Chặn xe biển ngoại giao rởm để né thuế, hưởng quyền miễn trừ 1

Một chiếc Roll-Royce Wraith có giá trên 25 tỷ đồng mang biển ngoại giao tại TP HCM

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan đang vào cuộc xử lý dứt điểm 131 xe mang biển ngoại giao “rởm” thông qua biện pháp truy thu thuế, xử phạt và buộc phải làm thủ tục chuyển nhượng.

Hàng trăm xe lách thuế, hưởng quyền miễn trừ

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 16/6/2021, Tổng cục Hải quan đăng thông báo danh sách ô tô mang biển ngoại giao đã cho, biếu, tặng nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng.

Danh sách liệt kê 41 cơ quan ngoại giao, tổ chức nước ngoài có phương tiện được cấp biển ngoại giao với tổng cộng 131 chiếc xe đã được các cơ quan này xác nhận không còn quản lý, sử dụng. Trong đó Cục Hải quan Hà Nội quản lý 93 xe, Cục Hải quan TP HCM quản lý 38 xe.

Đây được coi là đợt tổng rà soát toàn bộ số xe ô tô được tạm nhập từ tháng 4/1989 đến năm 2017 chưa làm thủ tục chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Phần lớn số xe này sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2013, một số là những mẫu xe siêu sang chỉ dành cho nguyên thủ các nước đến Việt Nam.

Đơn cử, có một chiếc Roll-Royce Ghost, một chiếc Maybach 62S, một chiếc Ranger Rover Autobiography, một chiếc Lexus LS600HL (của sứ quán Campuchia); có ba chiếc BMW series 7, hai chiếc Mercedes Benz S500, một chiếc Porsche Cayenne (của sứ quán Indonesia)… được xác nhận không còn trong diện quản lý của các sứ quán.

Theo danh sách, các cơ quan ngoại giao đăng ký nhiều nhất là Campuchia với 35 xe, Indonesia 19 xe, Philippines đăng ký 11 xe. Ngoài nhiều xe hạng sang như: Rolls Royce, Bentley, Maybach, Porscher, Mercedes, BMW, Aston Martin, Lexus... cũng có không ít xe bình dân như: Nissan Sunny, Toyota Camry, Corolla, Yarris, RAV 4, Cressida, Hyundai SantaFe, Sonata, Mitsubishi Pajero.

Vì sao những chiếc xe mang biển “NG” lại được nhiều người săn đón bất chấp những rủi ro khi xe không được sang tên chính chủ để thực hiện quyền sở hữu hợp pháp?

Một cựu lái xe cho sứ quán nước ngoài cho biết, ô tô mang biển số “NG” được hưởng quyền miễn trừ, không bị khám xét, trưng dụng, bắt giữ, không bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thông thường.

Đây là lý do chính để nhiều người muốn lách khỏi các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Ngoài ra cũng nhiều trường hợp lợi dụng con đường này để mua xe sang nhập khẩu mà không phải nộp thuế.

Theo luật sư Lưu Vũ Anh,Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt (Đoàn luật sư TP Hà Nội), với những xe sang, siêu sang, nếu làm thủ tục chuyển nhượng vào thời điểm này thì chịu mức thuế phí rất cao, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.

Cụ thể theo quy định khi làm thủ tục sang tên một chiếc xe mang biển ngoại giao sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế như một chiếc xe nhập khẩu đã qua sử dụng.

Với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên, thuế nhập khẩu sẽ được tính theo giá tính thuế ô tô qua sử dụng nhân với thuế suất từ 150 - 200%, cộng thêm thuế tuyệt đối là 15.000 USD/xe. Sau đó, lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ.

“Với các mức thuế này, một chiếc Rolls Royce Ghost đời 2010 trong danh sách được cấp phép tạm nhập vào Việt Nam năm 2011, nay làm thủ tục chuyển nhượng sẽ phải nộp một khoản tiền ước tính khoảng 20 tỷ đồng, chưa kể chi phí bỏ ra mua xe ban đầu. Trong khi đó, cũng chiếc xe cũ này, đi được hơn 50.000km, đang được rao bán trên thị trường chỉ vào khoảng 10 tỷ đồng. Vì vậy, chẳng cá nhân, hay tổ chức nào lại muốn làm thủ tục chuyển nhượng”, luật sư Vũ Anh phân tích.

