Những năm qua, ngành chăn nuôi nước ta đang có bước dịch chuyển mạnh mẽ, từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi quy mô lớn.

Chăn nuôi cùng với trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được Đảng và Chính phủ quan tâm nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm thông qua những chủ trương, chính sách nhằm định hướng và tạo ra những cơ chế khuyến khích để ngành chăn nuôi phát triển nhanh, mạnh và vững chắc.

Song song với những lợi ích, vấn đề ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi đang là vấn đề khiến các nhà quản lý, người chăn nuôi đau đầu.

{keywords}
Ảnh minh họa. 


Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO), chất thải của gia súc toàn cầu tạo ra 65% lượng Nitơ oxit (N2O) trong khí quyển. Đây là loại khí có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời cao gấp 296 lần so với khí CO2. Cùng với các loại khí khác như CO2, CH4,… gây nên hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên.

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường còn có thể xảy ra trong quá trình giết mổ, sơ chế  sản phẩm động vật; Trong các cơ sở sản xuất thuốc thú y, chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay chăn nuôi vẫn là sinh kế quan trọng của nhiều triệu nông dân, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho con người, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho hầu hết người lao động.

Nếu các chất thải chăn nuôi đặc biệt phân chuồng không được xử lý hiệu quả sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khoẻ của cộng đồng dân cư trước mắt cũng như lâu dài.

Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái.

Nhiều biện pháp xử lý kỹ thuật khác nhau đã được áp dụng nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi... Trong đó, việc quy hoạch và giám sát quy hoạch cả tổng thể và chi tiết chăn nuôi theo quốc gia, miền, vùng sinh thái, cụm tỉnh cho từng chủng loại gia súc, gia cầm, với số lượng phù hợp để không quá tải gây ô nhiễm môi trường là biện pháp quan trọng có tầm chiến lược.

Kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi là áp dụng  các phương pháp lý học, hóa học và sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông thường người ta kết hợp giữa các phương pháp với nhau để xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả và triệt để hơn.

Một biện pháp nữa, hay được các khu trang trại sử dụng là hầm khí sinh học Biogas. Cộng nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học được đánh giá là giải pháp hữu ích nhằm giảm khí thải methane (Khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính) và sản xuất năng lượng sạch.

Hiện nay, việc sử dụng hầm Biogas đang được người chăn nuôi quan tâm vì vừa bảo vệ được môi trường vừa có thể thay thế chất đốt hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại.

Thế nhưng, ghi nhận tại nhiều nơi, biện pháp này vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ví dụ:  Nhiều trang trại chỉ xây dựng bể khí sinh học có thể tích 50 – 70m3, không đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải, do đó gây ra hiện tượng quá tải bể, ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, người chăn nuôi có thể sử dụng các chất men để giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được gọi là “Chế phẩm EM (Effective Microorganisms) có nghĩa là vi sinh vật hữu hiệu”. Người ta sử dụng men sinh học rất đa dạng như: Dùng bổ sung vào nước thải, dùng phun vào chuồng nuôi, vào chất thải để giảm mùi hôi, dùng trộn vào thức ăn…

Tại Hưng Yên, ngành chăn nuôi đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm của người dân, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh những lợi ích, áp lực về ô nhiễm môi trường do chăn nuôi mang đến khá lớn. Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh mô hình chăn nuôi không chất thải. Đây là hướng đi bền vững, đảm bảo hệ sinh thái phát triển ổn định.

Với đàn trâu, bò khoảng 40 nghìn con, đàn lợn khoảng 500 nghìn con, lượng chất thải hàng ngày ở các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh rất lớn. Trong khi đó, việc xử lý chất thải bằng bể Biogas ở nhiều hộ chưa hiệu quả, chất thải vẫn gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận hộ chăn nuôi khác không xử lý chất thải, chỉ sử dụng một phần cho trồng trọt, phần lớn thải trực tiếp ra cống rãnh, sông, hồ.

Trang trại của gia đình bà Võ Thị Phương ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu) vừa chăn nuôi bò, vừa chăn nuôi lợn với số lượng vài trăm con. 3 năm trở lại đây, gia đình bà đã sử dụng hệ thống thu, ép chất thải gia súc, xử lý triệt để chất thải, bảo vệ môi trường. 100% chất thải gia súc của trang trại được thu vào bể sau mỗi lần rửa chuồng, đưa lên máy ép. Phân ép khô được đóng vào bao, bán cho các hộ trồng trọt. Nước thải được ủ, trở thành phân bón cho diện tích hơn 5 mẫu trồng cỏ nuôi bò của gia đình bà.

Từ khi áp dụng hệ thống này, trang trại chăn nuôi hàng trăm con gia súc lớn của gia đình bà Phương không có chất thải dư thừa ra môi trường. Hoạt động chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Mỗi lần bán phân ép khô, trang trại lại có thêm nguồn kinh phí để tái sản xuất.

Loại máy ép này đã được sử dụng trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay, chi phí cho mỗi máy khoảng 100 triệu đồng, phù hợp với các trang trại chăn nuôi gia súc quy mô từ 100 con trở lên. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ liền kề có thể liên kết với nhau trong việc thu gom, xử lý chất thải để giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả xử lý.

Thu Hằng