Giải pháp đưa ra xử lý vấn đề tận gốc. Không nên mất thời gian làm các chiến dịch tuyên truyền giáo dục, tổ chức các đợt ra quân rầm rộ hay tuyên bố tháng cao điểm trật tự an toàn giao thông.

Việc cần làm thực thi luật pháp hàng ngày. Hình thức xử phạt trên cơ sở  liên đới trách nhiệm không chỉ riêng lái xe vi phạm. Đây là một điểm then chốt để đưa ra các giải pháp.

Đầu tiên, cấp bằng lái xe thật nghiêm túc, đúng quy định và yêu cầu. Nếu lái xe sau này hành nghề vi phạm luật, gây tội ác mà khi điều tra thấy trình độ kém, kỹ năng, sức khỏe kém…thì kết tội liên đới, truy tố hồi tố. Bất kể bao năm đã trôi qua, cả cơ sở đào tạo, ban giám khảo thi sát hạch lái xe, người ký văn bằng, bằng lái... tất cả nên đưa điều khoản này vào luật.

Lái xe bị hình phạt nào thì cơ sở đào tạo, bác sỹ cấp giấy chứng sức khỏe…chịu liên đới một nửa hình phạt, lái xe bị tử hình thì cơ sở đào tạo chịu một nửa án tử hình, một nửa án chung thân, 20 năm tù thì chịu mức 10 năm tù. Phạt tiền bồi thường cũng tương tự.

Giải pháp thứ hai, rà soát lại các quy định về tiêu chuẩn cho lái xe tải, siêu trọng siêu trường, xe tải đường dài, xiết lại để có yêu cầu cao nhất cả về sức khỏe, tâm sinh lý, trách nhiệm gia đình và xã hội.

Luật của Mỹ cho phép 16 tuổi có thể có bằng tự lái cho bản thân, nhưng yêu cầu lái xe chuyên nghiệp nói chung phải 18 tuổi, riêng lái xe tải và đặc biệt xe tải lớn đi đường dài, phải 21 tuổi trở lên. Giữa năm 2018, Quốc hội Mỹ thông qua một Sắc luật đặc biệt (The DRIVE-Safe Act) để đối phó tình trạng thiếu hụt lái xe tải đường dài.

{keywords}
Đoạn đường nơi xảy ra vụ tai nạn xe container cán chết người có mặt đường hư hỏng

Hiện nước Mỹ đang thiếu 50 ngàn lái xe như thế do lưu lượng thương mại tăng, đặc biệt thêm thương mại điện tử, với các đơn hàng vận chuyển từ xa tới tận tay người mua trên mạng. Nghề lái xe tải liên bang đường dài là một nghề lương khá cao ở Mỹ, trung bình gần 80 ngàn đô la/năm, nhưng vẫn thiếu nhân lực vì yêu cầu quá khắt khe.

Tuy vậy, sắc luật này cũng không dám giảm bớt các yêu cầu cao, chẳng hạn về tuổi, các lái xe từ 18-21 tuổi nếu muốn làm nghề này  cần có thêm 400 giờ thực hành với sự kèm cặp của một lái xe có kinh nghiệm đủ bằng cấp đào tạo. Xe phải có đủ các thiết bị hỗ trợ hiện đại nhất, như camera hành trình, các thiết bị đo...

Việc kiểm tra sức khỏe và tâm sinh lý phải thường kỳ. Nếu người lái sau các kỳ kiểm tra được coi là bình thường, đủ điều kiện tiếp tục hành nghề, mà gây án và điều tra ra nguyên nhân sức khỏe, tâm lý thì cơ sở kiểm tra, bác sỹ ký giấy khám sức khỏe sẽ bị liên đới trách nhiệm hình sự, cũng chịu một nửa hình phạt.

Một số nơi còn yêu cầu lái xe phải là người đã có gia đình, con cái, đã qua kiểm tra tâm lý, sức khỏe tâm thần…chưa kể việc kiểm tra thường kỳ và đột xuất việc dùng các chất kích thích là hiển nhiên.

Những người làm nghề có thể ảnh hưởng đến tính mạng người khác cần có một cuộc đời đáng sống, có cái để ham sống, có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân và của người thân yêu. Như vậy, sẽ tự lo cho tính mạng của bản thân mình trước tiên cùng với sự an toàn của mọi người.

Với các yêu cầu khắt khe như thế, chắc chắn sẽ không có nhiều người dễ dàng đủ tiêu chuẩn, và lương của người lái xe tải Việt Nam cũng sẽ cao hơn trung bình các nghề trong xã hội. Như vậy mới công bằng. Các công ty xe tải, xe container sẽ buộc phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với lái xe trong nghề nặng nhọc và yêu cầu cao này.

Thứ ba, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nhất tệ nạn lái xe uống rượu, dùng chất kích thích. Nên có cơ chế kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Các đội công an giao thông đừng chỉ dừng lại ở kiểm tra còi hay đèn, mà ưu tiên kiểm tra hơi rượu và nồng độ ma túy.

Mỗi lái xe chuyên nghiệp đều cần có một cuốn sổ kiểm tra định kỳ và đột xuất, có chữ ký người kiểm tra, kết quả mỗi lần kiểm tra.

