XEM VIDEO: Talkshow trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden

 

{keywords}
Từ phải sang trái: Tổng biên tập Báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn, PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Đại sứ Phạm Quang Vinh và nhà báo Diệu Thúy

Đại sứ Phạm Quang Vinh và TS Tạ Minh Tuấn (Học viện Ngoại giao) cùng chia sẻ quan điểm với độc giả.

20/01/2021 | 21:03

20h40

Bài toán 3 bên

Đại sứ Phạm Quang Vinh: TS Tuấn có nhắc đến vấn đề bán đảo Triều Tiên, theo tôi, chắc chắn ông Joe Biden sẽ không làm theo cách của ông Donald Trump, gặp gỡ trực tiếp mà chưa có điều kiện gì.

Nhưng nếu quay trở lại hình thức đa phương là nhiều bên và tham vấn, trong đó có cả tham vấn Trung Quốc, thì đây sẽ là câu chuyện cạnh tranh và tranh thủ. Tương tự, với vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, chắc chắn ông Biden cũng sẽ phải tranh thủ Trung Quốc nhưng việc đó trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ra sao.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh và TS Tạ Minh Tuấn. Ảnh: Phạm Hải

Thứ hai, trong mấy năm qua, lòng tin vào nước Mỹ trong khu vực, trong đồng minh và các đối tác cũng suy giảm. Lúc này vừa là lúc trông đợi, nhưng cũng là thách thức về lòng tin. Thứ ba, dựa vào đồng minh và đối tác như là trọng tâm của ông Joe Biden, thì đồng minh và đối tác sẽ đi tới đâu cùng Mỹ trong thời kỳ sắp tới, trong kiểm soát và kiềm chế cạnh tranh với Trung Quốc.

TS Tạ Minh Tuấn: Nhìn chuẩn ra thì đây là bài toán 3 bên giữa Mỹ, Trung Quốc và phần còn lại. Việc giải quyết vấn đề phải nhìn trong tương quan này, không chỉ là giữa Mỹ với đồng minh hay với khu vực, mà phải nhìn qua lăng kính của Trung Quốc, cách ứng xử, hành xử của các nước, cũng như các cặp quan hệ giữa Trung Quốc và các nước còn lại như thế nào thì mới rõ họ ứng xử với Mỹ như thế nào.

Do đó, bài toán của ông Biden sẽ khó giải quyết hơn, vì lợi ích và cạnh tranh không còn đơn giản như trước mà có quá nhiều mối quan hệ đan xen nhằng nhịt, không dễ giải tỏa.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhưng nếu ta xét câu chuyện về Biển Đông, có lẽ nước Mỹ sẽ duy trì chính sách của ông Trump, tiếp tục các hoạt động thúc đẩy tự do hàng hải, coi trọng tham vấn các đồng minh ở đây và khẳng định nước Mỹ ủng hộ luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ và kể cả các bước phát triển trong thời gian gần đây như bác bỏ các yêu sách phi lý về đường lưỡi bò, công nhận quyền hợp pháp về mặt kinh tế đối với thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.

Tôi nghĩ những câu chuyện đó không chỉ là của ông Donald Trump, mà đã có sự đồng thuận của cả hai đảng của nước Mỹ. Gần đây, trong cuộc chiến công hàm, chúng ta có thể thấy nhiều nước trên thế giới đã gia tăng nhận thức và ủng hộ Việt Nam.

Ông Biden kế thừa di sản rất tốt trong quan điểm của Mỹ với Việt Nam

Nhà báo Diệu Thúy: Việt Nam có thể ở đâu trong chính sách thương mại của ông Biden, thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng quan trọng với Mỹ. Nước Mỹ đang triển khai một chính sách mở rộng hơn, gắn kết sâu hơn với khu vực. Từ thời Tổng thống Barack Obama đã chuyển dịch trọng tâm chính sách đối ngoại sang đây. Ông Joe Biden chắc sẽ tiếp tục chính sách này, kế thừa từ thời ông Obama và ông Trump.

{keywords}
TS Tạ Minh Tuấn chia sẻ quan điểm của Đại sứ Phạm Quang Vinh

Việt Nam trong 25 năm qua thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Mỹ, đã có rất nhiều các cơ sở tốt và lợi ích hai bên đan xen với nhau. Nhưng với vị trí địa chiến lược của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc Việt Nam đổi mới và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, và vị thế Việt Nam trong ASEAN, nước Mỹ thấy rằng cần phải tranh thủ Việt Nam. Tôi nghĩ, về mặt địa chiến lược, về mặt chính trị, chắc chắn quan hệ sẽ tiếp tục.

Thứ hai, về quan hệ kinh tế, nhìn chung các doanh nghiệp và công ty Mỹ rất coi trọng Việt Nam.

Thiếu hụt lớn nhất ở đây có lẽ là hai thứ. Trước đây, chúng ta cùng với các nước, trong đó có Mỹ thúc đẩy hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay nước Mỹ không còn gắn kết tập thể và đa phương như vậy. Trong câu chuyện này không chỉ có vấn đề kinh tế mà còn có trật tự chiến lược dựa trên luật lệ về kinh tế khu vực này đang thiếu.

