Hơn một năm trước, Apple gặp vấn đề khá nghiêm trọng: iPad Pro bị chậm tiến độ. Một số thành phần phần cứng, phần mềm và bút stylus đi kèm không sẵn sàng cho đợt trình làng vào mùa xuân. CEO Tim Cook và những phụ tá hàng đầu của ông đã phải quyết định hoãn kế hoạch ra mắt cho tới mùa thu. Sự trì hoãn khiến các kỹ sư của Apple có thêm thời gian và giúp Johny Srouji, một giám đốc bí ẩn của Apple, có cơ hội chứng tỏ bản thân.

Srouji là phó chủ tịch cao cấp phụ trách công nghệ phần cứng tại Apple. Ông điều hành bộ phận chế tạo các chip xử lý, bộ não silicon bên trong iPhone, iPad, Apple Watch và Apple TV. Theo kế hoạch ban đầu, iPad Pro sẽ được ra mắt với vi xử lý dùng cho tablet của Apple, A8X, giống như vi xử lý trên iPad Air 2 được trình làng vào năm 2014. Tuy nhiên, trì hoãn ra mắt cho tới mùa thu đồng nghĩa với việc Pro sẽ ra mắt cùng iPhone 6s, phiên bản iPhone mới sử dụng vi xử lý mới A9 tốc độ cao hơn.

Đây chính là vấn đề khiến vị giám đốc công nghệ này mất ngủ hàng đêm. iPad Pro rất quan trọn. Nó là nỗ lực của Apple nhằm bán tablet cho các khách hàng doanh nghiệp. Nếu sử dụng chip A8X, Pro sẽ yếu ớt hơn nhiều bên cạnh iPhone 6s. Do vậy Srouji yêu cầu và thúc giục các kỹ sư trong nhóm của ông phát triển một vi xử lý dành cho tablet mới có tên A9X trong thời gian nửa năm. Các kỹ sư hoàn thành công việc đúng hạn và iPad Pro được tung ra thị trường với vi xử lý nhanh hơn và màn hình 12.9 inch, 5,6 triệu điểm ảnh.

Srouji được ban lãnh đạo thưởng cho những nỗ lực của ông. Trong tháng 12 năm ngoái, ông trở thành thành viên mới nhất trong đội ngũ quản lý của Cook và nhận được thêm khoảng 90.000 cổ phiếu Apple như một phần thưởng cho khoảng thời gian bốn năm cống hiến.

Ông cũng bắt đầu hiện diện công khai sau khoảng thời gian dài làm việc lặng lẽ từ khi gia nhập Apple vào năm 2008 tới nay. Srouji điều hành bộ phận quan trọng nhất nhưng cũng khó hiểu nhất của Apple. Từ năm 2010, khi nhóm của ông sản xuất chip A4 cho iPad đời đầu, Apple đã bắt đầu đi sâu vào ngành khoa học silicon đầy phức tạp và tốn kém. "Táo khuyết" tự phát triển các vi xử lý chuyên dụng nhằm nâng tầm sản phẩm của hãng so với các đối thủ cạnh tranh.

Các vi mạch được Apple thiết kế cho phép họ tối ưu sản phẩm phần cứng phù hợp hoàn hảo với các tính năng trên phần mềm của hãng trong khi kiểm soát chặt chẽ sự cân bằng giữa tốc độ và mức tiêu thụ pin. Trong số các thành phần trên chip có một bộ xử lý tín hiệu hình ảnh và bộ điều khiển lưu trữ giúp Apple tạo ra tính năng hữu ích cho chụp và lưu trữ hình ảnh. Chẳng hạn như chế độ chụp nhanh mà Apple giới thiệu trên iPhone 5s. Các kỹ sư và nhà thiết kế có thể làm việc trên các tính năng như vậy hàng năm trời mà không cần thông báo sớm cho các nhà cung cấp, đặc biệt là Samsung, hãng sản xuất rất nhiều chip cho Apple.

