Cho vợ ở cữ nhà ngoại 5 năm
Chị Lương Thy Hương (SN 1989, quê Đắk Lắk) sống ở Hà Nội cùng chồng và 3 con nhỏ. Lúc trước, chị chưa bao giờ có ý định lấy chồng xa. Thế nhưng, duyên số đã đưa chị đến bên anh Nguyễn Văn Hoàn (SN 1981, Hà Nội).
Chị Hương từng lo lắng lấy chồng xa không thể phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, anh Hoàn đã giúp chị báo hiếu, chu toàn mọi việc bên nhà vợ.
Dù có việc ổn định ở Đắk Lắk và nhiều lần tan hợp nhưng cuối cùng, chị Hương vẫn quyết định xây dựng gia đình với anh Hoàn. Một trong những lý do lớn khiến chị thay đổi quan niệm, chấp nhận lấy chồng xa chính là sự chân thành của anh.
Tháng 1/2015, anh Hoàn về thăm nhà bạn gái đúng dịp thu hoạch hồ tiêu. Cả nhà vào vườn, anh cũng đi theo. Chị Hương lo người yêu không đủ sức hái hồ tiêu. Tuy nhiên, anh hăng hái làm việc, chấp nhận phơi mình dưới cái nắng cao nguyên.
Anh Hoàn ở nhà bạn gái đúng một tuần thì xin phép trở về Hà Nội. Lúc tạm biệt, anh bất ngờ ôm mẹ bạn gái và nói: “Cô ơi, con về đây. Mai mốt con lại vào chơi”.
Hành động của anh khiến mẹ bạn gái xúc động khóc theo. Khoảnh khắc đó giúp chị Hương nhận ra, người đàn ông này thực sự thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương bố mẹ mình.
Gần 10 năm sống chung, trải qua bao khó khăn, chị Hương càng thêm chắc chắn về lựa chọn năm xưa.
Lúc chị sinh con đầu lòng, anh đưa vợ về Đắk Lắk nghỉ thai sản. Sau đó, anh quyết định ở lại quê vợ lập nghiệp. Biết vợ chồng chị về sống với bố mẹ, nhiều người bàn ra nói vào, suy đoán hai người gặp trục trặc trong công việc.
Anh Hoàn thương vợ con và nghĩ cho gia đình, bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, gièm pha.
Bố chị Hương thương con nhưng nóng tính, bộc trực. Bị người quen hỏi những câu như: "Con rể ông tưởng làm giám đốc ở Hà Nội nay lại về buôn à?", ông không tránh khỏi chạnh lòng, buồn bực ra mặt với con gái và con rể.
Chị Hương là con gái nhiều khi còn không nhịn nổi, nhưng chồng chị thì khác.
Anh Hoàn nhịn rất giỏi. Anh chẳng bao giờ lời qua tiếng lại với bố. Anh còn bảo với chị: “Tính bố nóng nảy, ruột để ngoài da. Em cứ để bố nói cho giải toả bức xúc, mai ông lại bình thường ấy mà".
Tự tay xây nhà cho bố mẹ vợ
Anh Hoàn từng quản lý nhà máy có hơn 1.000 nhân công ở Hà Nội. Nhưng, khi về Đắk Lắk, cơ hội việc làm đúng chuyên môn rất ít. Thế nên, vợ chồng bàn nhau mở quán cà phê, trà sữa. Anh tự tay đóng bàn ghế, quầy kệ, thiết kế thực đơn…
Dù hoàn cảnh thiếu thốn, nhưng anh Hoàn luôn chủ động chăm lo cho bố mẹ vợ. Thậm chí, khi chỉ còn 5 - 6 triệu đồng tiền tiết kiệm, anh vẫn hào sảng lấy ra làm mái hiên cho nhà vợ.
Thời điểm quán kinh doanh ổn định, chị Hương dự định ra ở riêng nhưng anh không đồng ý.
Anh bảo với vợ: “Mình ở riêng cũng được nhưng bây giờ bố mẹ có tuổi, ăn uống tằn tiện. Anh lo mình ra ngoài sống ăn cơm thịt cá còn bố mẹ cơm nước qua loa. Vậy nên, vợ chồng mình cứ sống chung, có gì còn lo cho ông bà”.
Làm được đồng nào, anh Hoàn đều nghĩ cho bố mẹ vợ trước. Anh sắm sửa đủ thứ, từ tivi, tủ lạnh cho đến bình lọc nước.
Chị Hương tự hào: “Chồng thường xuyên mua quà, món ăn ngon, biếu tiền… cho bố mẹ tôi. Anh biết bố vợ thích ăn mì Quảng. Cho nên mỗi lần ra TP Buôn Ma Thuột, anh đều mua về cho bố mẹ tôi.
Lễ, Tết, sinh nhật, anh đều nhớ và mua quà. Lúc khó khăn, anh còn tự trồng hoa tặng cho người thân”.
Năm 2020, vợ chồng chị Hương về lại Hà Nội để chăm sóc mẹ chồng. Đến tháng 7/2021, gia đình chị lại về Đắk Lắk nghỉ hè. Lúc này, chị Hương đang mang thai bé thứ ba.
Hết hè, vợ chồng chị chuẩn bị về Hà Nội thì đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, không có chuyến bay. Dịp này, anh Hoàn thấy nhà bố mẹ vợ đã cũ nát nên bàn với chị Hương sửa lại. Dù bỏ tiền ra sửa chữa nhưng anh rất tôn trọng bề trên.
Anh trình bày trong bữa cơm: “Con nghe Hương nói bố mẹ muốn sửa lại mái nhà. Con xin phép bố mẹ cho vợ chồng con sửa. Bố mẹ đồng ý, con mới làm”.
Bố chị Hương đồng ý nhưng lo ngại tốn kém. Khi nghe con rể nói có tiền dự trù, ông vui vẻ đi nhắn tin khoe với con trai.
Sau này, chị Hương mới biết chồng không định sửa nhà, mà là đập đi xây mới. Cuối cùng, căn nhà mới có 4 phòng ngủ và 1 phòng bếp thật rộng hoàn thành. Ngôi nhà do chính anh Hoàn vừa học vừa làm, còn bố vợ phụ trộn vữa.
Xây xong nhà, dịch bệnh tạm ổn, vợ chồng chị Hương về Hà Nội. 5 tháng sau, anh Hoàn cho thợ làm nội thất, chuyển vào Đắk Lắk tặng bố mẹ vợ.
“Chi phí xây nhà do vợ chồng tôi lo hết, bố mẹ không phải lo nghĩ gì cả. Chồng tôi vừa có công xây nhà, vừa lo cả tiền. Tính hết chi phí, bao gồm cả nội thất chắc phải hơn 1 tỷ đồng”, chị Hương cho biết.
Thời điểm anh Hoàn xây nhà, chị Hương đang ở cữ em bé thứ ba. Sáng thức dậy, anh tranh thủ nấu sẵn cơm và thức ăn cho vợ. Anh dặn vợ bao giờ đói thì lấy ra ăn, còn mình phải đi xây nhà.
Dù không nói ra nhưng bố mẹ chị Hương rất tự hào về vợ chồng con gái. Nếu có ai hỏi, ông bà đều nói: “Vợ chồng tôi có làm gì đâu. Vợ chồng Hương, Hoàn làm hết đấy. Chúng tôi chẳng bỏ ra một nghìn nào, toàn vợ chồng nó bỏ tiền, bỏ công”.
Thăm nhà vợ qua camera
Từ khi về hẳn Hà Nội, chị Hương bận bịu con cái, công việc, có lúc quên hỏi han bố mẹ. Ấy vậy, anh Hoàn bận trăm công ngàn việc vẫn không quên xem camera, gọi điện thoại thăm hỏi bố mẹ vợ.
Chị Hương tâm sự: “Chồng tôi nhiều lúc nhớ bố mẹ tôi còn nhiều hơn vợ. Anh thường xem camera ở nhà để biết bố mẹ đang làm gì, ăn cơm có ngon không.
Mấy lần, thấy bố ngồi ăn cơm với canh rau, anh chảy nước mắt, bảo thương ông bà ăn uống tiết kiệm”.
Anh Hoàn thường xuyên tâm sự với bố vợ. Hầu như ngày nào, bố con đều gọi điện trò chuyện. Hai ngày không nói chuyện, anh gọi cho bố vợ và dỗi “bố vợ quên con rể rồi”.
Mùa nắng vừa qua, xem camera thấy ở quê mưa to, anh hí hửng gọi điện cho bố vợ: “Bố ăn mừng chưa? Mưa to thế, sầu riêng không bị rụng rồi”.
Bố ruột mất từ năm 4 tuổi, anh Hoàn dành hết tình thương cho bố vợ. Mỗi tháng, anh đều đặn đặt vé máy bay, mời bố vợ ra Hà Nội chơi. Anh còn thích đưa bố mẹ vợ đi chơi, cho biết chỗ này chỗ kia.
Ngoài bố mẹ vợ, anh còn dành nhiều tâm huyết hỗ trợ các em vợ vực dậy kinh tế. Anh quan niệm, một người mạnh không thể lo hết cho mọi người, chỉ khi tất cả cùng phát triển thì mới bền vững.
Hiện tại, kinh tế gia đình bố mẹ và các em của chị Hương đã tốt lên rất nhiều. Sự phát triển này có công sức lớn lao của chàng rể sống tình cảm và rộng lượng.
Nhiều người nói chị Hương may mắn lấy được người chồng tốt. Chị thấy điều đó đúng nhưng không chỉ nhờ may mắn, mà còn do bố mẹ chị cũng rất thương con rể. Một mối quan hệ bền đẹp chỉ có, khi được vun đắp và tưới tắm từ hai phía.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Những chàng rể "vàng mười". Mời quý độc giả đón đọc và đóng góp câu chuyện về chàng rể của gia đình mình. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. |