Trước khi trở thành tỷ phú, anh Thanh thường xuyên bị mang tiếng là "gàn dở" vì ý tưởng làm giàu trồng cây lấy lá.

Anh Đặng Văn Thanh (34 tuổi) ở xã Long Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là một người nổi tiếng “gàn dở” với mô hình kinh tế trồng cây lấy lá . Đây là một mô hình độc đáo và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao (cho thu nhập 5 tỷ/ năm), việc mà chưa ai làm được trước đó.

Người tiên phong trồng lá cây nghệ thuật

Ở Việt Nam, chơi hoa, trưng hoa từ lâu đã không còn xa lạ. Với đặc thù khí hậu nhiệt đới ẩm, hoa ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng, người trồng hoa, giàu lên vì hoa cũng rất nhiều. Theo xu hướng của thị trường, những bó hoa được trang trí với nhiều loại hoa, màu sắc kết hợp, và cả lá cắm kèm.

{keywords}

Anh Đặng Văn Thanh trở thành tỷ phú từ trồng lá cây nghệ thuật

Hiện nay, người trồng cây lấy lá để cắm kèm còn rất hạn chế và không ai nghĩ đây là mô hình tiềm năng để mở rộng sản xuất. Bởi thế, anh Đặng Văn Thanh trồng các loại cây để lấy lá cắm trang trí với hoa bị cho là hành động kỳ quặc.

Tại vườn trồng lá rộng 2 héc ta của anh Thanh, có rất nhiều loại cây như cây huyết dụ lá nhỏ, phát tài Nhật… cho thu hoạch đều đặn lá mỗi tháng. 34 tuổi, chàng trai được cho là “gàn dở” với mô hình kinh tế “kỳ quặc” của mình cho thu nhập 5 tỷ đồng mỗi năm từ những loại cây tưởng chừng như không có mấy giá trị.

Trong khu vườn của mình, có những giống cây anh mang từ nước ngoài về, cọ Pháp là một loại cây độc đáo. Dáng cây thấp lùn và có gai, tán rộng xòe như chiếc quạt nan, xanh mướt. Vì muốn giống cọ Pháp này sống trong dáng thấp nhỏ nên anh Thanh đã nghĩ ra cách trồng chúng trong những bầu đất. Như vậy anh có thể điều chỉnh sự sinh trưởng của cây và kích thước lá phù hợp cho việc cắm hoa.

Lá cây cọ Pháp đẹp, tươi lâu khoảng từ 20 đến 25 ngày. Tuy thời gian từ lúc ươm hạt đến khi cây phát triển thu hoạch được lá khá dài (một năm), lâu hơn rất nhiều so với các loại cây khác nhưng giá trị kinh tế thu được từ cọ Pháp rất cao. Anh Thanh dành diện tích 1.000m2 để trồng 40.000 nghìn bầu cọ Pháp, mỗi tháng thu hoạch trung bình 80.000 lá và mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Là người tiên phong trong lĩnh vực trồng cây lấy lá, không có một kinh nghiệm truyền lại từ trước đó, tự mình khai phá một con đường khó đi, nhưng đến nay, anh Thanh đã thành công với sự quyết đoán của mình.

Triệu phú nơi quê nghèo

Bắt đầu lập nghiệp với mô hình trồng cây lấy lá đã hơn 10 năm, giờ đây những loại cây độc đáo trong vườn đã giúp anh Thanh trở thành tỷ phú và cùng anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 đến 17 lao động trong vùng với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng.

{keywords}

Từ cơ sở của chàng trai xứ dừa này, lá cây nghệ thuật “made in Thanh lá” được chuyển đi khắp mọi vùng miền trên cả nước

Loại cây cho lợi nhuận kinh tế, chiếm phần lớn diện tích đất trồng tại vườn cây của anh Thanh là cây trúc Nhật. Cây trúc Nhật dễ trồng, lại tận dụng được những khoảng đất trống trước sân nhà, trong vườn. Hơn nữa diện tích đất ở chợ Lách rất ít, những hộ nghèo càng không có nhiều đất. Với khoảng 500m2 có thể trồng được 10.000 bầu cây, mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 10 triệu.

Anh Thanh chia sẻ: “Trúc Nhật là loại cây dễ trồng, không cần phải tưới nước nhiều, đặc biệt, cây trúc Nhật cành càng to, dài thì mức giá bán được càng cao, không giống như cây ăn trái nếu không có thời gian thu hoạch trái sẽ rụng và bị hư, rau ăn không thu hoạch thì bị hỏng nhưng cây trúc Nhật để càng lâu giá trị kinh tế càng cao. Chỉ cần đầu tư một lần trồng, cây trúc Nhật sẽ cho thu hoạch lá trên 20 năm. Trồng trúc Nhật là một phương án thoát nghèo hiệu quả cho người dân vùng quê".

