹ thuật kinh điển, sau khi bị cắt gọt xương chân phía dưới, các bác sĩ sẽ cắt một phần xương đùi trên chuyển xuống khiến trục của xương chi bệnh nhân thay đổi, đi lại khó khăn.
“Do vết mổ rộng, đụng tới xương nên dễ xảy ra nguy cơ chảy máu khó cầm. Đồng thời, ca mổ kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng chắc chắn sẽ cao, nhiều bất lợi với bệnh nhân trẻ tuổi, còn khả năng lao động", bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, titan là kim loại được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép cấy vào người vì không gây dị ứng, có tính hòa hợp mô tốt nhất trong các kim loại.
Bên cạnh đó, thiết kế mảnh ghép 3D titan tổ ong cho phép mảnh ghép rất nhẹ, chỉ 128g so với việc dùng khối kim loại đặc.
“Mảnh ghép này có những lỗ tổ ong còn dẫn dụ tế bào xương đi vào sinh sôi nảy nở, làm tổ bền vững theo thời gian, mảnh ghép trở thành vật thể của chính bệnh nhân và không bị thải loại ra ngoài. Trái lại, nếu chỉ dùng vật liệu kim loại đơn thuần, sau một thời gian, bệnh nhân sẽ mỏi, không có kim loại nào bền vững”, bác sĩ Hùng phân tích.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã ký kết hợp tác với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc) để tiếp tục ứng dụng phương pháp này.
Liên Anh
Bệnh viện Việt Đức lập nhiều kỷ lục ghép tạng trong năm 2020
Bệnh viện lập kỷ lục khi ghép thành công 23 tạng trong 13 ngày, cũng là cơ sở y tế đầu tiên trên cả nước cán mốc 1.000 ca ghép thận.