Năm lớp 12, Ninh Đức Hoàng Long (sinh năm 1991, Ninh Bình) đã định thi đại học khối A, nhưng tình yêu với nghệ thuật khiến anh bất ngờ đổi ý. Thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và học được 2 năm thì anh được các thầy cô động viên thi sang khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Sau 2 năm học thanh nhạc, Long nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Việt Nam - Hungary. Sau 6 năm “dùi mài kinh sử”, năm 2020, anh tốt nghiệp xuất sắc bậc Thạc sĩ biểu diễn Opera của Học viện Liszt và được Nhà hát Opera Quốc gia Hungary mời về làm việc.

Nhớ lại duyên đến với âm nhạc, Long chia sẻ, thời học phổ thông, anh thường xuyên tham gia các phong trào văn nghệ của trường lớp nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp.

Sinh ra trong một gia đình có bố là nhà văn, nhà thơ, biên kịch; chú là nhạc sĩ, nhiếp ảnh; còn mẹ rất yêu thích ca hát, Long có nhiều cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với nghệ thuật. Nhưng cuộc sống của một nghệ sĩ không dễ dàng, hiểu điều đó hơn ai hết, bố mẹ anh không ủng hộ lắm khi con trai quyết định học nhạc chuyên nghiệp.

Làm nghệ thuật ở Việt Nam đã khó, khi sang đến đất khách quê người, khó khăn lại chồng chất khó khăn. “Dường như tôi chẳng thấy có gì thuận lợi cả”.

Quan trọng nhất là đến từ một đất nước mà nhạc cổ điển không phải dòng nhạc phát triển, khi mới sang nước ngoài, anh cảm thấy mình có quá nhiều lỗ hổng.

Không những thế, bên cạnh học nhạc, anh còn phải học một ngôn ngữ mới để giao tiếp trong khi tiếng Hungary được đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới.

“Khó khăn thứ hai là những sinh viên ở đây được đào tạo về dòng nhạc cổ điển từ bé. Tuy lớn tuổi hơn nhưng so với các bạn kém mình 6-7 tuổi, kiến thức âm nhạc của tôi còn kém nhiều. Tôi đã phải rất cố gắng để rút ngắn khoảng cách ấy”.

{keywords}
 Ninh Đức Hoàng Long hiện là ca sĩ opera của Nhà hát Opera quốc gia Hungary. 

Trong năm đầu tiên, chàng sinh viên Việt Nam vừa phải học song song về văn hoá, ngôn ngữ, các môn ngành xã hội tiếng Hungary, vừa tham gia khóa học dự bị để thi đầu vào Học viện Âm nhạc Liszt.

“Tôi bắt buộc phải thành công 2 kì thi này mới đủ điều kiện để học tiếp. Vì thế, năm đầu tiên tại Hungary quả thật rất áp lực và cô đơn”.

Từ Việt Nam sang Hungary để học opera, Long vấp phải nhiều thách thức nhưng đây cũng chính là cơ hội để anh được “vẫy vùng” trong cái nôi của âm nhạc cổ điển.

“Trẻ con ở đây vào lớp 1 đều được chọn học một nhạc cụ và thường xuyên được bố mẹ đưa đến nhà hát. Đã nhiều lần tôi gặp những khán giả là kỹ sư, nhân viên văn phòng... nhưng đánh đàn rất giỏi và hát rất hay. Có thể nói âm nhạc vốn có sẵn trong mỗi người dân nơi đây. Nghe nhạc cổ điển, xem opera cũng trở thành thói quen của người dân. Vì thế, nghệ sĩ opera cũng là một nghề nghiệp được nhiều người Hungary coi trọng” - Long chia sẻ.

Chia sẻ về lý do chọn dòng nhạc “khó nhằn” này, Long bảo, khi ấy anh không nghĩ nhiều về việc mình có thành công hay không ở dòng nhạc này. Một số bạn bè trước đó cũng nói với anh rằng khó có thể đi dài sống lâu với nhạc cổ điển, nên anh cũng từng nghĩ rằng mình thật liều lĩnh với lựa chọn này.