Cấm tuyệt đối các quán ăn, nghỉ dọc đường quốc lộ, đường liên tỉnh bán đồ uống có cồn. Đưa vào luật trách nhiệm liên đới nếu lái xe sau khi dừng chân ở quán, trạm xăng…uống rượu bia, rồi bị phát hiện, kể cả chưa gây án, khi đó chủ các quán này cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Khi dừng xe kiểm tra đột xuất, nếu trên xe có chứa chất kích thích, nước uống có cồn sẽ phạt lái xe và chủ xe nghiêm khắc như đã vi phạm luật uống rượu khi lái xe.

Tốt nhất giải quyết tận gốc tệ nạn uống rượu, “văn hóa giao tiếp rượu bia” ở Việt Nam. Đây là câu chuyện dài hơi. Cần chữa bệnh này từ trên cao xuống. Đừng để tửu lượng tiếp tục là niềm tự hào, để uống quên mình là minh chứng cho sự trung thành với sếp hay cho tình bạn Bá Nha Tử Kỳ, cho sự hết mình với đồng nghiệp.

Không nên phí phạm những bữa cơm thân mật, cơ hội nói chuyện thú vị, chia sẻ tình cảm và hiểu về nhau hơn thành những buổi chỉ tìm mọi cớ để nâng cốc và ép nhau từ đầu đến cuối buổi, rất lãng phí thời gian.

Một số quan niệm rằng nếu không uống tức là không chân thành, không hết mình, không thật lòng. Một người mà chỉ khi say mới chân thành,  hết mình, mới thật lòng thì ta cần làm gì?!

Thứ tư, áp dụng và thực thi nghiêm các quy định chặt chẽ về thời gian lái xe, tiêu chuẩn lái xe, chế độ làm việc…về yêu cầu phải có hai lái xe thay phiên nhau khi chạy đường dài. Mọi xe tải đặc biệt đi đường trường đều buộc phải có camera hành trình. Nếu lái xe chạy liên tục quá giờ, không có đủ thời gian nghỉ, không ngủ đủ thì chủ xe, người thuê xe, người thuê lái xe…đều liên đới trách nhiệm nếu có tai nạn.

Còn nhớ câu chuyện năm 2013 khi tác giả làm việc ở Anh, có một đoàn Phó Thủ tướng sang thăm cần thuê xe đi từ Liverpool cắt ngang từ nước Anh sang London. Theo yêu cầu công việc, lãnh đạo đề nghị chúng tôi nói lái xe khởi hành sớm hơn dự kiến khoảng 30 phút, nhưng lái xe kiên quyết từ chối, dù chúng tôi có hứa trả thêm tiền. Bởi vì, họ chưa nghỉ đủ hai tiếng sau khi lái liên tục một số giờ theo luật định. Họ sẽ mất việc ngay nếu bị phát hiện. Chưa kể camera hành trình sẽ ghi lại toàn bộ lịch trình di chuyển, không có cách nào tránh được.

Giải pháp thứ năm, đặt các bảng hiệu báo rõ ràng, dễ đọc, cảnh báo trước từ xa: “Chuẩn bị tới điểm có đèn đỏ dừng xe – chú ý giảm tốc độ” trên các quốc lộ, đường cao tốc, đường liên tỉnh, để lái xe giảm dần tốc độ và chú ý quan sát. Biện pháp này được nhiều nước áp dụng từ lâu.

Thứ sáu, đặt lại chế độ ba màu đèn: Đỏ-Vàng-Xanh. Dỡ bỏ tất cả các đèn giao thông đếm ngược, trừ những nơi thời gian chuyển màu đèn dưới 15-30 giây. Nếu đi nhiều và chú ý quan sát, sẽ thấy rất ít nước dùng tràn lan hệ thống đèn giao thông đếm ngược như ở Việt Nam. Không hiểu tại sao lại bỏ đèn vàng.

Tác giả bài viết vừa có chuyến về thăm Hà Nội, vác xe máy ra chạy, lại có dịp thấy, tất cả dân tình đều lẩm nhẩm đếm khi chờ đèn đỏ. Tất cả lộn xộn, vội vàng, sốt ruột từng giây. Quá khổ. Tại sao không thể thanh thản, bình tâm ngắm cảnh, khi nào đèn chuyển màu thì đi. Tạo thêm tâm lý bon chen tranh giành từng giây khi đi trên đường để làm gì?!

Vừa rồi, khi đón một đoàn người thân sang thăm Campuchia, tác giả lái xe đưa mọi người đi thăm thành phố, khách lập tức ngạc nhiên thấy trong suốt vài tiếng đi xe, không nghe thấy bất cứ một tiếng còi ô tô hay xe máy nào.

Đường phố Campuchia đông đúc và rất nhiều ô tô (ô tô ở Campuchia rẻ hơn Việt Nam rất nhiều) nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn, bình tĩnh chờ đợi, nhường nhịn nhau, không có chuyện lấn sang làn đường đối diện cho dù một bên rất đông và bên kia ngược lại rất vắng. Rất ít ngã ba, ngã tư có loại đèn đếm ngược. Chẳng lẽ Campuchia lại văn minh hơn mình đến thế?

Cuối cùng, cố gắng để các lực lượng thực thi luật pháp giao thông có cuộc sống đàng hoàng, với mức lương và thưởng chính đáng công khai chính thức đủ cao để tập trung vào thực thi nhiệm vụ tối quan trọng của mình. Sau đó, thiết lập hệ thống kiểm soát thường kỳ và đột xuất, bao gồm vi hành, cải trang đội lốt, thường phục…để bảo đảm sự trong sạch và công minh của thực thi pháp luật.

Vũ Quang Minh