Vậy ông Joe Biden sẽ phải xử lý thế nào? Nếu ông Biden bằng hình thức nào đó, dù là khó khăn quay trở lại liên kết với khu vực với dạng TPP, có thể đặt tên khác hoặc hình thức khác, không thể sớm được nhưng nửa sau nhiệm kỳ này thì chắc chắn Việt Nam có vị trí.

Ngoài ra, chúng ta có quan hệ ngày càng phát triển về kinh tế thương mại với Mỹ. Năm 1995, hai nước chỉ đạt chưa đầy nửa tỷ USD thương mại hai chiều, đến nay đã tăng lên 77-78 tỷ USD, tức là gấp hơn 150 lần.

Rõ ràng, khuôn khổ cho quan hệ hai nước có lẽ phải được cập nhật và tăng lên. Chúng ta mới có hiệp định thương mại song phương. Chúng ta mới có thỏa thuận Việt Nam tham gia WTO mà trong đó Mỹ là thành viên. Có lẽ có cách nào đó để cập nhật quan hệ thương mại giữa hai nước, kể cả hình thức FTA song phương. Đó cũng là điều quan trọng hai bên có thể cân nhắc trước khi đa phương như TPP hay CPTPP (hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có thể đến được.

TS Tạ Minh Tuấn: Tôi rất chia sẻ quan điểm của Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Thực ra nhìn nhận một cách khách quan, dù thích hay không thích ông Trump hoặc ông Obama, thì rõ ràng là quan hệ của Việt Nam với Mỹ dưới nhiệm kỳ ông Obama và ông Trump là tiệm tiến theo chiều hướng tốt, và ông Biden được kế thừa một di sản rất tốt trong quan điểm của Mỹ với Việt Nam. Tôi nghĩ đây là điểm xuất phát rất tốt cho ông Biden, nếu muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Về chính sách chung giữa hai nước, tôi cho rằng vẫn sẽ được duy trì như thế, đặc biệt trong vấn đề kinh tế. Khi nước Mỹ đang gặp khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19, rất nhiều chuỗi sản xuất đã bị đứt gãy, và người ta đang tìm nơi mới cho các chuỗi sản xuất này, thì Việt Nam đang được hướng đến để được nhìn nhận là một trong những nơi có thể thay thế. Người ta đã nói rất nhiều chuyện rút khỏi Trung Quốc, qua Việt Nam, tôi nghĩ đây là một cơ hội rất tốt.

Tuy nhiên, có một điều mà tôi hơi thận trọng trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Mỹ, đặc biệt là về thương mại.

Nếu chúng ta quan sát tốc độ tăng trưởng, có thể thấy trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Mỹ tăng rất nhanh, và cùng với đó là thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ cũng tăng. Tôi nghĩ, tại một thời điểm nào đó, nếu mình không cẩn thận để khéo léo xử lý, có thể nó sẽ trở thành một vấn đề nổi cộm trong quan hệ hai nước.

Theo số liệu thống kê của Mỹ, năm 2019, trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ - Việt Nam đạt 81,3 tỷ USD. Trong đó, riêng hàng hóa đạt khoảng 77,5 tỷ USD. Trong đó, phía Mỹ nhập 66,6 tỷ USD. Thặng dư thuơng mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ là 55,8 tỷ USD, rất lớn. Nếu không cẩn thận, Mỹ sẽ luôn luôn là nước nhập siêu. Nếu nhập siêu của Việt Nam, thặng dư thương mại giữa ta với Mỹ tăng nhanh nữa, vài chục % một năm, thì nó sẽ trở thành vấn đề. Chúng ta phải tính từ bây giờ.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ, mỗi chính quyền mới đều có một điều chỉnh ưu tiên. Cách nhìn nhận chiến lược và ổn định ngoại giao truyền thống hơn, những vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước, ví dụ trong thương mại, như vừa rồi Mỹ nói Việt Nam thao túng tiền tệ hay thâm hụt thương mại có lẽ sẽ được quản trị tốt hơn bằng cách tham vấn giữa hai bên, sẽ kín đáo và sử dụng ngoại giao nhiều hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý, ông Biden lên nắm quyền sẽ quan tâm nhiều hơn về các điều kiện giá trị, trong đó có dân chủ, nhân quyền, tiêu chuẩn lao động, môi trường, biến đổi khí hậu. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức.

Quá trình Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ cao, chất lượng cao như CPTPP hay với Liên minh châu Âu đều có những điều kiện này. Nếu chúng ta thực hiện đúng cam kết thì đây lại biến thành cơ hội. Chẳng hạn như ông Trump không thích những tiêu chuẩn về môi trường và biến đổi khí hậu, thì với ông Biden, Việt Nam có thể tranh thủ những điều này, công nghệ mới, năng lượng sạch.

Tôi nhất trí rằng, quản trị quan hệ thương mại đang rất phát triển này càng cho thấy, chúng ta vừa nhìn nhận lại việc tăng cường nội lực và sức cạnh tranh chất lượng cao của mình phù hợp với những điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng cũng là cơ hội để Việt Nam xem xét sự gắn kết với nước Mỹ, để Việt Nam trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn, của cả nước Mỹ, của cả châu Âu như vậy, người ta cũng có lợi trong chuỗi đó, mỗi khi mình xuất khẩu đi. Đó cũng là điều quan trọng.