Srouji, 51 tuổi, là trung tâm của tất cả những điều trên. Ông là một người Israel và gia nhập Apple sau khi làm việc tại Intel và IBM. Ông nhỏ nhắn, mãnh mẽ, có thể nói tiếng Ả Rập, tiếng Hebrew, tiếng Pháp và tiếng Anh. "Theo đuổi những việc khó mới thú vị. Làm những điều dễ dàng chỉ tổ lãng phí thời gian", ông chia sẻ khi được hỏi tại sao thiết kế iPhone ngày càng mỏng hơn. "Các kiến trúc sư thiết kế chip tại Apple là những nghệ sĩ, những kỹ sư là những thuật sĩ". Với Srouji, mọi thứ trong sự cho phép của các định luật vật lý đều có thể thực hiện được.

Apple luôn có điều gì đó mới để khoe với mọi người

Gần đây, Srouji đã dành vài giờ chia sẻ với Bloomberg Businessweek và dẫn mọi người đi thăm cơ sở ché tạo chip của Apple tại Cupertino, Mỹ và Herzliya, Israel. Đây là một hoạt động trong chiến lược marketing của Apple. Các nhà đầu tư không mấy tin tưởng vào cổ phiếu của Apple trong vài năm qua khiến giá cổ phiếu giảm hơn 25%. Hầu hết mọi người đều đã hài lòng với smartphone của họ nên không muốn chi thêm vài trăm đô la cho một smartphone mới.

Srouji (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp thảo luận với Tim Cook (bên phải)

Srouji (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp thảo luận với Tim Cook (bên phải)

Thông thường, để thuyết phục người dùng, Apple giao nhiệm vụ cho đội thiết kế của Jony Ive phải nêu ra những thiết kế nổi bật của iPhone hay một ứng dụng hoặc một số tính năng, tiện ích mới. Luôn có một thứ gì đó mới để khoe. Nhưng không ai tại Apple từng khoe về những con chip, phần quan trọng nhất trong bộ máy tạo ra lợi nhuận cho Apple.

Khi iPhone đời đầu ra mắt vào năm 2007, Steve Jobs đã nhận ra thiếu sót của ông. Máy không có camera trước, thời lượng pin kém và kết nối 2G yếu đuối. Nó cũng chưa đủ mạnh. Một cựu kỹ sư Apple, người làm việc trong dự án iPhone đời đầu chia sẻ rằng mặc dù nó là một sản phẩm đột phá nhưng cũng có những giới hạn bởi nó được lắp ghép từ các linh kiện của các nhà cung cấp khác nhau bao gồm một yếu tố từ chip Samsung thường được dùng trong các máy chạy đĩa DVD. "Steve kết luận rằng phát triển chip riêng là cách duy nhất để Apple thực sự nổi bật và cung cấp một thiết bị thực sự độc đáo và thực sự tuyệt vời", Srouji chia sẻ. "Bạn phải kiểm soát và sở hữu nó".

Vào thời điểm đó, một trong những cố vấn tin cậy của Jobs, Bob Mansfield, điều hành mảng phần cứng. Mansfield đã tuyển dụng Srouji và giao cho ông nhiệm vụ phát triển chip. Lúc đó Srouji đang là một ngôi sao nổi bật ở IBM trong thế giới kỹ thuật bán dẫn. Ông tới với Apple với hứa hẹn được phát triển một thứ gì đó từ giai đoạn trứng nước.

Bán dẫn là một ngành đầy rủi ro và tốn kém

Tham gia thiết kế bán dẫn là một quyết định đầy rủi ro. Với kích thước của một con tem, vi xử lý là thành phần quan trọng nhất trong bất kỳ thiết bị điện tử nào. Nó thực hiện các công việc như chạy game, đăng trạng thái Facebook, gửi tin nhắn và chụp ảnh. Các dòng điện nhỏ di chuyển từ pin qua hàng triêu bóng bán dẫn nhỏ kích hoạt các lệnh và phản ứng trong 1/1000 giây. Thiết kế vi xử lý giống như việc bạn thiết kế một thành phố phức tạp trên đầu ngón tay của bạn. Khi con chip hoạt động thiếu hiệu quả, thiết bị hoạt động chậm chạp, treo máy khiến người dùng muốn ném nó vào tường.

