Năm 2021, tỉnh Yên Bái phấn đấu phát triển tổng đàn gia súc chính là 752.500 con; trong đó, đàn trâu 98.900 con, bò 35.100 con, lợn 618.500 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 58.000 tấn. 

Nhằm đạt kế hoạch đề ra, ngành chức năng đã hướng dẫn cho người dân các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, theo dõi diễn biến của dịch bệnh, có biện pháp phòng trị kịp thời, không để lây lan diện rộng. 

Đặc biệt, ngành nông nghiệp khuyến khích các trang trại, gia trại, hộ gia đình thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

{keywords}
 

Để phát triển bền vững và đứng vững trước mọi dịch bệnh, nhất là bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi an toàn sinh học đang là giải pháp được đặt lên hàng đầu.

Chăn nuôi an toàn sinh học là giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ, khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, khu dân cư, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác.

Kiểm soát không để người lạ, chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó mèo ra vào khu vực chăn nuôi; có các biện pháp sát trùng; tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; thu gom và xử lý chất thải bằng các biện pháp thích hợp. Bên cạnh đó là các biện pháp chăm sóc, dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; kiểm soát thức ăn, vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào chuồng trại. 

Các hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại; yêu cầu về con giống đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ và an toàn dịch bệnh; thức ăn, nước uống, xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh theo quy định của thú y.

Thực tế cho thấy, một số trang trại chăn nuôi theo chuỗi khép kín với việc áp dụng nghiêm ngặt về quy trình chăn nuôi an tòan sinh học đã đứng vững trước các đợt dịch.

Việc thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học chặt chẽ và các đề án, chính sách hỗ trợ để phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 13/2020/NQ HĐND ngày 14/4/2020 đã khích lệ người chăn nuôi tái đàn trở lại. 

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, ước tính Yên Bái hiện có trên 93.700 con trâu, giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước; 32.200 con bò, tăng 5,76% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đàn bò tăng do giá cả thịt bò cao và ổn định người dân đầu tư chăm sóc.

Cùng đó, nhiều tổ chức hỗ trợ bò sinh sản cho người chăn nuôi để xóa đói, giảm nghèo như: Dự án WB; đề án hỗ trợ cho người có công; dự án chăn nuôi bò tập trung trên đảo, Quỹ Hỗ trợ nông dân… cộng thêm lượng bò sinh sản được hỗ trợ từ những năm trước đã bắt đầu sinh sản, làm cho tỷ lệ tăng tự nhiên của bò trên địa bàn tỉnh tăn

Đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) đạt 464.700 con, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng do các huyện, thị xã, thành phố sau khi hết dịch người chăn nuôi bắt đầu cơ cấu lại đàn lợn. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm được quan tâm hơn nên không xảy ra các ổ dịch.

Chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi về quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, khuyến khích đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao; sử dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát; hệ thống ăn uống tự động; sử dụng chế phẩm sinh học; ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải bằng hầm biogas, đệm lót sinh học và công nghệ phòng, chống dịch bệnh.

Từng bước xây dựng đại trà mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các vùng chăn nuôi ở địa phương; chủ động rà soát và thực hiện tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh, nhất là ở các khu vực từng xuất hiện ổ dịch và có nguy cơ cao.

Quan tâm quản lý có hiệu quả hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật và giết mổ động vật. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học như: chuồng trại khép kín, xa nơi ở và cách ly với người ra vào trang trại; thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Lợn giống khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y và lấy mẫu âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; dịch lở mồm long móng và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin bắt buộc theo quy định.

Chị Đỗ Thị Hương – hộ chăn nuôi lợn với quy mô 50 con ở thôn Nông Trường (Thượng Bằng La, Văn Chấn) chia sẻ, việc áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đã mang lại hiệu quả về kinh tế  cho gia đình chị.

“Tôi được hỗ trợ 18 triệu đồng theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông, lâm, nghiệp sau dịch bệnh Covid-19. Cùng với số tiền tích lũy, tôi đầu tư tái đàn với số lượng 50 con. Giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu tôi xuất bán trên 4 tấn, thu lãi 75 triệu đồng”, chị nói.

Chị Hương cho biết thêm, mặc dù đàn lợn chỉ 50 con nhưng chị xây dựng khu chăn nuôi độc lập, xa khu dân cư và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch nên trong 6 tháng, đàn lợn của chị phát triển khỏe mạnh, an toàn.

Đặc biệt, chị thực hiện đúng các yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi, con giống, thức ăn và nước uống, vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ra, vào khu vực chăn nuôi, kiểm soát phương tiện vận chuyển khi xuất bán và lấy cám, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi.

Thu Hằng