Nhà báo Diệu Thúy: Xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình.

>> Mỹ bước vào cuộc chiến trao đổi công hàm ở Biển Đông

Thu gọn
20/01/2021 | 20:58

20h35

Tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc

Nhà báo Diệu Thúy: Các chuyên gia vừa chia sẻ đánh giá về những vấn đề đối nội của Mỹ. Vậy chính sách đối ngoại sẽ được ông Biden và nội các mới của Mỹ tiếp cận ra sao? Xin hỏi Đại sứ Phạm Quang Vinh, châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng được định vị như thế nào trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Mỹ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết, vấn đề Trung Quốc và châu Á sẽ nằm trong chính sách đối ngoại chung của ông Joe Biden. Đối với chính sách đối ngoại chung của ông, khẩu hiệu lớn nhất là lấy lại niềm tin và khôi phục vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chính sách chung của ông Biden là lấy lại niềm tin và vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới

Như vậy, ông sẽ tập trung vào khôi phục ngoại giao truyền thống, đề cao các vấn đề giá trị như dân chủ, tiêu chuẩn lao động hay môi trường và biến đổi khí hậu, tham vấn và trao đổi nhiều hơn với các đồng minh, đối tác. Chắc chắn ông cũng sẽ sử dụng các thiết chế đa phương nhiều hơn. Đó là cách để ông khôi phục vai trò của nước Mỹ.

Trong đó, câu chuyện muốn nói đầu tiên cả ở tầm quốc tế và khu vực là về Trung Quốc. Tôi nhận thấy, nước Mỹ nói chung, không chỉ dưới thời ông Trump hay ông Biden, đều đã nhìn nhận lại lợi ích của mình, nhìn nhận lại về Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về mặt chiến lược. Do đó, ông Biden sắp tới dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Đây là câu chuyện được đồng thuận trong lòng nước Mỹ. Có rất nhiều dấu hiệu đã cho thấy, ông Biden sẽ tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược và cứng rắn với Trung Quốc.

Các tuyên bố của ông Joe Biden và các nhân sự ông đề cử nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong chính quyền mới, như đề cử Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng, Đại diện Thương mại và ngay cả Điều phối viên về châu Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell đều nói sẽ tiếp tục các biện pháp kiềm chế và cứng rắn với Trung Quốc.

Nhưng điểm thứ hai có thể khác so với thời kỳ ông Trump là, chính sách sẽ dễ đoán định hơn - ngoại giao truyền thống và tham vấn các nước đồng minh và đa phương, trong đó quản trị ổn định và chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc sẽ được giữ tốt hơn.

Thứ ba, cạnh tranh sẽ bao gồm cả kinh tế và chiến lược, ý thức hệ, chính trị an ninh và khoa học công nghệ. Vậy những biện pháp áp đặt hạn chế và trừng phạt với Trung Quốc thời ông Trump sẽ như thế nào? Tôi nghĩ rằng, ông Biden sẽ tìm cách gỡ một phần nhưng chưa gỡ ngay, để tiếp tục đòi hỏi những câu chuyện lớn hơn trong quan hệ Mỹ - Trung, trong đó có cả thương mại và tự do dân chủ. Ông Biden có thể đẩy mạnh hơn các câu chuyện về dân chủ với Trung Quốc.

Với châu Á - Thái Bình Dương, tôi nhận thấy đây là khu vực tiếp tục được ông Biden coi trọng. Lý do vì, đây là khu vực địa chiến lược quan trọng của Mỹ. Thứ hai, khả năng ông sẽ tiếp tục sử dụng khái niệm về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, cách đặt tên có thể khác và được nâng cấp.

Vị trí của ông Kurt Campbell đã được nâng cấp theo cách nhìn của ông Biden, là điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều phối liên ngành trong toàn bộ hệ thống của nước Mỹ.

Thứ ba, rất nhiều vấn đề trong câu chuyện này, trong đó có vấn đề Trung Quốc và cạnh tranh, vấn đề Biển Đông, sông Mekong, Mỹ sẽ tiếp tục các chính sách của ông Donald Trump. Cách tiếp cận có thể khác, nhưng mục tiêu vẫn như cũ.

Trong cuộc điều trần của Thượng viện đối với các nhân sự ông Biden đề cử cách đây 1 ngày, ông Antony Blinken chia sẻ sẽ phải có các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc, nhưng cách làm, cách phối hợp sẽ khác đi. Chúng ta sẽ chờ xem các hành động cụ thể ra sao.

Đây là câu chuyện không chỉ của ông Biden mà là của cả nước Mỹ.

TS Tạ Minh Tuấn: Tôi hoàn toàn đồng ý với những phân tích của Đại sứ Phạm Quang Vinh, cho thấy một bức tranh tổng thể về những chính sách đối ngoại có thể của ông Biden về Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tôi xin phân tích thêm một vài khía cạnh khác. Trước hết là khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn một số vấn đề dang dở mà chính quyền Biden cần quyết định làm như thế nào, như với chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bị đình trệ và chưa rõ lộ trình tiếp theo sẽ ra sao.