"Nhưng mỗi chúng ta đều có những lựa chọn riêng, những may mắn và cả sai lầm. Theo đuổi dòng nhạc opera, tôi cảm nhận được mình có khả năng và phía sau tôi luôn có thầy cô ủng hộ, động viên. Vì thế, bản thân tôi chỉ có thể đặt mục tiêu là cố gắng và ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua mà thôi”.

Long nói, cho tới thời điểm này, sau 12 năm kể từ ngày quyết định chọn âm nhạc làm nghề nghiệp của mình, anh đã có thể thở phào vì mình đã quyết định sáng suốt. Làm một nghệ sĩ opera giúp anh luôn có những thử thách mới, giúp cuộc sống của anh luôn bận rộn và có ý nghĩa hơn.

{keywords}
Hoàng Long tham gia nhiều buổi biểu diễn mang tính giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hungary. 

Năm 2018, chàng ca sĩ trẻ được Tổng thống Hungary Áder János đặc cách cấp quốc tịch sau khi giành 3 giải Nhất ở các cuộc thi thanh nhạc quốc tế và nhiều lần có vinh dự được biểu diễn trong các buổi gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Hungary.

Năm 2020, Long nằm trong danh sách 30 Under 30 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Anh nói, so với 29 bạn trẻ khác trong danh sách, anh vẫn thấy mình thật nhỏ bé. Nhưng có lẽ những nỗ lực của anh được ghi nhận vì đây là một dòng nhạc khó và mới ở Việt Nam. “Tôi hi vọng những thành công ban đầu của mình sẽ giúp truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và được giới chuyên môn trong nước công nhận”.

Năm 2020 vừa qua là một năm đầy thách thức với các nghệ sĩ trên thế giới vì sự tấn công của đại dịch Covid-19. Nhưng với Long, trong cái rủi lại có cái may - khi không được biểu diễn trên sân khấu, những buổi biểu diễn của anh và các đồng nghiệp lại được “live-stream” và phát sóng trên truyền hình. “Vô hình chung, đây lại là cơ hội mang opera đến gần hơn với các khán giả khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi”.

Theo Long, ở Việt Nam trong vài năm gần đây đã hình thành một lượng khán giả yêu thích opera. “Các đồng nghiệp của tôi ở trong nước cũng rất đam mê và đã mang được một số tác phẩm đến với công chúng. Tuy nhiên, một vở diễn tiêu tốn rất nhiều tiền. Tôi hy vọng Nhà nước, các doanh nghiệp quan tâm tới văn hóa sẽ hỗ trợ opera nhiều hơn nữa trong thời gian tới”.

{keywords}
Hoàng Long cảm thấy may mắn khi được học tập ở cái nôi của âm nhạc cổ điển. 

Ninh Đức Hoàng Long (SN 1991)

-        Nằm trong danh sách 30 Under 30 năm 2020 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn

-        Nhận quyết định đặc cách cấp quốc tịch của Tổng thống Hungary tháng 10/2018

-        Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2016 và năm 2020

-        Giải Nhất cuộc thi Thanh nhạc quốc tế Simandy Jozsef lần thứ 9 (năm 2016) và lần thứ 10 (năm 2018)

-        Giải Nhất cuộc thi Operett quốc tế tại Slovakia tháng 5/2019

-        Gương mặt tiêu biểu của Cộng đồng Việt Nam tại Hungary

-        Tham gia nhiều chương trình biểu diễn, hòa nhạc tại châu Âu và Việt Nam


Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

9X Nghệ An sáng lập ứng dụng lọt top được live-stream nhiều nhất thế giới

9X Nghệ An sáng lập ứng dụng lọt top được live-stream nhiều nhất thế giới

Năm 2019, GoStream được Facebook đưa vào danh sách 30 nền tảng được sử dụng để live-stream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới.