- Một lần nữa, thuyền trưởng người Nhật lại phải đối mặt với những cơn bão chấn thương từ đội nhà. Nên nhớ rằng, đây không phải lần đầu tiên ông Miura đối mặt với những phiền phức không đáng có này kể từ khi đến dẫn dắt các đội tuyển ở dải đất hình chữ S. Chính bởi bão chấn thương đến một cách có hệ thống như thế, buộc người ta phải đặt câu hỏi: Tại ông Miura hay tại V-League?
Tại ông Miura...
Tuấn Anh là ca chấn thương mới nhất trong lần tập trung gần đây của ông thầy người Nhật. Mức độ nặng nhẹ của tiền vệ chuẩn bị sang Nhật chơi bóng chưa rõ, nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tập luyện của đội nhà.
Trường hợp của tiền vệ đang khoác áo HA.GL không phải là duy nhất, cũng như câu chuyện chấn thương là không mới trong tất cả - nhắc lại rằng trong tất cả các lần tập trung dưới thời HLV Miura.
Các bài tập nặng của HLV Miura là nguyên nhân dẫn tới nhiều ca chấn thương ở các đội tuyển. Ảnh Song Ngư |
Có mặt ở Việt Nam từ tháng 5/2014, ông thầy người Nhật đã có khoảng 10 đợt tập trung các đội tuyển để tham dự nhiều giải đấu khác nhau. Và chưa khi nào HLV Miura thoát khỏi nỗi ám ảnh chấn thương của các học trò.
Nhẹ thì cũng 3-4 ca, cá biệt trong lần tập trung cho vòng loại U23 châu Á thuyền trưởng người Nhật đã phải đối mặt với 8 trường hợp trấn thương với mức độ nặng - nhẹ khác nhau.
Để đến mức trước ngày lên đường sang Malaysia, HLV Miura đã phải gọi bổ sung gấp Văn Thanh, Văn Long, Đức Huy lên đội tuyển dù giải chỉ còn khoảng 1 tuần là khai mạc.
Nhiều ca chấn thương, và đều như "vắt chanh" như thế buộc tất cả phải hỏi rằng liệu có phải do phương pháp huấn luyện mà ông thầy người Nhật đưa ra cho các cầu thủ Việt Nam có vấn đề?
Câu hỏi này vẫn chưa thể trả lời, nhưng chắc chắn một điều rằng các bài tập của HLV Miura là khá nặng cũng như không nắm được tình hình sức khỏe từ ngay CLB để khiến mỗi lần tập trung các đội tuyển của thày Miu chẳng khác gì một bệnh viện thu nhỏ...
Hay tại V-League?
Nói gì thì nói, tất cả những ca chấn thương hoặc khiến U23, ĐTVN như một bệnh viện thu nhỏ rõ ràng không phải là lỗi hoàn toàn từ ông thầy người Nhật với giáo án và kỷ luật tập luyện khắt khe của mình.
Nhưng việc V-League hay các giải đấu có hệ thống kiểm tra y tế nghiệp dư cũng khiến đội tuyển như bệnh viện... Ảnh Song Ngư |
Nhìn nhận một cách khách quan, HLV Miura chỉ là nạn nhân của một nền bóng đá thiếu thốn đủ thứ, chỉ trừ...sự thiếu chuyên nghiệp và cẩu thả của các nhà làm bóng đá.
Hệ thống y tế của các CLB gần như không có, mỗi đội bóng chỉ gồm 2 bác sỹ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 30 cầu thủ trong suốt cả mùa bóng kéo dài tới 6-8 tháng.
Chẳng những thiếu bác sỹ hay hệ thống y tế tương đối kém, ngay cả những người phụ trách sức khỏe cho các cầu thủ đôi khi cũng chỉ biết cầm bình xịt ete giảm đau là hết.
Mức độ chấn thương của các cầu thủ sau mỗi trận đấu chỉ được kiểm tra qua loa. Thế nên, mới có chuyện khi Bình Dương dành cho các cầu thủ của mình đi khám, chữa ở bệnh viện quốc tế FV bỗng trở thành điểm sáng của cả giải đấu.
Hệ thống y tế thiếu, các phương pháp rèn thể lực cũng không hoàn thiện thậm chí thiếu khoa học là một phần khiến mỗi lần đội tuyển tập trung lại là một lần ông Miura lo lắng.
Vậy nên, đừng đòi hỏi gì quá nhiều ở ông thầy người Nhật khi mà nền bóng đá chỉ có duy nhất tiền chuyển nhượng, lót tay như chuyên nghiệp như ở BĐVN...
Duy Nguyễn