Hết lòng chăm sóc mẹ vợ bị ung thư

Câu chuyện anh Dương Việt Thắng (SN 1979, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) hiếu thảo, chăm sóc mẹ vợ bị ung thư cách đây 4 năm, từng được dư luận quan tâm, khen ngợi.

Thời điểm đó, bà Hoàng Thị Quỳnh - mẹ vợ của anh Thắng mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Bác sĩ chẩn đoán bệnh tình của bà không khả quan. Vì vậy, anh Thắng bàn bạc, thống nhất với vợ giúp mẹ sống tiếp những ngày vui vẻ, ít đau đớn.

ảnh 9   con rể chăm sóc bố mẹ vợ.jpg
Gia đình anh Thắng chụp ảnh cùng bố mẹ vợ

Anh Thắng kết hôn với chị Nguyễn Thị Hoa năm 2001. Chị là con gái duy nhất của vợ chồng bà Quỳnh. Thế nên, bố mẹ vợ luôn thương yêu anh Thắng như con trai trong nhà.

Sau đám cưới, vợ chồng anh Thắng sống ở TP. Bắc Ninh, cách nhà bà Quỳnh khoảng 17km. Anh thường xuyên đưa vợ về thăm bố mẹ vào dịp cuối tuần. Từ lúc mẹ vợ lâm bệnh, anh đề nghị vợ đưa bà về sống chung.

Ban đầu, bà Quỳnh suy sụp nhưng được vợ chồng con gái động viên, lên “phác đồ” điều trị, bà lạc quan và vui vẻ hơn. 

Anh Thắng không quản ngại ngày đêm, tìm và đọc vô số tài liệu y khoa. Vì không có chuyên môn nên anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, anh làm mọi thứ với hy vọng “còn nước còn tát”.

Trước đó, anh Thắng có nhiều năm luyện tập võ thuật cổ truyền. Nhờ vậy, anh biết một số kiến thức về huyệt đạo, cân bằng âm dương trong cơ thể. 

Anh áp dụng các kinh nghiệm đã học và nhờ các bác sĩ đông y tư vấn thêm, để giúp mẹ vợ giảm đau đớn, kéo dài sự sống.

Không chỉ vậy, anh còn nghe ngóng xem có bệnh nhân K phổi khỏe lên nhờ phương thuốc hoặc món ăn nào đó, thì lập tức liên hệ, xin họ chia sẻ kinh nghiệm.

Việc ăn uống của bà Quỳnh được vợ chồng con gái lên thực đơn kỹ lưỡng, gồm những món dễ tiêu hóa và tăng sức đề kháng. Chị Hoa nấu cơm lứt, luộc ngô, còn anh làm nước ép cho mẹ vợ. Buổi tối, anh nấu nước gừng cho mẹ vợ ngâm chân.

Sau mỗi bữa ăn, anh Thắng lặng lẽ theo dõi các biểu hiện của mẹ vợ. Nếu có gì bất thường, anh sẽ ngừng thực đơn đó, chuyển sang các món mới. 

Anh Thắng chấp nhận mất ăn mất ngủ để mẹ vợ có thể ngủ ngon, bớt đau đớn hơn. Anh hạn chế đi làm xa, chỉ nhận công việc gần nhà để tiện chăm sóc mẹ vợ. 

Anh không tiếc tiền, săn lùng, mua bằng được những loại thuốc tốt cho bệnh tình của bà Quỳnh. Mỗi sáng, anh đều đưa mẹ vợ đi dạo ở công viên gần nhà, chờ bà chơi đùa cùng cháu.

Biết thời gian của mẹ vợ không còn nhiều, vợ chồng anh Thắng đưa cha mẹ đi chụp ảnh kỷ niệm ngày cưới. Nhìn bố mẹ vợ tình tứ chụp ảnh, chàng rể hiếu thảo không cầm được nước mắt.

ảnh 8   con rể chăm sóc bố mẹ vợ.jpg
Anh Thắng đưa bố mẹ vợ đi chụp ảnh kỷ niệm

Cận kề bố vợ tai biến

Được con cái chăm sóc tận tâm, bà Quỳnh sống vui vẻ được hơn 1 năm. Cứ ngỡ sức khỏe của bà tiến triển tốt, nhưng bệnh tình đột ngột trở nặng. 

Những ngày cuối đời, bà được con rể cận kề động viên, chăm sóc. Anh Thắng không quản ngại, xem mẹ vợ như mẹ ruột. Anh sẵn sàng làm “ghế” cho bà tựa vào mỗi lần cơn đau kéo đến giày vò.

