Tờ Caixin cho biết, 54,2% cổ phần của Sichuan Trust là do Lưu Thương Long nắm giữ, và 32% thuộc về tập đoàn Sichuan Hongda Group, cũng thuộc quyền quản lý của tỷ phú họ Lưu, dù ông này không nắm giữ bất kỳ chức vụ nào. Ông Lưu cũng được cho là nắm giữ 26,9% cổ phần ở Sichuan Hongda, một công ty đã được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải.
Do Sichuan Trust không thể trả hết nợ gốc và lợi tức cho các nhà đầu tư, nên chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã tiếp quản doanh nghiệp này năm 2020. Theo báo cáo của Công ty kiểm toán KPMG Trung Quốc hồi tháng 4/2020, tổng nợ của Sichuan Trust lên đến 25,3 tỷ Nhân dân tệ (3,9 tỷ USD). Theo ước tính của Forbes năm 2017, ông Lưu nắm số tài sản lên đến 1 tỷ USD.
Lưu Thương Long bị bắt ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, hôm 9/6. |
Tự thân lập nghiệp
Báo Week in China cho biết, Lưu Thương Long sinh năm 1964 ở Shifang, tỉnh Tứ Xuyên. Không phải là người học hành đỗ đạt, ông này bắt đầu làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở địa phương rồi sau đó ra mở doanh nghiệp riêng.
Vay được 500 Nhân dân tệ từ người thân, ông thành lập công ty Hongda kinh doanh phân lân. Lưu Thương Long tập trung bán hàng cho những người nông dân chịu năng suất cây trồng kém do đất canh tác bị bạc màu. Nhờ đó, ông ta phất lên như diều gặp gió. Năm 1993, Lưu Thương Long đổi tên công ty thành Sichuan Hongda Group.
Nhận ra cơ hội béo bở trong buôn bán phân bón chứa kẽm nhưng sớm nhận ra nguồn cung kẽm đang thiếu hụt, vì Trung Quốc đang trải qua thời kỳ phát triển công nghiệp nhanh chóng, Sichuan Hongda mua lại Yunnan Jinding - công ty khai thác kẽm hàng đầu ở tỉnh Vân Nam. Lưu Thương Long tập trung thúc đẩy sản xuất và chỉ trong vòng 2 năm, khối lượng phân kẽm đã tăng từ 27.000 lên 220.000 tấn.
Sau đó, Lưu Thương Long mua các mỏ kẽm khác ở Nội Mông, Quý Châu và Tây Tạng. Năm 2007, ông này đến châu Phi, thành lập một công ty khai thác mỏ ở Tanzania nhằm phát triển tài nguyên khoáng sản trong khu vực. Vào năm 2010, Sichuan Hongda là nhà sản xuất kẽm lớn thứ ba của Trung Quốc.
Ngoài kinh doanh kẽm và sản xuất phân bón, Sichuan Hongda còn mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực phát triển bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng và kinh doanh xuất nhập khẩu.
Mất danh tỷ phú
Hồi tháng 5 vừa qua, Sichuan Hongda Group và Shichuan Hongda trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã bị cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc đưa vào danh sách 19 thực thể "vi phạm nghiêm trọng luật pháp và các quy định", với tư cách là cổ đông của các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm, trong đó có việc chiếm dụng trái phép vốn của các công ty tín thác và quỹ thuộc về các nhà đầu tư.
Trước đó, hồi tháng 3, Sichuan Trust đã bị phạt 34,9 triệu Nhân dân tệ vì tiến hành các hoạt động kinh doanh ngân hàng và cho vay bất hợp pháp, một trong những khoản tiền phạt lớn nhất từng được áp dụng đối với một công ty tín thác của Trung Quốc. Sichuan Trust bị phát hiện đã chuyển tiền bất hợp pháp trong các sản phẩm tín thác cho các cổ đông và các bên liên quan, cùng nhiều vi phạm khác.
Năm 2018, Lưu Thương Long bị loại khỏi danh sách tỷ phú của Forbes. Trước đó, ông này cũng bị xóa tên khỏi danh sách nhưng người giàu nhất Trung Quốc.
Lưu Thương Long là anh họ của tỷ phú Lưu Hán, người bị xử tử hình vào năm 2015 vì điều hành một đường dây tội phạm có tổ chức. Lưu Hán, Chủ tịch Tập đoàn Hán Long trụ sở cũng ở tỉnh Tứ Xuyên, sở hữu hàng chục công ty con về bất động sản, khai mỏ và năng lượng, và có trong tay tổng tài sản 6,4 tỷ USD. Tạp chí Forbes từng xếp hạng ông này ở vị trí 148 trong số các doanh nhân giàu nhất Trung Quốc năm 2012.
Theo Caixin, Lưu Hán là một trong nhiều đối tác làm ăn của Chu Bân - con trai cả cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Cũng trong năm 2015, Chu Vĩnh Khang lĩnh án tù chung thân vì lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ và tiết lộ bí mật quốc gia.
Thanh Hảo
Trung Quốc bắt tỷ phú có quan hệ với cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang
Tỷ phú Lưu Thương Long bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ ở Thành Đô, Tứ Xuyên hôm 9/6 với nghi vấn chiếm đoạt tiền từ tập đoàn Sichuan Trust.