Vấn đề nữa là các hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã rút khỏi hoặc bị gạt ra. Mỹ sẽ phải ứng xử như thế nào với các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phụ thuộc vào các thiết chế mới.

Ban nãy Đại sứ Phạm Quang Vinh có nhắc tới vấn đề tham vấn của Mỹ với các đồng minh. Như chúng ta đã thấy, thời gian vừa qua, ông Trump đã rất ít tham vấn với các đồng minh của Mỹ, sử dụng các mối quan hệ chặt chẽ đó, từ Hàn Quốc cho tới Nhật Bản, Philippines, Thái Lan... Với sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ-Trung, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ phải ứng xử như thế nào với tình trạng ảnh hưởng của mình với các đồng minh đang giảm dần.

Điểm mấu chốt, theo tôi, Trung Quốc không còn đơn thuần là sự cạnh tranh chiến lược, mà theo như ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa ngày càng gia tăng, trong khi Nga là mối đe dọa đang đi xuống.

Sự so sánh như thế cho thấy Mỹ hướng vào Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, không chỉ coi là cạnh tranh nữa. Tuyên bố thẳng thừng như vậy sẽ khiến Trung Quốc phản ứng, và sự cọ xát ngày càng lớn hơn. Do đó, theo tôi, khu vực này nói chung sẽ còn nhiều vấn đề phải theo dõi tiếp.

>> Lãnh đạo nhiều nước chúc mừng ông Biden nhậm chức

Thu gọn
20/01/2021 | 20:50

20h30

Chặng đường 100 ngày tới của ông Biden rất khó khăn

Nhà báo Diệu Thúy: Con đường trước mắt với ông Trump và ông Biden - một vị Tổng thống sắp mãn nhiệm, một vị Tổng thống sắp bước vào Nhà Trắng sẽ như thế nào?

TS Tạ Minh Tuấn: Đối với ông Trump, vấn đề thứ nhất là ông ấy đã tuyên bố sẽ không quay lại lần hai, ám chỉ việc ông sẽ không tái tranh cử. Điều đó có nghĩa là con đường chính trị của ông Donald Trump hầu như đã kết thúc. Thứ hai, ông Trump giờ phải phụ thuộc rất nhiều vào việc luận tội như thế nào. Bởi vì kết quả luận tội sẽ ảnh hưởng đến tương lai chính trị sau này của ông ấy. Chúng ta chưa thể biết được kết quả luận tội ông Trump sẽ đi đến đâu.

Điểm thứ ba là, sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump sẽ phải đối mặt ngay với nhiều vấn đề liên quan đến các cáo buộc về gian lận thuế từ trước. Điểm thứ tư, ông ấy sẽ phải đối mặt với việc rất nhiều đồng minh, bạn bè thân tín, kể cả những người ủng hộ tiền bạc, ủng hộ về mặt chính trị, sẽ quay lưng lại sau ngày 6/1.

Theo tôi, viễn cảnh sắp tới sẽ khá mờ mịt đối với ông Trump. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu ý rằng, dù vị trí của ông Trump trong đảng Cộng hòa và với người dân Mỹ đi xuống nhiều nhưng còn rất lớn. Một bộ phận người Mỹ, như Đại sứ Vinh vừa phân tích, vẫn không tin ông Biden thắng cử. Số cử tri trung thành với ông Trump còn rất lớn, nên về điểm này, ông Trump vẫn còn một vị thế nhất định chứ không phải là tất cả đã chấm hết.

Còn với ông Biden thì rõ ràng, con đường phía trước đối với ông còn vô cùng khó khăn, đặc biệt là 100 ngày đầu tiên.

Với tất cả những vấn đề của nước Mỹ mà chúng ta đã đề cập ở trên, điều khó nhất đối với ông là thực hiện lời hứa sẽ trở thành Tổng thống của tất cả người Mỹ. Bất luận anh bỏ phiếu hay không bỏ phiếu cho tôi, thì tôi vẫn là Tổng thống của các anh, và tôi sẵn sàng đại diện cho anh, đại diện cho lợi ích của cả 2 phía.

Để hàn gắn sự chia rẽ đấy thì một việc nữa phải làm ngay, đó là chống Covid-19. Cái này có thể nói là ưu tiên hàng đầu của ông ấy, và ngay ngày hôm nay sau khi nhậm chức xong, ông sẽ ký 17 chỉ thị và các văn bản hành pháp, trong đó có nói về việc chống Covid-19 là điều cần phải làm ngay.

Sau đó là vấn đề kinh tế, phát triển kinh tế và xử lý các vấn đề liên quan đến đối ngoại. Như tôi đã nói ở trên, hình ảnh của nước Mỹ về mặt đối ngoại đã đi xuống rất nhiều. Ông Biden phải giải quyết vấn đề đấy trong chặng đường 100 ngày tới, sẽ rất bề bộn và khó khăn.

