Với con số 13, Solar Impulse 2 đang dừng chân ở sân bay quốc tế Lehigh Valley (thành phố Pennsylvania); rất gần với New York. Vì thế, con số cho chặng bay cuối cùng khép kín con đường bay vòng quanh thế giới chẳng những không còn là số 13 “ma quỷ” như dự tính thuở ban đầu nữa, mà nó phải bằng hay lớn hơn con số 15; có thể là 15 hay 16, 17 v.v…
Solar Impulse 2 hạ cánh ở Lehigh Valley. Ảnh theo www.phillyvoice.com |
Chiếc máy bay đặc biệt Solar Impulse 2, không kèm nhiên liệu và chạy bằng năng lượng mặt trời, cất cánh lúc 4:00 thứ Tư (25/5/2016) từ sân bay Dayton (thành phố Ohio) và đã hạ cánh ở sân bay quốc tế Lehigh Valley (thành phố Pennsylvania) vào lúc 20:45 cùng ngày sau khoảng 17 giờ bay.
Bản đồ mô tả chặng bay cuối trên đất Mỹ. Ảnh theo www.dailymail.co.uk |
Đây là chặng bay thứ 13 trên đất Mỹ, sau chặng 10 từ Mountain View (California) đến Phoenix (Arizona), chặng 11 từ Phoenix (Arizona) đến Tulsa (Oklahoma) và chặng 12 từ Tulsa (Oklahoma) đến Dayton (Ohio). Dù trước đây, sau chặng bay 11, Solar Impulse 2 dự tính sẽ bay chặng 12, từ Oklahoma tới New York, hoàn thành nửa đường bay còn lại trên đất nước Hoa Kỳ, trước khi vượt Đại Tây Dương bay đi châu Âu hay Bắc Phi. Và với chặng bay số 13; dù dân gian có nghi ngại “hên xui” với con số này hay không, các nhà điều hành lúc đầu vẫn dự tính đây là chặng bay đặc biệt, chặng cuối cùng trở về nơi xuất phát, thủ đô Abu Dhabi của nước Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) sau chuyến bay một vòng quanh quả địa cầu.
Nhưng thực tế vừa qua, chiếc máy bay Solar Impulses 2 đã phải qua những 4 chặng bay (từ 10 đến 13) và bây giờ vẫn còn vòng vèo trên đại lục nước Mỹ. Rõ ràng, vì nhiều lẽ các dự định trước đây về hành trình bay trên đất Mỹ do “bộ tham mưu” của Solar Impulses 2 nghĩ ra không còn được thực hiện răm rắp.
Trước hết, với máy bay sử dụng năng lượng mặt trời, các điều kiện như thời tiết mây mưa hay địa điểm cất hạ cánh v.v… có ảnh hưởng nhiều so với các máy bay thông thường. Chẳng han, trong chuyến bay đến Lehigh Valley hôm thứ Tư đã phải trì hoãn cất cánh đến 24 giờ để kiểm tra máy bay sau một vài sự kiện nhỏ kỹ thuật xảy ra trong nhà chứa máy bay di động cá biệt Solar Impulses 2 này.
Hơn nữa, dù đang có những khó khăn về thời tiết nhưng Solar Impulses 2 không thể không tiếp cận với thành phố New York hoa lệ bậc nhất thế giới, đặc biệt sau “Ngày tưởng nhớ” (Memorial Day). Vì lẽ các chủ nhân người Thụy Sĩ không thể gác lại ý thích bay quanh Tượng Nữ thần Tự do (Statue of Liberty) để chớp lấy những tấm hình kỷ niệm. Và mặt khác, họ muốn sống với cảm giác lạ trong việc thử thách bộ điều khiển không lưu trong quá trình tìm một khe hạ cánh tại một trong những sân bay bận rộn nhất trên thế giới.
Như vậy, 13 chặng bay vòng quanh thế giới của Solar Impulses 2 đã thực hiện. Và ít nhất còn một chặng nữa, chặng thứ 14, nó mới kết thúc con đường bay dài trên không phận Hoa Kỳ. Như vậy, con số chặng bay rời nước Mỹ, ít nhất cũng là con số 15.
Và vì thế, con số cho chặng bay cuối cùng khép kín con đường bay vòng quanh thế giới chẳng những không còn là số 13 “ma quỷ” như dự tính thuở ban đầu nữa, mà nó phải bằng hay lớn hơn con số 15; có thể là 15 hay 16, 17 … vì chiếc máy bay năng lượng mặt trời được dự kiến sẽ thực hiện, ngoài 1 điểm dừng tối thiểu ở Mỹ với New York trước khi băng qua Đại Tây Dương, còn không biết còn bao nhiêu điểm nữa ở châu Âu hoặc Bắc Phi trên con đường trở lại điểm xuất phát - Abu Dhabi của nước Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).
Trần Minh