Tỷ lệ nội địa hóa tăng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước.

Cụ thể, cho đến nay, liên quan công tác xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, trong số 35 hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi, Bộ Công Thương đã cấp 23 Giấy xác nhận thuộc các ngành dệt may, điện tử, ô tô, công nghệ cao và cơ khí, các hồ sơ còn lại không thuộc đối tượng hoặc không đủ điều kiện xác nhận ưu đãi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được cấp ưu đãi chủ yếu là các doanh nghiệp FDI.

{keywords}
DN Việt Nam đã sản xuất được một số chi tiết trong sản phẩm điện thoại (ảnh: Việt Hưng)

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đó là các giải pháp kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu;  Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về CNHT.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh triển khai một số chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để mở rộng thị trường và nâng cao trình độ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Điển hình nhất là chương trình hợp tác với Samsung trong việc phát triển nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung cũng như triển khai Chương trình hợp tác đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng, từ đó tạo tính lan tỏa nâng cao năng lực của các doanh nghiệp CNHT trong nước để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, Bộ còn có chương trình hợp tác với Ngân hàng thế giới (World Bank) triển khai thực hiện Chương trình thí điểm phát triển Nhà cung cấp của Việt Nam với mục tiêu nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam để có thể đáp ứng yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Với nhiều nỗ lực đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển cả về lượng và chất so với giai đoạn trước.

Số doanh nghiệp đang hoạt động trong CNHT tính đến năm 2016 là khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các doanh nghiệp CNHT tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động, với doanh thu thuần sản xuất kinh doanh trong năm 2016 tăng 20,9% so với năm 2015.

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại.

Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.

Năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện, có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện như phụ tùng linh kiện nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị.

Nhờ đó,  tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; và điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy;

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%).

Thách thức còn lớn

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng chỉ ra vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức cho ngành CNHT.

Các quy định hiện hành của pháp luật chưa thể giải quyết để tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam.

 Ngành CNHT có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp CNHT còn chưa được hình thành. Mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được thể hiện trong bất kỳ văn bản qui phạm pháp luật nào.

Trong giai đoạn đầu phát triển, ngành CNHT còn nhiều hạn chế và yếu kém, chưa đủ nguồn lực để vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, vì vậy thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chính như ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may… nhằm tạo thị trường cho CNHT cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn, gây ra các hạn chế trong việc phát triển chuỗi sản xuất trong nước và quốc tế, khiến dung lượng thị trường cho ngành CNHT thời gian vừa qua không đủ để thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được quy định trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, nhưng chịu sự điều chỉnh của các Luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu…).

Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn gặp nhiều vướng mắc như chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV qua hệ thống ngân hàng phát triển, chính sách hỗ trợ DNNVV trong công nghiệp hỗ trợ. Các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa được cụ thể hóa…

Việc thiếu các cơ chế này khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi. Bên cạnh đó, công tác thực thi chính sách về công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế chưa tạo ra các chế tài chặt chẽ buộc phải tuân thủ về việc bố trí các nguồn lực để triển khai.

Do vậy, Bộ Công Thương đang dự kiến sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 111 theo hướng thiết thực và thuận lợi hơn cho DN CNHT.

Phạm Huyền

Dệt may Việt Nam cần xây dựng chuỗi liên kết trong nước

Dệt may Việt Nam cần xây dựng chuỗi liên kết trong nước

Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề: Sự thay đổi xu hướng và thách thức trong CN ngành dệt may Việt Nam, hôm 10/04/2019 tại Trung tâm Triển lãm quận 7 TP. HCM.