Anh Thắng kể: “Tôi chăm sóc mẹ vợ trong những ngày mẹ nằm viện. Tôi không an tâm để bà đi cùng người khác. Họ không có kinh nghiệm và không hợp tính bà.

Mỗi lần truyền hóa chất vào người, bà rất bực bội, khó chịu và mệt mỏi. Ai không hiểu tính thì khó chăm lắm. 

Bà chẳng bao giờ cáu gắt với tôi, trong khi đó con cháu ruột thịt vào chăm, bà lại không hài lòng”.

ảnh 2   con rể chăm sóc bố mẹ vợ.jpg
Mẹ vợ qua đời, anh Thắng tiếp tục chăm bố vợ bị tai biến

Ngày mẹ vợ mất, anh Thắng đau xé lòng nhưng cố bình tĩnh, thay vợ lo chuyện ma chay. Anh quán xuyến, lo toan mọi việc chẳng khác gì con trai trong nhà. Xong đám tang, anh lại túc trực ở nghĩa trang trông coi việc làm mộ.

Mẹ vợ mất, bố vợ buồn đau không dứt. Thương ông lẻ bóng, anh Thắng mời bố vợ về sống chung. Tuy nhiên, ông không đồng ý, muốn ở nhà cũ lo hương khói cho vợ.

Hàng tuần, anh Thắng đều đặn cùng vợ về thăm, ăn chung bữa cơm với bố vợ. Thấy bố vợ vẫn buồn bã, thường xuyên uống rượu, anh xót lòng nhưng không biết phải làm sao.

Vì uống rượu và đau buồn, ông Nguyễn Văn Điền (bố vợ anh Thắng) bị tai biến, nằm liệt giường. 

Anh Thắng chia sẻ: “Ông vốn có nhiều bệnh trong người mà còn uống rượu nhiều, sức khỏe đi xuống. Hôm đó, vợ chồng tôi về thăm thì thấy ông có một số biểu hiện bất thường.

Tôi vội vàng chạy sang hàng xóm hỏi han. Cô gái bán thuốc ở cạnh nhà cho biết, sáng cùng ngày ông bị ngã.

Ngay lập tức, chúng tôi đưa ông vào bệnh viện nhưng qua hôm sau, ông bị liệt, không nói chuyện được nữa”.

Bố vợ xuất viện, anh Thắng đưa về nhà chăm sóc. Mỗi ngày, anh đều lau dọn, thay bỉm, vệ sinh cho ông. 

Thời gian đầu, anh cố gắng châm cứu, xoa bóp cho bố vợ. Thế nhưng, mọi nỗ lực không có kết quả, vợ chồng anh đầu hàng, chỉ vệ sinh và trò chuyện với ông.

Hơn 1 năm qua, dù vất vả nhưng chưa khi nào anh Thắng thể hiện điều đó trước mặt vợ. Anh không thấy khổ cực, bởi anh không làm thì vợ làm. Ông còn mỗi cô con gái thì đâu còn ai trông cậy.

Anh mệt thì vợ thay anh chăm bố. Vợ chồng anh có việc ra ngoài thì con trai lớn của anh chăm ông. 

Anh nói vui: “Bây giờ, cả nhà tôi trở thành y tá lành nghề hết rồi”. Kể cả bố mẹ của anh sống gần đó cũng thường sang chăm, động viên thông gia.

ảnh 6   con rể chăm sóc bố mẹ vợ.jpg
Vợ chồng anh Thắng luôn thương yêu và quan tâm bố mẹ hai bên

“Ông không nói, không đi đứng được nhưng mình nói gì ông vẫn hiểu. Lúc trước mình sống với ông thế nào thì bây giờ cứ vậy mà đối đãi, thậm chí càng phải tử tế hơn, đừng để người bệnh phải tủi thân”, anh Thắng xúc động.

Với anh Thắng, tứ thân phụ mẫu giống nhau, không phân biệt bố mẹ của vợ hoặc chồng. Ai rồi cũng phải già đi, con cái làm được gì thì cố mà làm cho bố mẹ. 

Anh đối tốt với bố mẹ vợ thì một mai bố mẹ anh đau ốm, chị Hoa cũng sẽ chăm sóc chu đáo. 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

VietNamNet giới thiệu tuyến bài Những chàng rể "vàng mười". Mời quý độc giả đón đọc và đóng góp câu chuyện về chàng rể của gia đình mình. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].