{keywords}
Chăn nuôi lợn khép kín theo phương pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tạo ra nguồn thịt lợn đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe của con người và mang lại hiệu quả kinh tế. 

Mô hình chăn nuôi lợn khép kín theo phương pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tạo ra nguồn thịt lợn đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe của con người và mang lại hiệu quả kinh tế đang được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, đẩy mạnh phát triển.

Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn của anh Vũ Hoàng Lân ở xã An Hòa (Tam Dương).

Chủ trang trại chia sẻ, mô hình chăn nuôi này, không những giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn đưa ra hướng chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế dịch bệnh, tăng thu nhập.

Năm 2017, ngay từ khi bắt đầu phát triển trang trại chăn nuôi lợn anh đã quyết định đầu tư chuồng trại chăn nuôi khép kín theo hướng đảm bảo an toàn sinh học.

Với diện tích 2.000m2 trang trại nằm tách biệt hoàn toàn với khu dân cư, được thiết kế khoa học, phân khu riêng biệt để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng bệnh, với 4 khu vực gồm: chuồng bầu, chuồng đẻ, cai sữa và khu chuồng nuôi thương phẩm.

Khu chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng mát và hạn chế mùi, được trang bị hệ thống thông gió, hệ thống sưởi ấm, hệ thống làm mát. Khoảng cách từ cổng đến trang trại khoảng 100m, đều được rải vôi.

Ngoài ra, anh sử dụng các chế phẩm sinh học hữu cơ do mình tự làm để khử mùi chuồng trại.

Sau khi hoàn thiện hệ thống chuồng trại, anh lựa chọn mua giống ở trại của các công ty lớn như: Japfa và Dabaco.

Hiện nay trang trại có hơn 800 con lợn trong đó có 700 con lợn thương phẩm  và 140 con lợn nái.

Anh Lân luôn chú trọng áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên đàn lợn trong trang trại phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Đàn lợn thương phẩm được thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua thịt hơi tại chuồng với giá 75.000 đồng/kg, mỗi tháng xuất 150 con, mỗi con nặng trên 100kg , trừ hết chi phí còn lãi  trung bình 400 - 450 triệu đồng.

Anh Lân chia sẻ thêm: Để nghề chăn nuôi lợn ổn định, phát triển và có lãi cần  đầu tư đồng bộ cơ cở vật chất đạt chuẩn, đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng từ chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, vắc xin, thuốc phòng trị bệnh.

Chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý tốt đặc biệt là công tác phòng bệnh, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (cách ly, vệ sinh, khử trùng tiêu độc), an toàn dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, xử lý tốt nguồn nước thải.

Đồng thời thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới; giá cả, chất lượng các nguyên liệu đầu vào; yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng, từ đó làm căn cứ lập kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, tuyệt đối không chăn nuôi chạy theo giá cả; hạch toán chi tiết, cụ thể các chi phí, tận dụng tốt, hiệu quả các nguồn lực để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Anh Lân sử dụng thêm lưới bao xung quanh chuồng trại để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh; tăng cường khâu chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung các chế phẩm sinh học.

Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng nguồn thức ăn, nước uống, nguyên liệu đầu vào; cách ly tất cả dụng cụ, con người, phương tiện, thức ăn, kể cả tiền, điện thoại… ra vào trại.

Với phương pháp chăn nuôi theo hệ thống khép kín, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, nên việc đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn được xác định là giải pháp phát triển ngành chăn nuôi một cách ổn định, bền vững.

Hoài Thanh