Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, diện tích tự nhiên hơn 300 km2, chủ yếu là đồi núi và đất bán sơn địa. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp đa dạng với kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi.

Trong chăn nuôi, huyện Yên Thế đã sớm xác định gà đồi là vật nuôi chủ lực và phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng và quy mô lớn.

Giống gà đồi Yên Thế có mã đẹp, thịt ngọt, đậm, mang lại nhiều giá trị kinh tế. Đàn gà của huyện Yên Thế tập trung nhiều ở các xã Canh Nậu, Tam Tiến, Đồng Tiến, Đồng Lạc, Đông Sơn, Đồng Vương và Xuân Lương.

Từ năm 2011, gà đồi Yên Thế - Bắc Giang là con vật nuôi đầu tiên của cả nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu Chứng nhận.

{keywords}
Gà đồi Yên thế. Ảnh Duy Khánh

Nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế hiện được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại các nước: Lào, Trung Quốc, Singapore. Ở trong nước, thương hiệu gà đồi Yên Thế đã trở nên quen thuộc và được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành sử dụng trong các bữa ăn của mình…

Duy trì và phát triển bền vững Nhãn hiệu Chứng nhận “Gà đồi Yên Thế”, huyện Yên Thế đã ban hành và thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng VietGAP giai đoạn 2013 - 2015; Đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững huyện Yên Thế giai đoạn 2016 - 2020.

Bước sang năm 2021, huyện Yên Thế định hướng quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi gà đồi quy mô lớn, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn…

{keywords}
Chuyên gia xuống hướng dẫn bà Hường chăn nuôi gà an toàn.

Từ ngày áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học, đàn gà nhà bà  Thân Thị Hường (SN 1967 - Đồng Lạc, Yên Thế, Bắc Giang ít bệnh tật, đặc biệt là không phải dùng thuốc thú y nhiều, đảm bảo nguồn hàng vệ sinh, an toàn cho sức khỏe con người.

Do đầu vào ổn định, đầu ra không bị hao hụt nhiều nên bà Hường có lãi hơn. Bà tiết lộ: “Ngày trước tỉ lệ hao hụt lớn. Nay tỉ lệ hao hụt chỉ chiếm 5% trong tổng số 1.000 con. Thu nhập của tôi trước 20 triệu/năm, giờ khoảng 100 triệu/năm”.

{keywords}
Chăn nuôi gà theo mô hình an toàn sinh học là hướng phát triển kinh tế bền vững. 

Để đảm bảo chăn nuôi gà an toàn sinh học, bà Hường lựa chọn những trung tâm, trang trại cung cấp giống có uy tín.

Những cơ sở này khi xuất bán con giống đều đã chọn lọc, tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Chuồng trại chăn nuôi đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Ngoài ra, bà từng tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi gà an toàn sinh học tại trường Trung cấp nghề Miền núi Yên Thế để về áp dụng vào thực tế chăn nuôi tại gia đình mình.

Ông Bùi Thế Chung – Bí thư huyện ủy Yên Thế cho biết, trong vài năm trở lại đây, các hộ dân xuất bán ra thị trường từ 12-14 triệu con gà thương phẩm. Sản lượng thịt gà xuất chuồng đạt 20.000 tấn và 9,5 triệu quả trứng, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Thời gian tới, huyện Yên Thế đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, chế biến gà đồi Yên Thế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gà đồi Yên Thế trên thị trường.

Huyện ưu tiên các nhiệm vụ khoa học, công nghệ gắn với các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến gà đồi; mở rộng các vùng chăn nuôi gà đồi theo quy trình VietGAP, quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hình thành các vùng sản xuất gà đồi an toàn.

Địa phương tăng cường quảng bá thương hiệu gà đồi Yên Thế gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm đối với các sản phẩm chế biến từ gà đồi Yên Thế.

Với chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 và trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; trong đó, có sản phẩm gà đồi Yên Thế, huyện Yên Thế đã tập trung phát triển các hình thức liên kết sản xuất; đổi mới phương thức chăn nuôi gà đồi thông qua cơ chế khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, làm cơ sở xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị.

Về nguồn giống, ủy ban nhân dân huyện đã giao cho một số cơ sở sản xuất giống uy tín trong vùng nhiệm vụ cung cấp gà giống cho bà con.

Tại đây, những máy ấp trứng có công suất lên tới 100 nghìn trứng mỗi năm được đầu tư nhằm tạo ra nguồn gà giống tốt, đúng chủng loại theo yêu cầu.

Trước khi chuyển tới các trang trại, toàn bộ gà con đều được tiêm phòng đầy đủ. Nhờ vậy, nguồn gà giống Yên Thế luôn minh bạch về nguồn gốc, đảm bảo chất lượng từ khâu chọn giống.

Bảo Phùng - Ảnh Duy Khánh