Nếu phần mềm gặp lỗi, bạn chỉ cần phát hành một phiên bản cập nhật, vá lỗi. Phần cứng thì khác. "Bạn đặt sai vị trí của một bóng bán dẫn, mọi thứ kết thúc. Game over", Srouji nói. "Mỗi bóng bán dẫn có một chức năng riêng. Không hề có sự khoan nhượng trong ngành công nghiệp silicon". Các hãng sản xuất máy tính, điện thoại cũng bỏ việc chế tạo chip lại cho các chuyên gia như Intel, Qualcomm hay Samsung. Chính Apple cũng từng tự thiết kế chip cho máy tính Macintosh nhưng năm 2005, Steve Jobs đã ngừng việc này và sử dụng chip của Intel cho các máy tính Mac từ đó tới nay.

Khi Srouji gia nhập Apple, hãng này có khoảng 40 kỹ sư làm các công việc nhằm tích hợp các chip của nhà cung cấp khác nhau vào iPhone. Tới tháng 4/2008, số nhân viên của nhóm này tăng lên 150 người sau khi Apple mua lại một hãng khởi nghiệp phát triển bán dẫn ở Silicon Valley có tên P.A. Semi. Công ty này đứng đằng sau một công nghệ bán dẫn tiết kiệm điện. Nhóm của Srouji tương tác thường xuyên với các bộ phận khác từ lập trình viên phần mềm tới các nhà thiết kế trong nhóm vủa Ive.

Một kỹ sư ngồi trong phòng họp với Srouji thường phải chuẩn bị bài thuyết trình một cách kỹ lưỡng bởi một tính năng mới sẽ dễ dàng được phê duyệt nếu có sự ủng hộ của Srouji. Ông thường hỏi các kỹ sư các câu hỏi phức tạp về mặt kỹ thuật và yêu cầu họ có những phương án dự phòng cho trường hợp mọi thứ diễn ra không đúng kế hoạch. Ví dụ, ông đã từng hỏi rằng có thể sử dụng nhựa theo một hình thức nào khác để không ảnh hưởng tới các thành phần khác.

Sản phẩm đảo lộn thế giới

Sản phẩm đầu tiên của Srouji xuất hiện vào năm 2010 với sự ra mắt của iPad đời đầu và iPhone 4. Một vi xử lý có tên A4, một phiên bản sửa đổi của thiết kế từ ARM Holdings, một công ty cấp quyền sử dụng sáng chế công nghệ Anh Quốc. A4 được thiết kế để điều khiển hoạt động cho thiết bị màn hình hiển thị võng mạc độ nét cao. Srouji nói rằng đó là một cuộc chạy đua để đưa hệ thống SoC đầu tiên này vào sản xuất. "Chiếc máy bay đang chuẩn bị cất cánh và tôi xây dựng đường băng kịp lúc", ông nói.

Trong những năm tiếp theo, Apple tiếp tục cải tiến thiết kế chip của hãng và tích hợp thêm những cải tiến khác như chip nhận dạng vân tay, gọi video và trợ lý ảo Siri... Khi các công ty sản xuất thiết bị Android khác bắt đầu làm tablet, họ chủ yếu sử dụng vi xử lý thông thường cho điện thoại di động. Nhưng Apple thì khác, bắt đầu từ iPad thế hệ tứ ba ra mắt năm 2012, nhóm của Srouji bắt đầu thiết kế những con chip đặc biệt mang tới cho tablet những màn hình độ phân giải cao giống như iPhone.

Mảng bán dẫn của Apple khiến ngành công nghiệp công nghệ cao tò mò nhưng phải tới năm 2013 khi iPhone 5s ra mắt thì nó mới nhận được sự chú ý của các đối thủ cạnh tranh. Chiếc điện thoại này nổi bật với vi xử lý A7, chip smartphone đầu tiên với chuẩn 64-bit, gấp đôi chuẩn 32-bit tại thời điểm bấy giờ. Công nghệ mới mở đường cho các tính năng hoàn toàn mới như Apple Pay và máy quét dấu vân tay Touch ID. Các nhà phát triển phả viết lại ứng dụng cho tiêu chuẩn mới nhưng nó tạo ra một hướng đi giúp bản đồ tải nhanh hơn, video game chơi mượt hơn mà không ngốn nhiều bộ nhớ RAM.

Qualcomm, hãng thiết kế chip điện thoại lớn nhất thời điểm đó và hiện tại, đã có một quyết định tốn kém là loại bỏ hoàn toàn việc phát triển chip 32-bit để dồn mọi nguồn lực nhằm bắt kịp Apple. "Chip A7 khiến cả thế giới đảo lộn", Ryan Smith, giám đốc ban biên tập của AnandTech chia sẻ.