Hằng ngày, cứ khoảng 2 giờ chiều, hàng trăm hộ dân quanh vùng chuyển lá cây đến nhà anh Thanh để từ nơi tập kết này các loại lá sẽ được chia theo loại và vận chuyển đi vào 8 giờ tối cùng ngày. Các loại lá cau vàng, trúc Nhật, đinh lăng, nguyệt quế Thái,… ngày nào còn xa lạ giờ đây trở thành người bạn kinh tế hiệu quả cho người dân nơi đây, giá trị kinh tế cao gấp 5 đến 7 lần so với việc trồng cây ăn trái.

Từ cơ sở của chàng trai xứ dừa này, lá cây nghệ thuật “made in Thanh lá” được chuyển đi khắp mọi vùng miền trên cả nước, là đầu mối chính cho tất cả các cửa hàng phân phối hoa, lá nghệ thuật hàng đầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Thanh còn gián tiếp xuất khẩu những loại lá nghệ thuật này đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Campuchia, Lào. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế, mô hình này là một hướng đi mới cho nhiều người dân vùng quê nghèo miền Tây.

“Từ khi anh Thanh đem lá về đây cho nhiều người dân cùng trồng, bà con có việc để làm rồi có thu nhập ổn định cho con cái học hành, có tiền chi tiêu hàng ngày mà công việc không hề vất vả. Loại cây mới nào được anh Thanh thử nghiệm thành công, anh đều cho bà con cùng trồng”- chị Nguyễn Thị Phương (ấp Hòa An - xã Long Thành - huyện chợ Lách) chia sẻ.

{keywords}

Công nhân trong xưởng đang phân loại lá trước khi xuất bán

Con đường khai phá đầy chông gai thử thách

Cuộc sống sông nước miền Tây vốn khó khăn, anh Thanh sớm nghỉ học đi làm công để phụ giúp gia đình. Trải qua nhiều ngành nghề, cuối cùng anh chọn trồng cây cảnh, cũng chính từ đây người dân Chợ Lách bắt đầu gọi anh là Thanh “kỳ quặc” hay Thanh “gàn dở”.

Một lần tình cờ anh đi đến một cửa hàng hoa lá tươi nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh, anh thấy hoa thì rất nhiều nhưng lá cắm kèm thì được vài ba loại. Anh Thanh vào đặt vấn đề với chị chủ quán mong muốn được cung cấp lá nghệ thuật cho cửa hàng, chưa hình dung hết về lá nghệ thuật là như thế nào nên những câu hỏi người chủ quán đặt ra cho anh, anh không thể trả lời hết.

Anh về nhà hăm hở với những thử nghiệm thú vị, anh cắt lá và ngâm chúng dưới nước để thử độ bền của lá tươi trong thời gian bao lâu. Khởi đầu chậm nhưng chắc, những loại lá anh thử nghiệm cho kết quả khả quan và dần được các cửa hàng chấp nhận. Với 10 loại lá thử nghiệm ban đầu, anh Thanh bán được có giá giao động từ 1-1,5 nghìn đồng/lá.

Sau khi nhận thấy tiềm năng của mô hình này, anh Thanh quyết định chuyển sang trồng lá nghệ thuật và kêu gọi bà con, anh em trong ấp hùn vốn cùng làm. Thế nhưng điều anh nhận lại lúc không phải là những cái gật đầu. Thời điểm này, anh Thanh nhận những cái nhìn dò xét, những nụ cười khinh khỉnh và hoài nghi của mọi người xung quanh.

Thành công đã mỉm cười khi số lượng lá ngày một tăng, lợi nhuận thu về ngày càng cao. Thế rồi từ một hai hộ dân làm theo, sau 4 năm anh Thanh đã hướng dẫn cho hàng trăm hộ trong vùng làm theo mô hình này. Anh có một thị trường riêng, có uy tín và được nhiều người biết đến. Nhưng không bằng lòng với thực tại, anh đi khắp trong Nam ngoài Bắc tìm kiếm những giống cây mới.

Với thời gian 5 năm, anh Thanh tự tin nói rằng đã tìm hết tất cả các loại lá cây nghệ thuật trong nước.

Anh tiếp tục giành hơn 2 năm để nghiên cứu những giống cây mới xuất sứ từ nước ngoài. “Bấy giờ một cây từ nước ngoài mang về trong nước đã có giá 500 nghìn đồng, hơn hẳn một chỉ vàng (430 nghìn đồng/chỉ). Tôi quết tâm đầu tư để mua thêm được vài cây nữa, bởi nếu thử nghiệm một cây không hiệu quả thì sẽ coi như mất trắng”- anh Thanh tâm sự.

Với 10 cây giống mua được, thử nghiệm mỗi cây trong một môi trường sống khác nhau về độ ẩm, ánh sáng, phân bón, trồng cây lấy hạt, triết cành, dâm cành,… cuối cùng lần lượt cọ Pháp, trúc Nhật cho kết quả thử nghiệm thành công.

Sau mỗi lần thất bại, anh không hề nản chí, đến khi thành công, anh lại chia sẻ cho mọi người chứ không hề giấu cho riêng mình. Bây giờ, ở Chợ Lách nói riêng, và Bến Tre nói chung, “Thanh lá” được biết đến như đầu tàu vượt khó giúp bà con thoát nghèo.

(Theo Dân Việt)