Hết thời lợi dụng biển “NG”

Chặn xe biển ngoại giao rởm để né thuế, hưởng quyền miễn trừ 2

Những chiếc xe “ăn chơi” dòng Lamborghini đeo biển NG luôn khiến nhiều người tò mò, gây chú ý trên đường

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Kim Quế, Trưởng phòng 3, Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giao cho 4 bộ, ngành rà soát các loại phương tiện được quyền miễn trừ ngoại giao (Quyết định 14/2021), Bộ Tài chính đã có Thông tư 27/2021 hướng dẫn xử lý các loại phương tiện đã hết quyền miễn trừ ngoại giao.

“Hiện tại, cơ quan hải quan chưa ước tính tổng số thuế phải thu với 131 xe này, do mức thuế suất áp dụng với từng xe vào thời điểm nhập về Việt Nam cũng có sự khác biệt”, bà Kim Quế nói.

Cũng theo bà Kim Quế, trước đây các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam đã bán xe cho các người khác khi xe chưa làm thủ tục hải quan. Điều này dẫn đến người mua xe tìm đủ cách để lách luật, hợp thức hóa cho loại xe này. Quyết định 14 cho phép các đối tượng đang quản lý sử dụng xe được làm thủ tục chuyển nhượng xe.

Bên cạnh đó, cho phép các nhân viên ngoại giao đã hoàn thành nhiệm kỳ ở Việt Nam nếu chưa kịp thanh lý xe theo quy định pháp luật Việt Nam thì được phép ủy quyền cho nơi công tác thực hiện thủ tục chuyển nhượng.

Đối với những người đang sở hữu, sử dụng xe nhưng chưa làm thủ tục, phải theo dõi trên website của Tổng cục Hải quan để biết xe của mình có thuộc danh sách được phép làm thủ tục chuyển nhượng hay không. Nếu thuộc danh sách được phép làm thủ tục chuyển nhượng thì phải đến cơ quan công an để thực hiện xóa sổ biển số “NG” và đến chi cục hải quan thuận tiện để làm thủ tục chuyển nhượng.

Trường hợp không thực hiện thủ tục chuyển nhượng sẽ thuộc diện dừng đăng kiểm. Nếu cố tình lưu thông trên đường sẽ bị CSGT xử lý theo quy định là xử phạt vi phạm hành chính và buộc phải làm thủ tục chuyển nhượng.

Tuy nhiên theo luật sư Lưu Vũ Anh, cần làm rõ tài sản (xe ô tô) là của cá nhân hay tổ chức ngoại giao. Khi nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao về nước không làm thủ tục mang theo tài sản mà bán cho người dân sở tại thì cần truy thu thuế như với xe nhập khẩu, tránh tình trạng lợi dụng “mác” ngoại giao để lách thuế khi sở hữu xe siêu sang.

Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an thực hiện rà soát thông tin người đang đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký xe đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng và chuyển cho Bộ Tài chính.

Cơ quan CSGT khi phát hiện xe ô tô chưa làm thủ tục chuyển nhượng thuộc danh sách do Bộ Tài chính thông báo tham gia giao thông thì căn cứ vào quy định của pháp luật thực hiện xử lý vi phạm. Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan đăng kiểm thực hiện dừng đăng kiểm đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo danh sách do Bộ Tài chính thông báo.

Theo Báo Giao thông

Bạn hài lòng hay thất vọng với chiếc xe đầu tiên của mình? Hãy chia sẻ câu chuyện mua ô tô lần đầu tiên của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Quá hạn đăng kiểm, chủ xe và tài xế bị phạt nặng đến mức nào?

Quá hạn đăng kiểm, chủ xe và tài xế bị phạt nặng đến mức nào?

Việc “quên khuấy” ngày đăng kiểm hoặc vì một lý do nào đó không thể đưa xe đi kiểm định đúng thời hạn sẽ khiến chủ xe và tài xế phải đối diện với tổng mức phạt lên đến 22 triệu đồng.