Srouji không giấu được nụ cười kihi nhớ lại phản ứng của các đối thủ khi Apple trình làng chip 64-bit. "Khi chúng tôi chọn một điều gì đó thì nó chính là thứ mà không một ai có thể làm được hoặc nó quá độc đáo và khác biệt khiến chúng tôi phải tìm mọi cách để đạt được", ông nói.

Tài năng nở rộ từ khi còn nhỏ

Srouji sinh ra ở Haifa, một thành phố cảng phía bắc Israel. Ông là con thứ ba trong một gia đình có bốn anh chị em. Cha của ông làm chủ một doanh nghiệp tạo khuôn kim loại bên ngoài thành phố và ngay từ lúc 10 tuổi, Srouji đã dành những ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ hè để chế tạo những khuôn gỗ dùng cho việc chế tạo các bộ phận của động cơ, thiết bị y tế và các máy móc khác. Cha của ông rất khoái những công việc phức tạp mà ông chưa bao giờ làm. Công việc càng phức tạp, càng lạ thì ông càng hứng thú.

Cha của ông qua đời vào năm 2000 luôn coi trọng giáo dụng và lúc nào cũng dặn dò ông không được quá dễ dãi trong công việc kinh doanh của gia đình. Ở trường trung học, Srouji đạt điểm cao trong các môn toán, vật lý, hóa học và khoa học. Ông được một thầy giáo giảng dạy tại Viện Công nghệ Technion Israel cho làm quen với máy tính và ngay lập tức tỏ ra yêu thích.

Ông theo học tại Technion và thường ở lại phòng máy tính tới đêm muộn để phác thảo code bằng bút chì. Ông hoàn thành khóa học cử nhân và thạc sĩ khao học máy tính. Luận án thạc sĩ của ông viết về các kỹ thuật mới cho kiểm thử phần mềm và hệ thống phần cứng.

Sau khi tốt nghiệp, Srouji làm việc tại IBM bởi trung tâm nghiên cứu lớn nhất bên ngoài nước Mỹ của hãng này đặt ở Haifa. Trung tâm này thu hút rất nhiều nhân tài sắp ra trường ở Technion và các đại học ở Israel. Ông nghiên cứu các hệ thống phân phối, một lĩnh vực mới nổi, trong đó các máy tính tại các địa điểm khác nhau được kết nối lại mới nhau để hoàn thành những phép tính khó. Để xây dựng hệ thống đảm bảo kết nối giữa các máy tính, bạn cần phải có khả năng xây dựng phần cứng và khả năng viết các thuật toán phần mềm.

Mặc dù Israel luôn vật lộn trong tình trạng xung đột giữa người Do thái và người Ả-rập nhưng trong thế giới của Srouji không hề có sự phân biệt. "Người làm kỹ thuật đối xử với người làm kỹ thuật khác dựa trên tính cách và trình độ kỹ thuật", Cohn, bạn thân của Srouji chia sẻ. "Bạn đừng nghĩ về nó. Bạn chỉ cần làm việc với những người khác, mọi thứ còn lại sẽ biến mất".

Năm 1993, Srouji bỏ IBM để tới Intel, nơi ông tạo ra các kỹ thuật chạy mô phỏng để kiểm tra sức mạnh của thiết bị bán dẫn. Trong một chuyến thăm Hoa Kỳ vào năm 1999, ông đã dùng 20 phút đi chung xe với quản lý, đồng hương Isreael Uri Weiser, để vận động cho kế hoạch ba năm tại trung tâm nghiên cứu của Intel ở Austin.

Những phòng thí nghiệm hiện đại

Srouji ở một căn hộ cách trụ sở Apple tại One Infinite Loop, Curpertino, vài dặm. Ông lái một chiếc Mercedes-Benz màu đen và thư giãn bằng cách tập gym và đạp xe vào cuối tuần. Ông hay cười và có những cử chỉ ấm ám nhưng tuyệt đối kín miệng khi được hỏi về những gì được coi là bí mật của công ty.

Một buổi sáng tháng Hai, Srouji tiến hành chuyến thăm các cơ sở phát triển mà ông đang quản lý. Những cơ sở này nằm rải rác trên khắp Silicon Valley. Một chiếc xe buýt đón anh ở One Infinite Loop và di chuyển 10 phút qua một loạt khu dân cư hướng tới một văn phòng thấp tầng nằm gần rìa thành phố Santa Clara.