>> Nước Mỹ 2020: Bức tranh thiếu điểm sáng

Thu gọn
20/01/2021 | 20:46

20h25

Lễ nhậm chức năm 2017 như một ngày hội

Nhà báo Diệu Thúy: Được biết, Đại sứ Phạm Quang Vinh là người đã trực tiếp tham dự lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump hồi tháng 1/2017, Đại sứ có thể chia sẻ với độc giả những ấn tượng của ông về lễ nhậm chức này? Theo quan sát của ông, lễ nhậm chức của ông Biden sắp diễn ra có khác biệt gì với lễ nhậm chức năm 2017 mà ông từng dự?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Ngày 20/1/2017 diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Đại sứ của các nước đều được mời đến dự, kể cả tôi và phu nhân.

Ngay từ sáng sớm, chúng tôi phải tập trung ở Bộ Ngoại giao, kiểm tra an ninh, chuẩn bị xe cộ và ăn nhẹ trước khi ra tòa nhà Quốc hội và có chỗ ngồi riêng. Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ như một ngày hội, một biểu tượng của nước Mỹ.

Thời khắc năm 2017 rất khác bây giờ. Lúc đó, hàng triệu người đổ về thủ đô để chúc mừng ngày chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống cũ và Tổng thống mới.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Năm 2017, hàng triệu người đã tới dự lễ nhậm chức của ông Trump

Cuộc bầu cử tháng 11/2016 trước đó cũng có nhiều bất ngờ và tranh cãi. Khi ông Donald Trump thắng cử, cả nước Mỹ cũng bị bất ngờ. Đảng Dân chủ tin tưởng thượng nghị sĩ Hillary Clinton sẽ thắng, nhưng rốt cuộc bà lại bị thua. Tuy nhiên, rất may là lúc đó, nước Mỹ đã dàn xếp được và nửa đêm về sáng của ngày bầu cử 8/11/2016, bà Hillary chấp nhận thất cử. Việc chuyển giao quyền lực diễn ra ổn thỏa hơn.

Các cựu Tổng thống, kể cả Tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama và phu nhân, cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton, người vừa thất cử, cũng đều dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Donald Trump.

Truyền thống của nước Mỹ được duy trì, đảm bảo chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Hơn 200.000 vé mời được phát ra để mời các đại biểu đến tòa nhà Quốc hội dự lễ.

Năm nay, mọi chuyện rõ ràng khác hẳn. Thứ nhất, lực lượng an ninh được triển khai dày đặc trước những cảnh báo về an ninh, bao gồm cả nguy cơ quá khích và bạo loạn. Thứ hai, vì dịch bệnh chưa được kiểm soát và rất nặng nề, việc giãn cách xã hội vẫn phải tiếp tục. Theo tôi được biết, nhà chức trách chỉ mời hơn 1.000 người đến dự tại tòa nhà Quốc hội và cắt giảm rất nhiều những nghi thức khác.

Thông thường, tại một sự kiện như vậy, tân Tổng thống sẽ đến, làm lễ tuyên thệ và có các phát biểu, rồi đến các màn biểu diễn văn nghệ, diễu hành từ tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng. Năm nay, những hoạt động đó đều bị cắt giảm, không có chuyện đứng dọc đại lộ Pennsylvania từ tòa nhà Quốc hội sang Nhà Trắng để vỗ tay hoan nghênh như cũ nữa. Các hình ảnh sẽ được chiếu qua mạng cho mọi người xem.

Những gì cốt lõi nhất như lễ tuyên thệ nhậm chức, chuyển giao chính quyền vào thời khắc trưa ngày 20/1 (giờ Mỹ) vẫn tiếp tục, nhưng các hoạt động liên quan bên lề đều bị cắt giảm. Trong khi đó, cảnh báo về dịch bệnh và an ninh gia tăng.

Rõ ràng, đây là một cuộc chuyển giao quyền lực và lễ tuyên thệ nhậm chức rất khác trong lịch sử nước Mỹ.

>> Chỉ dấu chính sách của ông Biden đưa ra cho châu Á - Thái Bình Dương

Thu gọn
20/01/2021 | 20:29

20h17

Nước Mỹ căng thẳng, chia rẽ và vị thế suy giảm

Nhà báo Diệu Thúy: Vậy theo ông, những điều này sẽ báo hiệu nước Mỹ trong những ngày tới như thế nào?

TS Tạ Minh Tuấn: Như Đại sứ Phạm Quang Vinh vừa nêu, tôi nghĩ rằng, đây sẽ là một dấu hiệu khó khăn đối với nước Mỹ. Điều này không chỉ thể hiện tâm trạng đối với sự kiện hôm 6/1, mà còn phản ánh rất nhiều vấn đề khác trong xã hội Mỹ, những chuyện gây căng thẳng và chia rẽ.

Sau khi ông Biden nhậm chức, tất cả những vấn đề như vậy được giải quyết, xử lý ra sao sẽ tác động tới phản ứng của người dân như thế nào. Người Mỹ đang trông đợi một sự thay đổi, một sự mới mẻ, một sự hàn gắn lại những chia rẽ.

