Từ nhiều năm trở lại đây, chân gà trở thành một trong những món ăn vặt yêu thích của người dân từ trẻ nhỏ tới người lớn.
Từ chiếc chân gà, người ta có thể chế biến ra thành nhiều món ngon như chân gà nướng, chân gà sả tắc, chân gà chiên mắm, chân gà rang muối.... Và vào những buổi tối tại các địa điểm ăn uống lề đường, món chân gà lại càng bán đắt hàng hơn.
Tuy nhiên nhiều người sẽ thắc mắc tại sao ở chợ hay trên mạng xã hội, chân gà được bán tràn lan với số lượng lớn đến vậy và giá thành thì vô cùng rẻ.
Điều này được lý giải từ ba nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, chân gà được lấy từ gà đẻ trứng thải loại. Loại gà này được nuôi để lấy trứng, sau một thời gian khai thác trứng thì chúng sẽ được thải loại để tiếp tục nuôi lứa mới. Những con gà thải loại này sẽ bán cho các cơ sở giết mổ với số lượng lớn và chân gà được lấy từ đây. Khi thải loại tới hàng ngàn con thì số lượng chân gà cũng rất nhiều, không giống như thu mua nhỏ lẻ 1-2 con ngoài chợ.
- Thứ 2, đó là chân gà đông lạnh nhập khẩu. Ở nhiều nước trên thế giới, người dân không thích ăn chân gà, cho nên sản phẩm này được xuất khẩu sang các nước khác, chủ yếu là các nước châu Á. Trên thế giới có những cơ sở chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, quy mô lên đến hàng chục ngàn con gà thì nguồn cung cấp chân gà để xuất khẩu.
- Thứ 3, ngày nay có nhiều giống gà, nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn và các cơ sở chăn nuôi quy mô công nghiệp mọc lên nhiều để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cho nên, số lượng gà được đưa ra thị trường nhiều hơn. Trước đây, các hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ, một đợt xuất chuồng chỉ vài ba trăm con, còn hiện nay có thể xuất chuồng cả ngàn con nên số lượng chân gà cũng vì vậy mà không hề hiếm.
Với số lượng lớn chân gà được tung ra thị trường, cả chân gà tươi và chân gà đông lạnh, điều mà người mua lo lắng là làm sao chọn được chân gà ngon và đảm bảo an toàn. Để đáp ứng được điều này dưới đây cách chọn chân gà chị em có thể kham khảo:
1. Phát hiện mùi lạ
Quan sát bên ngoài là điều mà ai cũng làm khi mua gà hay chân gà. Tuy nhiên, nếu bạn dành một vài giây ngửi cũng đủ phát hiện chân gà có mùi ôi hay không. Khi ngửi có mùi lạ, ôi thì dù rẻ mấy cũng đừng mua bởi đây là loại chân gà đã để lâu, có thể được đông lạnh rồi rã đông và tỏa ra mùi khó chịu.
2. Chân gà mập mạp có thể bị bơm nước
Khi thấy chân gà mập mạp bạn cần cảnh giác vì rất có thể chúng đã được bơm nước. Để phát hiện chân gà bị bơm nước hay không, người mua dùng tay bóp vào chân, nếu bị bơm nước thì chân gà nhanh bị mềm, đầu ngón dễ bị căng phồng. Vuốt thẳng từ trên xuống hết ngón chân thì có thể thấy nước chảy thành giọt hoặc bề mặt ẩm ướt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo chân gà bị bơm nước.
3. Chân gà bị dính tay
Chân gà khi đã ôi hoặc biến chất chúng sẽ bị nhớt dính ở da. Nguyên nhân do bên trong chân gà chứa rất nhiều collagen, khi không còn tươi chúng sẽ bị biến đổi. Khi cầm hay sờ lên bề mặt da sẽ thấy dính tay là chân gà đã ôi.
4. Màu sắc trắng bệch/thâm tím
Với màu sắc, bạn chỉ cần cầm lên và nhìn bằng mắt thường là có thể phân biệt được. Bạn nên chọn những chân gà có màu sắc đồng đều, không trắng quá nhưng cũng không mua những chân gà thâm tím, có màu đen hay những vết máu đỏ sẫm.
Những chân gà này thường là loại quá "đát" và để lâu, có dấu hiệu ươn, không còn ngon. Còn chân gà trắng quá mức có thể do đã được tẩy bằng oxy già hay hóa chất. Vì vậy, nếu thấy loại chân gà trắng toát, dù bán giá rẻ cũng đừng ham vì đưa chất độc vào người.
5. Chân gà quá mềm
Nhiều người bán dùng mẹo rã đông chân gà đông lạnh rồi nói là chân gà tươi. Tuy nhiên, chân gà đông lạnh đã để lâu thì khi rã đông thường mềm, không giữ được độ cứng cáp. Chân gà càng mềm thì chứng tỏ có thể đã bị rã đông 2-3 lần.
Theo quan sát, thông thường chân gà ngon sẽ có 4 ngón gập vào, chỉ khi nắm hay bóp mạnh thì các chân mới tách nhau. Còn nếu như chân gà đã bị bơm nước thì thường các ngon tách nhau ra, và da trên chân gà không còn các nếp nhăn.
Cách để giải quyết vấn đề lo lắng chân gà đảm bảo hay không là bạn nên mua loại chân gà được đóng túi có hạn sử dụng, thời gian nhập kho, công ty và đơn vị phân phối rõ ràng. Không nên mua các túi đựng chân gà không có tên đơn vị sản xuất, thời hạn sử dụng.
(Theo Pháp Luật và Bạn Đọc)