Một nhân viên đón Srouji tại bến xe buýt và đưa anh qua vài chiếc cửa khóa kín để tới một căn phòng nơi các thiết kế chip tương lai đang được thử nghiệm. Căn phòng được sơn màu trắng theo phong cách của Apple nhưng không được gọn gàng cho lắm. Dây điện và những phích cắm dày, lớn nằm la liệt xug quanh. Những chiếc máy tính Mac cũ không sử dụng được xếp trên kệ như những cuối sách. Tất cả thiết bị đều được điều khiển từ xa. Các hộp đang chạy phần mềm quét lỗi trong kiến trúc chip. Mỗi thành phần của chip được thử nghiệm trong vài ngày sau đó chuyển qua thành phần khác cho tới khi quá trình này hoàn thành có thể mất vài tháng. "Nếu bạn may mắn và nghiêm ngặt, bạn sẽ tìm thấy những sai lầm trước khi chip được tung ra thị trường", Srouji nói.

Trong phòng bên cạnh, các bảng mạch được nối với nhau trong hộp để mô phỏng khả năng của một chiếc iPhone hoặc iPad trong tương lai. Lập trình viên phần mềm của Apple, ngồi ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đều có thể thử nghiệm từ xa xem code của họ hoạt động như thế nào trên một thiết kế chip trong tương lai.

Sau đó, chiếc xe tiếp tục đưa Srouji đi thêm vài dặm tới một tòa nhà khác nơi những hàng máy tính Mac Mini được tùy chỉnh để thử nghiệm nguyên mẫu chip dưới nhiều điều kiện nhiệt độ và áp suất khác nhau. Đứng ở ngoài nhìn vào giống như chúng tôi đang trong thế giới Ma trận. "Trước đây không ai được thấy những thứ này", Srouji nói.

Mọi thứ trông cực kỳ phức tạp. Srouji không nói về vấn đề chi phí nhưng năm ngoái số tiền Apple dành cho nghiên cứu và phát triển đạt mức 8,1 tỷ USD, tăng từ 6 tỷ năm 2014 và 4,5 tỷ năm 2013. Nhiều nhà phân tích cho rằng phần lớn chi phí gia tăng được dành cho việc phát triển chip. Tất cả những gì Srouji chia sẻ về tài chính chỉ là Cook không hề rà soát vấn đề này. "Tôi kiểm soát vấn đề tài chính rất chặt chẽ", ông nói. "Tôi thực sự tin rằng các kỹ sư sẽ làm những điều tốt nhất khi họ bị hạn chế tiền bạc, công cụ hoặc các nguồn lực. Nếu bạn trở nên luộm thuộm vì bạn có quá nhiều tiền đó là một suy nghĩ sai lầm".

Kết

Apple vẫn chưa thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về số phận của mình. Hãng này vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng. Màn hình tới từ Samsung, modem di động của Qualcomm. Samsung và TSMC vẫn đang sản xuất vi xử lý cho Apple. Khả năng đáp ứng nhu cầu của Apple vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lực sản xuất của chuỗi cung ứng. Apple cũng vẫn xếp sau samsung trong một số lĩnh vực phát triển chip như thêm một modem vào trung tâm xử lý để tiết kệm không gian và điện năng hoặc chuyển từ thiết kế chip 20-nanometer sang 16-nanomerter nhỏ gọn hơn. "Nếu chỉ xét về phần cứng, tôi nghĩ rằng Samsung có vi xử lý tốt nhất", Mike Demler, một nhà phân tích thị trường chip, chia sẻ.

Dẫu vậy, Apple không hề muốn tham gia quá sâu vào những thứ nhỏ nhặt như chip WiFi hay công nghệ pin dù họ hoàn toàn đủ nguồn lực. Apple đang làm tốt trên thị trường chip di động và hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng với Intel để tự sản xuất vi xử lý cho máy tính Mac. Nhưng Srouji không nghĩ vậy, ông cho rằng nhóm của ông có năng lực hữu hạn.

"Chẳng thông minh gì khi chúng ta cố gắng làm tất cả mọi thứ trên hành tinh này", ông nói.