Tôi cho rằng, trong vài ngày tới, chúng ta sẽ thấy được một vài thay đổi nhất định như ông Biden đã tuyên bố. Trước mắt, ông sẽ phải thực hiện như những cam kết của mình trước cử tri lúc vận động tranh cử. Tôi cho rằng, chỉ cần chờ thêm 2-3 ngày nữa, chúng ta sẽ biết được những chính sách đầu tiên nào của ông Biden được công bố.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi xin bổ sung thêm rằng, tôi thấy báo chí Mỹ đưa tin rất nhiều là ngay trong lòng nước này vẫn còn một bộ phận người dân chưa tin ông Biden đã thắng. Đây là câu chuyện có thật mà ông Biden sẽ phải đối diện. Sau khi bạo động, vẫn có hơn 2/3 hạ nghị sĩ (khoảng 134 người) vẫn bỏ phiếu không công nhận kết quả bỏ phiếu ở Pennsylvania.

Nhà báo Diệu Thúy: TS Tạ Minh Tuấn có thể khái quát hóa tình hình nước Mỹ hiện nay bằng những từ ngắn gọn hay không?

TS Tạ Minh Tuấn: Khái quát lại cả một vấn đề rất lớn như Đại sứ Phạm Quang Vinh vừa trao đổi, theo tôi, là một vấn đề khó. Nhưng tôi sẽ cố gắng để tóm tắt nó thành 3 cụm từ: căng thẳng, chia rẽ và vị thế suy giảm. Ba cụm từ này, theo tôi, có thể mô tả một cách tương đối sát với tình hình thực tế đang diễn ra tại Mỹ.

{keywords}
TS Tạ Minh Tuấn: Chủ nghĩa dân túy độc đoán đang gia tăng rất mạnh ở Mỹ

Nhà báo Diệu Thúy: Tại sao ông dùng 3 cụm từ này để mô tả tình hình nước Mỹ?

TS Tạ Minh Tuấn: Về cụm từ thứ nhất, cũng như Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích một phần, căng thẳng là cái mà chúng ta có thể thấy ngay. Một là, nước Mỹ đang đối mặt với đại dịch Covid-19 rất nặng nề. Hiện Mỹ có 24,8 triệu người bị mắc bệnh, trong đó là 411.500 người đã tử vong, tức là gần nửa triệu người, cao gấp đôi so với dự đoán ban đầu mà ông Trump đưa ra là 200.000 người.

Và con số này vẫn đang tăng mỗi ngày, với hàng chục nghìn người. Đây là một vấn đề rất lớn, gây ra căng thẳng trong xã hội Mỹ.

Thứ hai là về kinh tế. Kinh tế đình đốn, suy thoái, hàng chục triệu người mất việc làm, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, khiến đời sống của người dân rất khó khăn, đặc biệt là với những người thu nhập thấp và tạo ra sự bất ổn trong xã hội.

Một vấn đề nữa, ít được nhắc đến, nhưng theo tôi là một nguyên nhân rất quan trọng. Đó là chủ nghĩa dân túy độc đoán đang gia tăng rất mạnh ở Mỹ. Cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội chính là biểu hiện của chủ nghĩa dân túy độc đoán. Thứ chủ nghĩa này đã tạo ra căng thẳng trong xã hội Mỹ, đe dọa nền dân chủ hơn 240 năm của Mỹ như Đại sứ Phạm Quang Vinh đã trao đổi ở trên.

Và cuối cùng là niềm tin vào giới truyền thông, niềm tin vào khoa học và các thiết chế đã bị xói mòn rất lớn, đúng như Đại sứ Phạm Quang Vinh đã chia sẻ. Tất cả những yếu tố như vậy đã gây ra tình trạng căng thẳng.

Một ví dụ khác về sự chia rẽ như Đại sứ Vinh cũng có nói, một bên là 74 triệu phiếu bầu của ông Donald Trump, một bên là 81 triệu phiếu bầu của ông Joe Biden. Điều đó thể hiện 2 luồng quan điểm hoàn toàn khác nhau, đối chọi rất mạnh.

Vấn đề cuối cùng là vị thế suy giảm. Chúng ta có thể thấy được vấn đề này từ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Đặc biệt là bên ngoài nhìn vào nước Mỹ, người ta sẽ cảm thấy vô cùng kinh ngạc trước sự kiện hôm 6/1. Các đồng minh, bạn bè của Mỹ sẽ đặt ra câu hỏi liệu họ có thể tin cậy và dựa vào một siêu cường như Mỹ hay không, khi mà chính bản thân nền dân chủ lâu dài như vậy, một biểu tượng dân chủ như thế còn bị công kích, bị tấn công? Theo tôi, đây là một vấn đề có thể làm cho hình ảnh nước Mỹ trở nên vô cùng xấu xí. 

Lo lắng, bất an

Nhà báo Diệu Thúy: Theo TS Tạ Minh Tuấn, sự hiện diện dày đặc và chưa từng có của lực lượng an ninh Mỹ tại thủ đô Washington DC trong bối cảnh ông Biden sắp nhậm chức nói lên thực trạng như thế nào của nước Mỹ?

TS Tạ Minh Tuấn: Trước hết, theo cá nhân tôi, đây là một thực trạng buồn, vì nó chưa bao giờ xảy ra.

Lực lượng an ninh lên tới 25.000 người là một điều chưa từng có, cho dù lễ nhậm chức của các tổng thống Mỹ từ trước tới nay luôn được bảo vệ rất chặt chẽ. Chưa bao giờ chúng ta thấy có lực lượng đông đảo như thế, được trang bị đầy đủ vũ khí như thế.

Tôi nghĩ câu chuyện này phản ánh rất rõ một sự lo lắng và bất an rất lớn đối với những người bảo vệ pháp luật ở Mỹ, và xã hội Mỹ nói chung. Một lễ nhậm chức trong vòng bảo vệ an ninh như thế phản ánh một thực tế rằng, người ta không an tâm trước tình hình an ninh. Một hàm ý phía sau nữa là, người ta phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những kịch bản xấu có thể xảy ra, như những gì bị cho là “mất mặt” với thế giới vào hôm 6/1.

Người Mỹ bây giờ không muốn bất kỳ sự kiện gì xảy ra làm thay đổi hoặc ảnh hưởng đến lễ nhậm chức nữa, bởi nếu không thì không biết có thể dùng từ gì để mô tả được nó. Điều này buộc họ phải tạo những điều kiện tối đa để chắc chắn 100% rằng, không có bất kỳ điều gì xảy ra.

Thậm chí ngay hôm 6/1, Mỹ đã phải phong tỏa và thiết quân luật luôn cả thủ đô. Và bây giờ cũng như vậy, với những vòng bảo vệ xung quanh khu vực nhậm chức từ rất xa, người ta đã có thể ngăn chặn các tình huống xấu có thể xảy ra. Rõ ràng là, điều này phản ánh sự bất an, bất ổn, và mối lo lắng về các vấn đề an ninh có thể xảy ra đối với buổi nhậm chức.

Nhà báo Diệu Thúy: Xin mời quý vị theo dõi một số hình ảnh về tình hình an ninh ngay trước thời khắc chuyển giao quyền lực tại Mỹ: 

Thu gọn
20/01/2021 | 20:22

20h10

Cần thời gian dài để khôi phục lòng tin với các thiết chế dân chủ

Nhà báo Diệu Thúy: Chúng ta đều biết, ông Donald Trump là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội tới 2 lần. Đại sứ Phạm Quang Vinh nhìn nhận như nào về chuyện này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đúng là lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống Mỹ trong một nhiệm kỳ lại bị luận tội tới 2 lần. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần phân biệt 2 lần luận tội. Lần thứ nhất liên quan đến cáo buộc ông ép Ukraina điều tra cha con ông Joe Biden. Lần thứ hai liên quan đến câu chuyện bạo động ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1.

{keywords}
 

Trong lần thứ hai này, chúng ta thấy rằng, việc xâm nhập trái phép vào tòa nhà Quốc hội là một hành động quá khích và ai cũng lên án. Có ý kiến cho rằng, ông Trump trong suốt quá trình từ bầu cử cho đến lúc đó vẫn luôn phủ nhận kết quả bầu cử và nói rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Phát biểu của ông trước đám đông ngày 6/1 cũng lặp lại những quan điểm này. Nó giống như một giọt nước tràn ly, khiến những kẻ quá khích xâm nhập vào trụ sở cơ quan lập pháp.

Biểu tình, tuần hành một cách hợp pháp, biểu thị thái độ bất bình, phản đối của mình phù hợp với luật pháp của Mỹ là rất bình thường ở đất nước này. Câu chuyện này hoàn toàn khác với vụ bạo loạn ở trên. Một sự kiện trọng đại như việc Quốc hội Mỹ họp, kiểm phiếu để xác nhận kết quả bầu cử, nhưng lại bị phá hoại như vậy, rõ ràng là điều chưa từng xảy ra.

Việc luận tội lần hai đối với Tổng thống Trump liên quan đến vụ bạo loạn 6/1 có một phần trách nhiệm của ông, nhưng điều đó cũng phản ánh nước Mỹ rất phân cực và cuộc bầu cử vừa qua đã gây tranh cãi rất lớn. Lòng tin của người dân đối với các thiết chế dân chủ, trong đó có bầu cử chắc chắn cần một thời gian dài để khôi phục.

TS Tạ Minh Tuấn ban nãy có nhắc tới câu chuyện ông Donald Trump dù thất cử cũng được 74 triệu phiếu của cử tri, trong khi ông Joe Biden được 81 triệu phiếu. Và khi người ta tách ra, không thể kết hợp với nhau, lượng cử tri này của hai bên cũng đang phân tách nhau, báo hiệu một nước Mỹ sẽ tiếp tục rất khó khăn trong câu chuyện đoàn kết lại.

Thông điệp của ông Joe Biden, rằng muốn đoàn kết lại nước Mỹ, khôi phục các giá trị của Mỹ, muốn mọi người cùng nhau tái thiết lại nước Mỹ, sẽ rất khó thực hiện.

Trở lại vụ luận tội đầu tiên, câu chuyện này có liên quan tới những vụ việc được chính trị hóa rất nhiều. Người ta nói, vụ luận tội đó cho thấy sự phân cực rất lớn giữa hai đảng chính trị lớn nhất ở nước Mỹ. Rõ ràng, chúng ta thấy, khi đảng Dân chủ nắm được đa số ở Hạ viện thì ông Trump bị luận tội. Nhưng khi lên đến Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa nắm đa số, ông Trump thoát tội.

Tôi còn nhớ, vào ngày được tha bổng đó, ông Trump đã giơ tờ báo đăng tải câu chuyện Thượng viện gỡ tội cho ông như là một chiến thắng của mình. Như vậy, từ lúc đó, tất cả đã báo hiệu sự phân cực trong nền chính trị Mỹ. Và sự phân cực đó ngày càng trở nên sâu sắc hơn do dịch bệnh và khó khăn kinh tế.

>> Luận tội ông Trump có thể là cuộc khủng hoảng mới

Thu gọn
20/01/2021 | 17:10

20h00

Cuộc bầu cử khác biệt khi nước Mỹ phân hóa

Nhà báo Diệu Thúy: Chúng ta cùng nhìn lại những gì diễn ra kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11 cho đến nay.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, những sự kiện nào đáng lưu ý và tại sao cả thế giới lại hướng về bầu cử và hậu bầu cử Mỹ, theo dõi từng diễn biến?

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh và TS Tạ Minh Tuấn. Ảnh: Phạm Hải

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong cả 1 năm qua, đặc biệt là từ khi chính thức bỏ phiếu ngày 3/11/2020 cho đến nay, cá nhân tôi rất đồng tình rằng, đây là cuộc bầu cử rất khác biệt trong lịch sử Mỹ, khi tình hình đất nước rất phân hóa.

Tôi có thể tóm tắt thành mấy điểm như sau: Thứ nhất, đây là cuộc bầu cử bị đại dịch Covid-19 làm đảo lộn rất nhiều thứ. Những thành tựu của ông Donald Trump đã làm được trong những năm trước đã bị đảo lộn, như về kinh tế, công ăn việc làm...

Ngay cả ngày bầu cử 3/11/2020 cũng khác biệt, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu sớm qua thư nhiều chưa từng có, lên tới hơn 90 triệu phiếu trong tổng số 165 triệu phiếu bầu. Đây là câu chuyện rất lớn và cũng làm đảo chiều các câu chuyện sau này như ai giành được phiếu nào.

Thứ hai, nước Mỹ từ ngày 3/11/2020 tới nay là câu chuyện của chia rẽ và phủ nhận kết quả bầu cử. Các bên tranh cãi và cạnh tranh nhau rất nhiều. Tổng thống Donald Trump không chấp nhận kết quả bầu cử, liên tục có những phát biểu tranh cãi và những cuộc kiện tụng. Đến tận hôm nay, dù chấp nhận chính quyền mới nhưng ông Trump vẫn không công nhận ông Biden thắng cử.

Thứ ba, đỉnh điểm của câu chuyện này là cuộc bạo loạn ngày 6/1 vừa rồi tại tòa nhà Quốc hội, gây nên một bầu không khí vô cùng bức bối trong lòng nước Mỹ. Cả nước Mỹ lên án lãnh đạo chính trị của cả hai phía và bản thân Tổng thống Trump cũng nêu các phiền lòng của mình.

Vụ bạo động đó một mặt cho thấy sự phân cực, sự bất lực của các thiết chế trong lòng nước Mỹ, nhưng mặt khác cũng đặt ra nhu cầu phải tái lập trật tự, tái lập các thiết chế dân chủ của Mỹ. Điều đó rõ ràng cho thấy một nước Mỹ không hề yên ả chút nào.

Câu chuyện thứ hai, tại sao thế giới và các nước quan tâm đến tình hình chính trị Mỹ như vậy? Trước tiên, điều đó có liên quan đến vị thế và vai trò của nước Mỹ. Nước Mỹ có một vai trò toàn cầu rất lớn.

Thứ hai, khi xảy ra cuộc bạo động ở tòa nhà Quốc hội, điều mà người ta quan tâm là nền dân chủ Mỹ có đứng vững hay không, khi mà nước Mỹ dường như đang là nền tảng, mẫu hình cho nhiều nước khác noi theo về quản trị kinh tế, về quản trị xã hội, về đề cao các giá trị về dân chủ, con người... Khi xảy ra sự cố, mọi người rất lo ngại.

Thứ ba, người ta trông đợi Tổng thống mới của Mỹ sẽ mang đến những chính sách như thế nào. Thế giới đã biết 4 năm của ông Donald Trump với rất nhiều điều bất ngờ, nhưng cũng có rất nhiều di sản, đột phá.

Vậy thì ai là người chiến thắng? Chắc chắn là trong bối cảnh phân hóa như vậy, ông Joe Biden sẽ có chính sách khác mà tất cả các nước, các châu lục đều bị ảnh hưởng. Đó là những lý do khiến người ta quan tâm. Trong khi đó, những vấn đề như thế lại chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, nên người ta theo dõi rất hồi hộp.

>> Tại sao cả thế giới hướng về bầu cử Mỹ?

Tuần Việt Nam 

Nước Mỹ đang bị hủy hoại bởi sự chia rẽ

Nước Mỹ đang bị hủy hoại bởi sự chia rẽ

Thay vì đoàn kết lại với nhau, lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa lại đang âm mưu chia rẽ nước Mỹ ở mức độ tồi tệ. Rất khó thấy viễn cảnh hai đảng hợp tác hay đoàn kết.

Thu gọn